Chia sẻ

Ba Lan tuyên bố chặn tàu thuộc “hạm đội bóng tối" Nga có hành vi bất thường

0:00
0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk ngày 21/5 cho biết quân đội nước này đã can thiệp sau khi phát hiện một tàu nghi thuộc “hạm đội bóng tối” của Nga có hành vi bất thường gần tuyến cáp điện ngầm nối Ba Lan với Thụy Điển.

Phương Tây đang tích cực theo dõi các tàu chở dầu, tàu hàng bị nghi thuộc “hạm đội bóng tối” của Nga. Ảnh: Reuters.

Phương Tây đang tích cực theo dõi các tàu chở dầu, tàu hàng bị nghi thuộc “hạm đội bóng tối” của Nga. Ảnh: Reuters.

“Sau khi quân đội chúng tôi can thiệp hiệu quả, con tàu đã quay đầu và di chuyển vào một trong các cảng của Nga”, ông Tusk viết trên mạng xã hội X, theo Reuters. Theo Thủ tướng ba Lan, tàu Nga bị nghi ngờ thuộc “hạm đội ‘bóng tối” và đang chịu các lệnh trừng phạt.

“Hạm đội bóng tối” là cụm từ mà phương Tây dùng để chỉ các tàu biển được cho là do Nga sử dụng nhằm vận chuyển dầu mỏ, hàng hóa nhằm lách các lệnh trừng phạt.

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz tiết lộ một máy bay tuần tra đã được triển khai để xua đuổi con tàu. Hải quân Ba Lan cũng huy động tàu ORP Heweliusz tới hiện trường.

Phó đô đốc Krzysztof Jaworski, Tư lênh hải quân Ba Lan, nói với Reuters rằng tàu bị nghi vấn có tên là Sun và treo cờ Antigua.

Đại sứ quán Nga tại Ba Lan từ chối bình luận về sự việc. Moscow đã nhiều lần phủ nhận liên quan đến các vụ phá hoại dưới biển tại khu vực Baltic. Nga thường cáo buộc phương Tây dùng những sự cố này để hạn chế xuất khẩu dầu qua đường biển của nước này.

Tuyến cáp điện dưới biển mà tàu Nga bị nghi tiếp cận có công suất 600 megawatt, nối thành phố Karlshamn bên bờ biển Thụy Điển với thị trấn Ustka ở miền bắc Ba Lan. Hệ thống cho phép hai quốc gia trao đổi điện linh hoạt, tùy vào thời điểm khi giá điện rẻ hơn ở phía bên kia và ngược lại.

Người phát ngôn của công ty điều hành lưới điện quốc gia Ba Lan (PSE) xác nhận tuyến cáp vẫn hoạt động bình thường sau vụ việc.

“Vụ việc mới nhất cho thấy chúng ta đang sống trong một thời kỳ đầy nguy hiểm, và tình hình trên biển Baltic đang rất nghiêm trọng”, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Kosiniak-Kamysz phát biểu trong cuộc họp báo. Ba Lan và Thụy Điển đều là các quốc gia thuộc liên minh quân sự NATO.

Vụ việc xảy ra không lâu sau khi căng thẳng gia tăng giữa Nga với Estonia – nước thành viên NATO khác. Tuần trước, hải quân Estonia tìm cách bắt giữ tàu chở dầu nghi thuộc “hạm đội bóng tối” nhưng thất bại do chiến đấu cơ Su-35S của Nga can thiệp. Vài ngày sau, một tàu chở dầu của Hy Lạp bị phía Nga bắt giữ trong lãnh hải. Sau 24 giờ tạm giữ, con tàu này đã tiếp tục hải trình tới Hà Lan.

Nga đã bắt giữ một tàu chở dầu vừa rời cảng Estonia, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng xung quanh các tuyến vận chuyển...

Theo Nhật Minh - Reuters ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Tin tức Nga

Xem Thêm