Chia sẻ

Bất ngờ cảnh tượng mua sắm của người dân Hà Nội trước khi bão số 3 Wipha ập đến

Sự kiện: Bão số 3 Wipha

“Mọi khi mỗi loại rau tôi mua vài chục bó, bán túc tắc từ sáng đến chiều. Hôm còn, hôm hết. Nay thì 10 giờ sáng hầu như là không còn bó rau nào, hàng thịt lợn cũng về từ sớm”.

Lo sợ mưa bão, dân đổ xô mua thực phẩm

Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Thu, tiểu thương chợ Thổ Quan, phường Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) về tình hình mua bán các loại rau xanh trước khi cơn bão số 3 – Wipha ập đến.

Chị Thu cho biết, ngày hôm qua và hôm nay, lượng khách mua hàng đông hơn ngày thường do lo sợ mưa bão đang đến gần. Tuy nhiên, giá các mặt hàng tăng không đáng kể.

Lượng rau xanh để bán cả ngày nhưng đến hơn 10 giờ chỉ còn 2 bó rau ngót.

Lượng rau xanh để bán cả ngày nhưng đến hơn 10 giờ chỉ còn 2 bó rau ngót.

“Nói chung là bán nhanh hơn mọi ngày, hết hàng sớm hơn. Như hàng thịt lợn ngồi bên cạnh tôi này, đợt trước ế lắm. Hầu như ngày nào cũng còn một ít mang về. Nay thì hết hàng sớm, về lâu rồi”, chị Thu nói.

Khoảng 11 giờ, hàng rau của bà Đào tại khu chợ này cũng chỉ còn vài quả chanh và vài quả dưa chuột nằm chỏng chơ. Các loại rau xanh không còn bó nào.

Lượng khách tăng khoảng 30% đã khiến bà Đào hết hàng từ sớm.

Lượng khách tăng khoảng 30% đã khiến bà Đào hết hàng từ sớm.

“Nay tôi đi lấy rau có tăng giá, mỗi loại từ 1-2 nghìn đồng nên giá bán cũng tăng lên một ít. Ví dụ như rau mùng tơi trước 5 nghìn một mớ, giờ lên 7 nghìn; rau ngót từ 7 nghìn lên 9 nghìn; rau muống trước 8 nghìn thì giờ lên 10 nghìn. Tôi lấy 30 mớ rau mùng tơi, 20 mớ rau muống, 10 mớ rau ngót với một số loại khác, giờ bán hết rồi”, bà Đào cho hay.

Theo bà Đào, nhiều hôm bà ngồi bán mãi không hết hàng, phải mang ra ngoài mặt đường chào mời những người đi làm về qua, mỗi người lấy giúp vài bó. Tuy nhiên, hôm nay không phải mời vẫn được dọn về sớm.

Một số siêu thị cũng ghi nhận lượng khách đến mua sắm vào buổi trưa đông hơn ngày thường.

Một số siêu thị cũng ghi nhận lượng khách đến mua sắm vào buổi trưa đông hơn ngày thường.

“Mấy ngày trước, đến giờ này là mời gãy lưỡi đấy. Nay bao nhiêu người đến hỏi mua rau nhưng hết sạch rồi. Giá tăng nên tôi cũng chỉ lấy như mọi ngày, không dám lấy nhiều vì sợ ế. May quá hết sớm”, bà Đào nói.

Theo khảo sát của PV, giá rau xanh tại các chợ dân sinh chỉ tăng nhẹ, không đáng kể. Giá thịt lợn, thịt bò và các loại gia cầm hầu như vẫn giữ mức ổn định, không tăng giá. Lượng khách đi mua sắm các mặt hàng thiết yếu tăng khoảng 30% so với trước đây.

Hàng hoá tại siêu thị khá dồi dào, khách đến mua đông hơn ngày thường khoảng 30%.

Hàng hoá tại siêu thị khá dồi dào, khách đến mua đông hơn ngày thường khoảng 30%.

Tranh thủ giờ nghỉ trưa để đi mua sắm tại siêu thị gần chỗ làm, chị Mai Lan (Hà Nội) cho biết, thường ngày chị hay đi chợ vào cuối ngày. Tuy nhiên, nghe tin bão số 3 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền vào chiều nay nên chị tranh thủ đi mua vào giờ nghỉ trưa.

“Tôi cũng chỉ mua một vài loại thịt, cá, rau xanh đủ cho gia đình ăn từ 2-3 ngày chứ không tích trữ nhiều. Mấy năm trước, bão đến, tôi cũng đi mua rõ lắm. Giá thì cao, mua xong không dùng hết nên lần này cứ bình tĩnh thôi. Hàng còn đầy, chỉ lo không có tiền mà mua thôi”, chị Lan bày tỏ.

Khác với chợ dân sinh, rau củ quả tại siêu thị vẫn đầy trên giá.

Khác với chợ dân sinh, rau củ quả tại siêu thị vẫn đầy trên giá.

Đảm bảo nguồn cung ứng ổn định các mặt hàng thiết yếu

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng nay (21/7), bão số 3 đã vượt qua khu vực phía Bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), đi vào phía Bắc vịnh Bắc Bộ.

Hồi 10h, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,2°N; 109,6°E, cách Quảng Ninh khoảng 190km, Hải Phòng 310km; sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 9 (75–88km/h), giật cấp 11; di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ 10–15km/h.

Với sức gió mạnh nhất cấp 9, giật cấp 11 và di chuyển với tốc độ 15-20km/h, bão dự kiến sẽ đi vào Vịnh Bắc Bộ trong sáng đến trưa nay, cường độ có thể tăng lên 1-2 cấp. Đến ngày 22/7, Wipha sẽ áp sát bờ và đổ bộ vào khu vực từ Nam Hải Phòng đến Bắc Thanh Hóa với cường độ cấp 9-10, giật cấp 13.

Nhiều chị em văn phòng tranh thủ mua sắm vào giờ nghỉ trưa vì lo ngại mưa bão.

Nhiều chị em văn phòng tranh thủ mua sắm vào giờ nghỉ trưa vì lo ngại mưa bão.

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để ứng phó với các sự cố thiên tai, bão lũ trong năm 2025, thành phố Hà Nội đã chủ động dự trữ hàng hóa với tổng mức vốn thực hiện là 122,7 tỉ đồng.

Đồng thời, Sở Công Thương Hà Nội đã hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện dự trữ hàng hóa cứu trợ khẩn cấp, đủ phục vụ khoảng 250.000 người trong thời gian 7 ngày.

Lượng hàng hóa dự trữ gồm: Đồ khô ăn liền (mì, cháo, cơm khô, lương khô...) 3 gói/người/ngày; nước uống 2 lít/người/ngày; nến thắp sáng 1 cốc/người/7 ngày; thực phẩm chế biến 1 hộp/người/ngày; sữa hộp (loại hộp giấy) 1 hộp/người/ngày. Riêng mặt hàng gạo dự kiến dự trữ cho khoảng 50.000 người, với mức 0,3kg/người/ngày.

Với các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng thường xuyên, các doanh nghiệp trên địa bàn được yêu cầu căn cứ vào kế hoạch sản xuất – kinh doanh để chủ động nguồn dự trữ, bảo đảm hoạt động cung ứng ổn định ngay cả trong điều kiện bất lợi do thời tiết.

Bão Wipha đổ bộ tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) chiều 20/7, với tốc độ gió cực đại gần tâm bão lên tới gần 119 km/h.

Theo Hồng Cảnh ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Bão số 3 Wipha

Xem Thêm