Giá vàng tăng vọt, bạc chững lại: Biến động lớn trên thị trường kim loại quý đang diễn ra
Năm 2025, thị trường vàng và bạc toàn cầu đang chứng kiến những biến động đáng kể, khi giá vàng tăng mạnh trong khi bạc gặp khó khăn. Các yếu tố kinh tế vĩ mô, căng thẳng thương mại và nhu cầu công nghiệp đang tạo ra hai xu hướng trái ngược cho hai loại kim loại quý này.
Giá vàng tăng mạnh trong năm 2025
Giá vàng đã tăng gần 29,2% từ đầu năm đến nay, chủ yếu do đồng USD suy yếu, lo ngại suy thoái kinh tế và bất ổn thương mại toàn cầu. Tính đến chiều thứ Ba (giờ Ả Rập), giá vàng giao ngay đạt khoảng 3.393,6 USD/ounce, hồi phục từ mức thấp 3.232 USD trước đó trong tuần.
Đỉnh điểm giá vàng trong năm nay đạt 3.500 USD/ounce vào ngày 22/4, khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang và các ngân hàng trung ương đẩy mạnh mua vào. Dòng tiền đổ vào vàng như một tài sản trú ẩn an toàn đã góp phần đẩy giá tăng vọt, đặc biệt trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế lên hàng nhập khẩu và điều tra nguồn khoáng sản chiến lược.
Tuy nhiên, một số yếu tố như dữ liệu việc làm tích cực ở Mỹ (177.000 việc làm mới trong tháng 4) và hy vọng vào đàm phán thương mại Mỹ - Trung đã khiến giá vàng có lúc hạ nhiệt. Ngoài ra, kỳ nghỉ lễ tại Trung Quốc khiến thanh khoản suy giảm cũng góp phần vào điều chỉnh ngắn hạn của thị trường.
Ashraf Laidi, CEO Intermarket Strategy, nhận định: "Nguyên nhân chính khiến giá vàng tăng là do các ngân hàng trung ương mua vào, chi tiêu ngân sách của Mỹ mất kiểm soát và tâm lý phòng thủ trước bất ổn thương mại." Ông cũng nhấn mạnh lãi suất khó tăng vì Mỹ đang chịu gánh nặng nợ công quá lớn.
Dự báo dài hạn cho vàng ra sao?
Dù biến động ngắn hạn, nhiều tổ chức tài chính vẫn lạc quan về triển vọng giá vàng trong trung và dài hạn. Goldman Sachs đã nâng dự báo giá vàng cuối năm lên 3.700 USD/ounce, trong khi JP Morgan cho rằng vàng có thể đạt trung bình 3.675 USD vào quý IV/2025 và lên tới 4.000 USD vào giữa năm 2026.
Nhà đầu tư nổi tiếng John Paulson dự đoán vàng có thể đạt 5.000 USD vào năm 2028, khi lạm phát tăng và tiền tệ mất giá. Tuy nhiên, không phải ai cũng lạc quan: CEO của Solidcore Resources, Vitaly Nesis, cảnh báo giá vàng có thể giảm về 2.500 USD nếu căng thẳng thương mại hạ nhiệt.
Các chỉ báo thị trường cho thấy tâm lý thận trọng. Hội đồng Vàng Thế giới cho biết, trong quý I/2025, có tới 227 tấn vàng được mua thông qua quỹ ETF – mức cao nhất kể từ 2022. Song, các phân tích kỹ thuật cảnh báo thị trường đang bị mua quá mức.
Hai kim loại quý có diễn biến giá trái chiều
Vì sao bạc không thể theo kịp đà tăng của vàng?
Trong khi vàng tăng mạnh, bạc chỉ tăng khoảng 14% trong năm 2025. Giá bạc hiện ở mức khoảng 33,3 USD/ounce, giảm nhẹ từ đỉnh 34,87 USD vào cuối năm ngoái. Khác với vàng, bạc vừa là kim loại quý, vừa là nguyên liệu công nghiệp, nên nhạy cảm hơn với chu kỳ kinh tế.
Tỷ lệ giá vàng/bạc (gold-to-silver ratio) đã vượt mốc 102, nghĩa là cần hơn 102 ounce bạc mới mua được 1 ounce vàng – một dấu hiệu cho thấy vàng đang vượt trội. Theo Goldman Sachs, bạc chịu áp lực lớn từ suy thoái ngành công nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng mặt trời và điện tử.
Dự báo của ngân hàng này cho thấy, giá bạc sẽ khó tăng nếu nhu cầu công nghiệp không phục hồi. Bạc sẽ cần sự hỗ trợ mạnh từ sản xuất để thoát khỏi tình trạng tăng yếu.
Điều gì đang chi phối xu hướng giá của hai kim loại quý?
Một trong những yếu tố then chốt ảnh hưởng đến giá vàng hiện nay là chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Nếu Fed cắt giảm lãi suất thêm 100 điểm cơ bản trong năm nay như dự báo, vàng sẽ hưởng lợi. Nhưng nếu Fed giữ nguyên lãi suất vì lo ngại lạm phát, giá vàng có thể giảm do kém hấp dẫn so với tài sản sinh lời.
Một số nhà phân tích cho rằng bất ổn địa chính trị, như căng thẳng Mỹ - Trung và xung đột ở Trung Đông, sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu trú ẩn bằng vàng. Tuy nhiên, Laidi cho rằng yếu tố địa chính trị chỉ có tác động đáng kể khi xảy ra sự kiện lớn, như cuộc tấn công tên lửa của Iran vào Israel hồi tháng 4/2024.
Về mặt kinh tế, ông Laidi cảnh báo nguy cơ lạm phát bùng phát nhưng không bị kiểm soát do lãi suất thấp. “Khi tiền quá nhiều mà hàng hóa lại khan hiếm, giá vàng sẽ tăng. Nhưng nếu ngân hàng trung ương tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, vàng sẽ mất giá.”
Tình hình cung - cầu và vai trò công nghiệp của vàng, bạc ra sao?
Vàng và bạc không chỉ là tài sản tài chính mà còn đóng vai trò quan trọng trong công nghiệp hiện đại. Vàng có tính dẫn điện tốt, không bị ăn mòn và dễ uốn, nên được dùng trong linh kiện điện tử, hàng không vũ trụ và y tế. Trong y học, các hạt nano vàng đang được ứng dụng vào chẩn đoán ung thư và dẫn thuốc.
Bạc còn có vai trò công nghiệp lớn hơn. Nhờ tính dẫn điện và nhiệt vượt trội, bạc là vật liệu không thể thiếu trong các tấm pin mặt trời, chiếm tới 190 triệu ounce tiêu thụ trong năm 2024, dự kiến tiếp tục tăng trong năm 2025.
Ngoài ra, bạc còn được sử dụng trong thiết bị điện tử, xe điện, lớp phủ kháng khuẩn trong bệnh viện và hệ thống lọc nước – đặc biệt phổ biến ở các quốc gia đang phát triển. Năm 2024, nhu cầu công nghiệp đối với bạc đạt kỷ lục 680,5 triệu ounce (tăng 4% so với năm trước).
Tuy nhiên, nguồn cung bạc đang thiếu hụt và dự kiến sẽ kéo dài tới năm 2026. Điều này có thể khiến giá bạc tăng, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất trong ngành năng lượng mặt trời và điện tử. Trong khi đó, giá vàng cao buộc nhiều hãng sản xuất điện tử phải cân nhắc dùng vật liệu thay thế, dù chất lượng không tương đương.
Giá vàng đang tiến gần tới mức cao kỷ lục mới trên 2.800 USD/ounce khi thị trường dõi theo những chính sách kinh tế đầu...