Xu hướng lao động năm 2025: Hà Nội ổn định, các tỉnh thành khác sôi động
Theo dữ liệu khảo sát mới đây và báo cáo thống kê của JobsGO (nền tảng tuyển dụng và tìm việc hàng đầu Việt Nam), thị trường lao động năm 2025 được dự báo sẽ có sự phân hóa rõ rệt giữa Hà Nội và các tỉnh thành khác. Trong khi người lao động thủ đô có xu hướng thận trọng, ổn định với lĩnh vực hiện tại, thì ứng viên tại các tỉnh thành khác lại khao khát cơ hội mới và sẵn sàng chuyển đổi nghề nghiệp hơn.
Hà Nội: Thị trường việc làm ẩn chứa sự thận trọng đằng sau ổn định
Thị trường lao động năm 2025 được dự báo sẽ chứng kiến một bước chuyển mình đáng kể, và Hà Nội - trung tâm kinh tế, chính trị lớn của cả nước cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó. Kết quả khảo sát ứng viên kết hợp với số liệu từ nền tảng JobsGO cho thấy một bức tranh đa chiều về xu hướng tìm việc năm 2025 tại thủ đô. Theo kết quả khảo sát, chỉ có 39,4% ứng viên dự định tìm việc làm tại Hà Nội trong năm 2025, thấp hơn đáng kể so với Đà Nẵng (65,6%). Sự chênh lệch này không chỉ phản ánh mức độ hài lòng tương đối với công việc hiện tại mà còn thể hiện sự cân nhắc kỹ lưỡng của nhân lực thủ đô trước những biến động tiềm ẩn của thị trường lao động.
Cũng theo báo cáo năm 2024 của JobsGO, nền tảng tuyển dụng ghi nhận tăng 13,6% việc làm, với 58.807 tin đăng tuyển. Trong đó, riêng quý 4, vị trí Kinh doanh/Bán hàng dẫn đầu với 4.113 việc làm, tiếp theo là Chăm sóc Khách hàng, đạt mức tăng ấn tượng 71,6%. Trái ngược với mức tăng trưởng về số lượng việc làm, lượng người ứng tuyển lại giảm 10%, tức chỉ đạt hơn 253 ngàn ứng viên. Điều này cho thấy, từ cuối năm 2024, họ đã có phần thận trọng hơn trong việc tìm kiếm “bến đỗ” sự nghiệp mới nên không quá khó hiểu khi xu hướng này tiếp tục được thể hiện qua khảo sát đầu năm nay.
Cụ thể, chỉ có 27,5% ứng viên Hà Nội có dự định chuyển ngành, mức thấp nhất so với các khu vực khác. Đây là minh chứng cho xu hướng gắn bó của người tìm việc, hay nói cách khác, họ tự tin vào khả năng phát triển trong lĩnh vực hiện tại hơn.
Tuy nhiên, không vì vậy mà nhân lực Hà Nội thiếu đi sự kỳ vọng về mức lương và phúc lợi. Phần lớn người lao động (46,1%) sẽ cân nhắc chuyển việc nếu mức lương so với công việc hiện tại tăng từ 10-20%. Họ đặt sự quan tâm lớn đến yếu tố tài chính trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tại thủ đô ngày càng tăng. Do đó, không quá khó hiểu khi có tới 63,7% ứng viên coi mức lương, thưởng và phúc lợi cạnh tranh là tiêu chí quan trọng nhất khi tìm việc. Con số ấn tượng này càng khẳng định vai trò quan trọng của các yếu tố tài chính trong định hướng sự nghiệp của nhân lực thủ đô.
Các tỉnh thành khác: Khao khát cơ hội và sẵn sàng chuyển đổi sự nghiệp
Trái ngược với xu hướng gắn bó của nhân lực Hà Nội, các tỉnh thành khác lại ghi nhận một bức tranh sôi động hơn về khao khát cơ hội việc làm mới. Đà Nẵng, với 65,6% ứng viên dự định tìm việc mới, dẫn đầu cả nước về sự sẵn sàng thay đổi hướng đi sự nghiệp. Các tỉnh khác ở miền Trung cũng cho thấy nhu cầu tìm việc tốt hơn tại các địa phương là rất lớn khi có tới 63% người có ý định tìm “bến đỗ” sự nghiệp mới. Sự khác biệt này phần nào bắt nguồn từ tốc độ phát triển chưa đồng đều về kinh tế và cơ hội việc làm giữa các khu vực.
Không chỉ có kế hoạch nhảy việc, ứng viên tại các tỉnh thành khác cũng sẵn sàng chuyển sang lĩnh vực, nghề nghiệp khác. Tỷ lệ ứng viên mong muốn đổi ngành tại TP.HCM (33,8%), khu vực miền Bắc nói chung (36,2%) cao hơn so với Hà Nội (27,5%). Thị trường việc làm đa dạng đang mở ra nhiều cơ hội cho những người muốn thay đổi hướng đi trong sự nghiệp. Xu hướng chuyển ngành này đã phần nào phản ánh tính linh hoạt và khả năng thích ứng cao của lực lượng lao động địa phương.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực tại nhiều tỉnh thành vẫn phải đối mặt với những khó khăn nhất định trên thị trường lao động. Điển hình, khi đánh giá về tình hình tuyển dụng trong năm nay, 65,1% ứng viên tìm việc làm TP.HCM cho rằng nó sẽ khó hơn năm trước, cao hơn so với Hà Nội (59,1%). Đáng chú ý, có trên 50% nhân lực tại đây vẫn lên kế hoạch tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp. Như vậy, dù muốn nhảy việc nhưng nhiều ứng viên vẫn lo ngại về tính cạnh tranh và những thách thức khi bước vào một ngành nghề mới.
Nhìn chung, tình hình việc làm năm 2025 đã được JobsGO hé lộ một sự phân hóa đáng kể về “dòng chảy” tìm việc giữa Hà Nội và các tỉnh thành khác. Việc nắm bắt kịp thời xu hướng lao động tại từng khu vực không chỉ giúp người tìm việc đưa ra quyết định nghề nghiệp sáng suốt, mà còn tạo cơ sở để nhà tuyển dụng triển khai các chiến lược nhân sự tối ưu, thu hút và giữ chân nhân tài hiệu quả.