Chia sẻ

“Bộ 3 trinh sát” cắm cờ chiến thắng trên tòa nhà Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn

0:00
0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Tháng 4, có những khoảng lặng, đứt quãng, là lúc cảm xúc dâng trào khi các anh sống lại một thời oanh liệt, giữa sự sống và cái chết, giữa hạnh phúc và mất mát, hy sinh, kẻ còn, người mất...

Dọc đường vào chiến trường...

Khi tiếng nói cười, trò chuyện rôm rả chùng xuống, Đại tá Trịnh Bá Uẩn (SN 1955, trú tại đường Phan Chu Trinh, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), kể cho chúng tôi nghe về cuộc hành quân thần tốc, đánh thẳng vào Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn tức Bộ Tổng Tham mưu quân lực Việt Nam Cộng hòa và định vị lá cờ chiến thắng trên nóc tòa nhà này trong khoảnh khắc lịch sử vào trưa ngày 30/4/1975. Trước đó, họ đã phải trải qua những cuộc huấn luyện, bí mật hành quân hàng nghìn cây số để chuẩn bị cho trận chiến quyết định cuối cùng.

Lá cờ cách mạng tung bay trên nóc trụ sở Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Lá cờ cách mạng tung bay trên nóc trụ sở Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Tháng 2/1975, khi vừa chớm tuổi 20, Trịnh Bá Uẩn gác lại chuyện gia đình, vợ con, rời vùng đất Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) xung phong lên đường nhập ngũ. Lúc này, tin chiến thắng trên một số mặt trận đã báo về, rộn rã phát đi trên Đài Tiếng nói Việt Nam, tiếp thêm động lực cho ông vững bước lên đường. Tân binh được chuyển thẳng tới vùng rừng núi thuộc huyện Như Xuân (Thanh Hóa) để huấn luyện. Sau một tháng tập luyện xạ kích, Trịnh Bá Uẩn nhận lệnh hành quân vào chiến trường. Tới Vĩnh Linh (Quảng Trị), tân binh được tập hợp thành hàng ngang để những đơn vị trực tiếp chiến đấu tới tuyển nhận, bổ sung quân cho các mặt trận. Trịnh Bá Uẩn là người duy nhất đợt này được chọn vào tiểu đội trinh sát thuộc Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1. Trước khi bước vào chiến trường thực chiến, tiểu đội của anh Uẩn gồm 12 người được đưa tới những cồn cát nắng cháy ven biển để huấn luyện “tiền nhập” theo tổ, mỗi tổ 3 người.

Ngày 26/3/1975, đồng đội từ khắp nơi bỗng dồn dập đổ về, tập kết súng đạn, xe tăng, thiết giáp, lương thực… Trung đoàn trưởng phổ biến ngắn gọn: “Tất cả ra chiến trường”. Lúc này, thanh niên Trịnh Bá Uẩn mới hình dung có một trận đánh rất lớn sắp xảy ra. Đồng chí Uẩn cùng đồng đội được lệnh hành quân qua Đường 9, cắt ngang sang đất bạn Lào để vào Nam. Dọc đường đi, Trịnh Bá Uẩn gặp rất nhiều chiến sĩ đang bí mật đóng quân trong rừng sâu. Thiếu thốn về vật chất, đói khổ, bệnh tật thời chiến là đương nhiên. Điều làm anh ám ảnh, đau đáu trong lòng tới tận ngày nay là rất nhiều người nhập ngũ khi tuổi đời chưa tròn 18 đã phải nằm lại trên khắp chiến trường. Không ít chiến sĩ nhập ngũ từ năm 1962, trực tiếp tham gia chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh năm 1968, từ đó đồn trú, chiến đấu để bảo vệ cứ điểm này. “Suốt 13 năm kể từ ngày nhập ngũ, trong số các anh tôi gặp dọc đường hành quân, chưa ai một lần được về thăm nhà. Tuổi xuân của nhà binh gắn liền với bom đạn đằng đẵng, đánh phá khốc liệt. Nơi sự sống và cái chết chưa bao giờ mong manh hơn thế!..”, Đại tá Trịnh Bá Uẩn rưng rưng chia sẻ.

Sau gần tháng hành quân, vòng sang nước bạn Lào rồi lại đổ vào đất Việt, những ngày tháng 4/1975, tân binh Trịnh Bá Uẩn và đồng đội thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48, đặt chân tới Đồng Xoài (Bình Phước). Một tuần sau, họ nhận lệnh mỗi người chỉ được đem theo một bộ quần áo và một cái võng, mọi thứ đều phải bỏ lại. Đêm xuống, tiểu đoàn lặng lẽ vượt sông Bé. Tân binh Trịnh Bá Uẩn mở màn trận đánh đầu đời tại Tân Uyên (Bình Dương) cùng lực lượng thuộc Trung đoàn 27. Trước khi vào trận chiến, Tiểu Đoàn trưởng quán triệt, Tiểu đoàn nơi tân binh Uẩn đóng quân là đơn vị thọc sâu. Gặp địch là đánh, rồi cứ thế di chuyển, đích hướng tới là cắm lá cờ chiến thắng trên nóc tòa nhà Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn.

Định vị lá cờ chiến thắng

Một lá cờ khổ lớn có ngôi sao màu vàng trên nền xanh đỏ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được trao cho đồng chí Nguyễn Duy Đông với lời căn dặn, nếu hy sinh lá cờ này phải được trao ngay cho đồng đội để tiếp tục sứ mệnh lịch sử. Mặc dù lực lượng quân địch tại đây rất đông do thất bại từ nhiều chiến trường tháo chạy dồn về nhưng đó chỉ là đám tàn quân rệu rã, mất hết ý chí chiến đấu, sức kháng cự không còn. Các mũi tấn công của quân ta như vũ bão, hỏa lực ào ạt áp chế quân địch từ rạng sáng ngày 29/4/1975. Tới 10h sáng, phòng tuyến địch ở Tân Uyên bị quân ta đánh tan tác. Kẻ giơ tay đầu hàng, người cởi bỏ quân phục, vũ khí, cải trang thành dân thường tháo chạy khắp nơi. Rạng sáng ngày 30/4, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B tiến thẳng vào Sài Gòn, hướng tới Bộ Tổng Tham mưu của địch. Tới đầu cầu Bình Triệu, gặp một lực lượng lớn địch co về phòng thủ tại đây nhằm tạo hàng rào phòng thủ trước cửa ngõ Sài Gòn. Các đơn vị của ta nhanh chóng tập trung xe tăng, thiết giáp, hỏa lực B40, B41 của bộ binh, tổ chức từng đợt đột kích thẳng vào quân địch. Mũi đột kích của Tiểu đoàn 2 vừa bắn vừa xông lên. Hỏa lực địch bắn trả dữ dội. Nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Đợt xung phong phía sau lại ào ạt xông lên khiến quân địch không kịp xoay xở. Cùng lúc, bộ binh của ta bí mật luồn sâu vào gần trận địa, bắn cháy 2 chiếc M48 án ngữ ngay đầu cầu Bình Triệu. Chớp thời cơ, xe tăng và bộ binh ta xông lên đánh chiếm cứ điểm. Trước hỏa lực tấn công mạnh mẽ của quân ta, địch cố thủ rệu rã rồi tháo chạy, một số bị ta bắt sống và đầu hàng.

Tổ trinh sát cắm cờ trên tòa nhà Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975. Từ trái qua: Đỗ Xuân Hương, Nguyễn Duy Đông và Trịnh Bá Uẩn.

Tổ trinh sát cắm cờ trên tòa nhà Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975. Từ trái qua: Đỗ Xuân Hương, Nguyễn Duy Đông và Trịnh Bá Uẩn.

Khoảng 9h ngày 30/4/1975, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn trinh sát Trần Quang Nông bắt một xe tăng địch, yêu cầu lái xe đi trước chỉ đường cho quân ta băng băng tiến thẳng tới Bộ Tổng Tham mưu địch. Dọc đường di chuyển, quân ta gặp phải một số phòng tuyến của địch nổ súng kháng cự nhưng nhanh chóng bị hỏa lực của ta đánh bại. Khoảng 10h ngày 30/4/1975, xe chở tổ trinh sát gồm Trịnh Bá Uẩn, Nguyễn Duy Đông và Đỗ Xuân Hương, cùng một số chiến sĩ bộ binh có mặt tại cổng chính Bộ Tổng Tham mưu địch. Do địch từ bên trong cố thủ, dùng hỏa lực bắn ra rất mạnh nên chỉ huy đơn vị quyết định cho các chiến sĩ vòng sang cổng phụ để đột kích vào trong. Khoảng 10h30, các mũi tiến công từ nhiều phía của quân ta đều đã vượt qua hàng rào, có mặt tại sân trước Sở chỉ huy Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn. Binh lính địch quăng súng, lột bỏ quân phục tháo chạy thoát thân.

Tổ trinh sát Trịnh Bá Uẩn, Nguyễn Duy Đông và Đỗ Xuân Hương lập tức bắt một tên lính địch vào sảnh lớn, theo cầu thang bộ dẫn lối lên sân thượng của tòa nhà. Đồng chí Nguyễn Duy Đông lấy ra lá cờ quân giải phóng trong ba lô cho vào cán dài khoảng 4m, buộc thẳng vào cột ăng-ten trên sân thượng tòa nhà Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn. Khoảnh khắc lá cờ giải phóng tung bay trên nền trời xanh ngắt khiến tất cả reo hò vang dội. Một số chiến sĩ của ta nhả loạt đạn AK lên trời ăn mừng chiến thắng. “Trong khoảnh khắc lịch sử ấy, rất nhiều người trong số chúng tôi đã bật khóc vì quá xúc động và hạnh phúc!..”, Đại tá Trịnh Bá Uẩn kể lại.

“Bộ 3 trinh sát” cắm cờ trên tòa nhà Bộ Tổng Tham mưu địch ngày ấy nay vẫn còn khỏe mạnh. Người sống ở Đà Lạt, người Thái Bình, người thì Kiên Giang. Riêng chiến sĩ Trịnh Bá Uẩn, sau ngày giải phóng, tiếp tục công tác tại Sư đoàn 320B, tham gia chiến đấu ở Campuchia, rồi về học tập, công tác tại Học viện Lục quân Đà Lạt cho tới năm 2014 thì nghỉ hưu với quân hàm Đại tá.

Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III vừa tiếp nhận những hình ảnh quý về chiến dịch Hồ Chí Minh và giải phóng miền Nam, trong...

Theo Khắc Lịch ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
50 năm thống nhất đất nước

Xem Thêm