Nữ Giáo sư toán học đầu tiên của Việt Nam nêu hai bài toán đổi mới giáo dục Đại học Việt Nam
GS.TSKH.NGND Hoàng Xuân Sính - nhà sáng lập Trường Đại học Thăng Long, trường Đại học tư thục đầu tiên ở Việt Nam cho rằng khối trường tư thục đang đứng trước thời cơ “vươn mình” giữa làn sóng chuyển đổi số và những nghị quyết chiến lược mang tầm đổi mới quốc gia.
Rất minh mẫn, khúc chiết ở tuổi 92, nhà sáng lập, nguyên chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thăng Long, GS Hoàng Xuân Sính cho biết trong một lần hiếm hoi bà trả lời: "Nhân dân đang nói: từ 1.7.2025, VNEID làm cho cán bộ hết hành dân; NQ57 đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và mọi người đang rất mừng. Chúng tôi tin rằng các nghị quyết này cũng sẽ mang lại lời giải cho bài toán đau đầu hóc búa của chúng tôi.”
Giáo sư Hoàng Xuân Sính và công thức nhân tài
Nhiệm vụ của trường đại học là đào tạo và nghiên cứu. Tình trạng chung của các cơ sở giáo dục bậc cao tư thục tại Việt Nam chưa thể tập trung cho nghiên cứu là do phần lớn trường đại học hoạt động dựa chủ yếu vào nguồn thu từ học phí, chưa có tài trợ như các trường đại học nghiên cứu hàng đầu thế giới.
“Chúng tôi mong muốn Nhà nước cho thuê đất sạch với giá ưu tiên, cho miễn giảm thuế, để có thể mở rộng phát triển trường.” Bà hình dung về tương lai: “Từ đó, các trường đại học, trong đó có Trường Đại học Thăng Long, sẽ sớm xây dựng được đội ngũ giảng dạy có chất lượng cao, đáp ứng đòi hỏi của xã hội phát triển trong thời đại khoa học và công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay.”
Tầm nhìn 100 năm để hướng tới đại học nghiên cứu
Cách nay 37 năm, GS Hoàng Xuân Sính cùng các nhà khoa học Việt kiều sáng lập Trường Đại học Thăng Long (tên ban đầu là Trung tâm Đại học dân lập Thăng Long) tại Hà Nội. Với nền tảng “Tây học” từ Pháp, bà hiểu rõ đại học theo hướng nghiên cứu là bước tiến thể hiện vị thế của cơ sở đào tạo bậc cao. Do đó, trong tầm nhìn 100 năm phát triển trường, bà đặt mục tiêu trong 40 năm cuối cùng, Trường Đại học Thăng Long sẽ mạnh về nghiên cứu.
Mốc thời gian tầm nhìn 100 năm của Trường Đại học Thăng Long
GS Hoàng Xuân Sính, mái tóc giờ đã bạc, nhưng giọng nói và thần thái vẫn rất tinh anh như xưa nay vẫn thế, nhấn mạnh: “Hiện nay, các trường đại học tư của Việt Nam có nguồn thu hầu như chỉ dựa vào học phí. Ngoài ra, còn có nghĩa vụ đóng thuế. Do đó, ngân sách nghiên cứu khoa học rất hạn chế.”
Để đạt mục tiêu nghiên cứu, trường Thăng Long đang tiếp tục xây dựng nền móng: kiện toàn bộ máy và nhân sự, tiến sĩ hóa đội ngũ. Trước đó, 20 năm đầu tiên, từ 1988-2008, trường đã đạt cột mốc đầu tiên là xây dựng cơ sở vật chất toàn diện, theo đúng tiến độ, để “không phải khổ sở đi thuê nữa.”
Từ mô hình “không vốn và không đất đai”, Trường Đại học Thăng Long giờ đây là tổ hợp đô thị đại học hoàn chỉnh, đáp ứng mọi nhu cầu sinh hoạt, học tập, làm việc, giao tiếp xã hội, hoạt động ngoại khóa, thể thao cho sinh viên trong một ngày trọn vẹn để phát triển toàn diện. Nhiệm vụ xây dựng cơ sở vật chất gian nan đã được hoàn thành với khả năng thực thi hiệu quả của Chủ tịch Hội đồng trường hiện nay, Thầy Trương Ngọc Kim. Ông đã tham khảo nhiều mô hình trên thế giới và đúc kết ra thiết kế riêng, phù hợp đất nước nhiệt đới gió mùa, triết lý giáo dục tuân theo các “giá trị tự nhiên” và cổ vũ cho sự phát triển toàn diện của con người. Trường có phòng thực tập điều dưỡng tiêu chuẩn Bộ Y tế, tầng thực tập nhà hàng, khách sạn, trung tâm thực hành tài chính và ngân hàng giả lập Core Banking, hệ sinh thái học âm nhạc ứng dụng, trường quay, đáp ứng nhu cầu học tập thực tiễn ngày càng cao hơn của người học.
GS Hoàng Xuân Sính cho rằng đại học có ảnh hưởng quốc tế phải tuyển được nhiều sinh viên chất lượng cao trong và ngoài nước, có nhiều giáo sư uy tín trong cộng đồng khoa học quốc tế. Để làm được điều đó, phải giải được hai bài toán.
Thứ nhất là “làm cho mọi người dân được hưởng giáo dục.” Nhà nước vừa ban hành sắc lệnh miễn học phí cho học sinh mọi cấp, tạo ra cơ hội giáo dục cho tất cả mọi người, từ đó, việc đào tạo nhân lực chất lượng cao mới có hiệu quả.
Bài toán thứ hai phải giải là các trường đại học không chỉ đào tạo mà còn nghiên cứu. Bộ Khoa học và Công nghệ vừa công bố 21 bài toán lớn về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Như vậy, các trường có cơ hội tham gia những dự án dài hơi từ Nhà nước và doanh nghiệp. Điều này nếu thực hiện tốt sẽ rất có lợi cho các giáo sư, các nghiên cứu sinh và tình hình nghiên cứu nói chung tại các cơ sở giáo dục.
Niềm tin vào thế hệ trẻ
Giảng đường trường đang treo chân dung của hai người có ảnh hưởng lớn tới con đường sự nghiệp của bà và quá trình hình thành nhà trường. Đó là thiên tài toán học người Pháp Alexander Grothendieck, người thầy hướng dẫn từ xa luận án tiến sĩ toán học của bà. Ông hẳn đã kinh ngạc khi chứng kiến sinh viên mà mình hướng dẫn nghiên cứu chỉ qua 2 lá thư “rất ngắn”, đã có thể hoàn thành luận án với 200 trang viết tay một mạch, không tẩy xóa, dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu trong rừng và những đợt ném bom dữ dội của B52 ở miền Bắc những năm 1970. “Ông ấy để lại cho tôi di sản vô giá. Đó là tư duy làm cho điều khó trở nên dễ và sống chân thật với bản thân và mọi người,” GS Hoàng Xuân Sính nhớ lại.
Giáo sư Grothendieck trong chuyến sang Việt Nam, cùng với các học trò của mình trong rừng. GS. Hoàng Xuân Sính áo trắng
Bức chân dung còn lại là Laurent Schwartz, nhà toán học đoạt giải Fields, thành viên hội đồng chấm luận án tiến sĩ của bà tại Pháp, và có nhiều tình cảm với sự nghiệp giáo dục của Việt Nam. Bà muốn những thế hệ sau ghi nhớ những cá nhân đã nâng đỡ bà ở những giờ khắc khó khăn.
Nhớ lại hành trình đặt nền móng và chèo lái Trường Đại học Thăng Long, GS Hoàng Xuân Sính nghĩ đến 3 từ “Lao động - Kiên trì - Lương thiện”. “Bà quan tâm tới thực chất,” Hiệu trưởng Trương Nhật Hoa cho biết. Khi dẫn dắt ngôi trường là tâm huyết cuộc đời bà nội, Trương Nhật Hoa hiểu rằng mình đang mang trong mình “niềm tin thế hệ”.
GS Hoàng Xuân Sính nói bà luôn tin vào thế hệ trẻ khi xã hội đang trong thời đại AI và chuyển đổi số. “Chúng ta cần những người lãnh đạo trẻ giữ trọng trách xây dựng tương lai của giáo dục Việt Nam vì họ có sức khỏe, có kiến thức mới để vượt lên trong cơn sóng lớn của khoa học và công nghệ ngày nay.”
Gia đình 3 thế hệ xây dựng và phát triển Trường Đại học Thăng Long của GS. Hoàng Xuân Sính
Nói đến giáo dục là nói đến đào tạo nhân tài mà trước hết phải nhìn thấy những tố chất nào để có được nhân tài.
“Tôi muốn đó là kim chỉ nam cho Hoa và cho các bạn đồng nghiệp trẻ trường Đại học Thăng Long, một nơi mà nhiệm vụ là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc Đổi mới toàn diện để đưa dân tộc vào Kỷ nguyên mới, Kỷ nguyên của phồn vinh, hùng cường.” - GS. Hoàng Xuân Sính chia sẻ.
Trường đang có gần 100 tiến sĩ và gần 150 thạc sĩ, đạt tỉ lệ hơn 40% tiến sĩ so với tổng số giảng viên, đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ. Trường cần đẩy nhanh tiến độ tiến sĩ hóa đội ngũ để đến năm 2030 đạt tỉ lệ 50%. Dưới con mắt của nhà toán học, tất cả đều là bài toán phải giải, và phải tìm cách làm cho việc khó trở nên dễ. Công việc của nhà quản lý giáo dục như Tiến sĩ Trương Nhật Hoa là “tìm ra cơ hội trong mọi khó khăn”.
Trường Đại học Thăng Long vừa công bố linh vật là một chú rồng trẻ trung, vui nhộn, gần gũi tên Long. Con đường GS Hoàng Xuân Sính và các thế hệ tiếp nối “luyện” nên chú rồng với những tư duy và cách làm mới đang tạo ra những dấu ấn đáng kể, vì một tương lai tươi sáng, kết tinh từ những khát khao, ước vọng về trí tuệ, sức mạnh của con người.
GS Hoàng Xuân Sính: con người của những lần đầu tiên Nữ tiến sĩ Toán học đầu tiên của Việt Nam. Người phụ nữ nước ngoài đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ quốc gia về Toán học tại Pháp. Hiệu trưởng đầu tiên của trường đại học tư thục đầu tiên tại Việt Nam. Bà được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 1996. Bà được chính phủ Pháp trao tặng "Huân chương Cành cọ Hàn lâm" vào năm 2003 vì những đóng góp to lớn của cá nhân bà cho công cuộc phát triển và hợp tác nghiên cứu khoa học giữa hai quốc gia Pháp-Việt. |