Được mua 50 tàu bay, Vietnam Airlines đang kinh doanh ra sao?
Trước khi được đồng ý chủ trương mua thêm 50 máy bay thân hẹp và 10 động cơ dự phòng, Vietnam Airlines đã ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong 3 tháng đầu năm.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc về dự án đầu tư tàu bay thân hẹp của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HVN).
Theo đó, Phó Thủ tướng đồng ý chủ trương mua tàu bay không cấp bảo lãnh Chính phủ, giao Vietnam Airlines chịu trách nhiệm toàn diện theo quy định của pháp luật.
Ước tính, tổng mức đầu tư 50 máy bay thân hẹp Airbus A320NEO hoặc Boeing B737 MAX và 10 động cơ dự phòng là khoảng 3,7 tỷ USD, tương đương 92.800 tỷ đồng.
Trong kế hoạch kinh doanh, Vietnam Airlines dự kiến thực hiện bán và thuê lại (sale and leaseback) 25 máy bay đầu tiên nhận trong giai đoạn 2028-2030. Tiếp đó, hãng sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu kết hợp vay mua với tỷ lệ vay 50% giá mua tàu bay đối với 25 tàu còn lại nhận trong giai đoạn 2030-2031 để giảm đáng kể áp lực về dòng tiền.
Đến năm 2030, nhu cầu đội bay thân rộng của Vietnam Airlines là 37 máy bay; đội thân hẹp là 95 chiếc; đội bay ATR72 là 5 chiếc. Dự kiến đến năm 2035, tổng nhu cầu đội bay của Vietnam Airlines lên đến 169 máy bay, trong đó có 52 máy bay thân rộng, 112 thân hẹp và 5 chiếc ATR72.
Vietnam Airlines vừa được đồng ý chủ trương mua thêm 50 máy bay thân hẹp và 10 động cơ dự phòng
Trước khi được đồng ý chủ trương mua tàu bay không cấp bảo lãnh Chính phủ, Vietnam Airlines ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong 3 tháng đầu năm 2025.
Cụ thể, trong quý đầu năm, doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines đạt 30.551 tỷ đồng, sau khi trừ giá vốn bán hàng, HVN ghi nhận lợi nhuận gộp 6.271 tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2024.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính tăng vọt từ 138 tỷ đồng lên hơn 480 tỷ đồng. Chi phí tài chính ghi nhận giảm gần 400 tỷ đồng về mức 1.071 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng hơn 200 tỷ đồng từ 1.390 tỷ đồng lên 1.596 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ lên 530 tỷ đồng.
Kết quả HVN ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh 3.586 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với cùng kỳ năm 2024.
Trong kỳ, khoản thu nhập khác của HVN giảm mạnh từ hơn 3.634 tỷ đồng xuống chỉ còn gần 45 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí khác, HVN ghi nhận lợi nhuận trước thuế 3.625 tỷ đồng, giảm gần 1.000 tỷ đồng so với số lãi hơn 4.528 tỷ đồng trong quý 1 năm 2024.
Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, HVN ghi nhận lãi hơn 3.486 tỷ đồng, giảm hơn 955 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2024.
Tại thời điểm cuối tháng 3/2025, HVN có tổng tài sản hơn 59.838 tỷ đồng, tăng gần 2000 tỷ đồng so với tổng tài sản 58.187 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong đó, nợ phải trả hơn 65.692 tỷ đồng, giảm gần 2000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm hơn 56.939 tỷ đồng; nợ dài hạn hơn 8.753 tỷ đồng, cùng giảm so với đầu năm.
Sau khi ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 3.486 tỷ đồng trong quý 1/2025, HVN vẫn ghi nhận âm vốn chủ sở hữu hơn 5.854 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm 30.216 tỷ đồng.
Theo công bố, trong 3 tháng đầu năm, lượng hành khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 11,7 triệu lượt, tăng 13,3% so với cùng kỳ; lượng khách nội địa đạt hơn 9 triệu lượt, tăng 3,6%. Trong đó, cả nước đã đón hơn 6 triệu lượt du khách quốc tế, xác lập mức cao kỷ lục trong lịch sử ngành du lịch.
Bám sát đà phục hồi mạnh mẽ của ngành hàng không, Vietnam Airlines Group ước vận chuyển gần 6,2 triệu lượt hành khách, trong đó riêng Vietnam Airlines vận chuyển hơn 6 triệu lượt, tăng lần lượt 6,7% và 6,5% so với cùng kỳ năm trước.
Vietnam Airlines cũng hưởng lợi từ giá nhiên liệu bình quân duy trì ở mức khoảng 91 USD/thùng trong quý 1, thấp hơn gần 5% so với bình quân năm trước và thấp hơn nhiều so với dự báo, qua đó cải thiện hiệu quả chi phí.
Bên cạnh vận tải hành khách, vận tải hàng hóa cũng ghi nhận kết quả tích cực, với doanh thu 3 tháng vượt kế hoạch hơn 220 tỷ đồng, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng lợi nhuận.
Trước đó, trong năm 2024, Vietnam Airlines ghi nhận tổng doanh thu và thu nhập khác đạt hơn 113.700 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt gần 8.000 tỷ đồng, trong đó riêng công ty mẹ lãi 2.775 tỷ đồng. Kết quả tích cực này đến từ sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động kinh doanh, cùng với việc Pacific Airlines được đối tác xóa nợ khoảng 4.700 tỷ đồng.
Nhu cầu mua nhà tăng vọt của người dân ngay những tháng đầu năm giúp CTCP Vinhomes, doanh nghiệp ví như “gà đẻ trứng...