Chia sẻ

Mật nghị Hồng y - cuộc bỏ phiếu bí mật nhất thế giới

0:00
0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Các Hồng y tham gia mật nghị không được phép liên lạc với bên ngoài trong suốt quá trình, khu vực tổ chức sự kiện cũng bị phá sóng và đảm bảo không có thiết bị nghe lén.

133 Hồng y dưới 80 tuổi từ khắp nơi trên thế giới hôm nay sẽ bắt đầu tham gia Mật nghị Hồng y, sự kiện được mô tả là cuộc bỏ phiếu bí mật nhất thế giới, để bầu người kế nhiệm Giáo hoàng Francis.

Trước khi sự kiện diễn ra, từng Hồng y đặt tay lên Kinh Thánh và tuyên thệ giữ bí mật về hội nghị suốt đời. Những nhân viên của Vatican, từ bác sĩ cho đến người phục vụ các Hồng y, cũng phải thề "giữ bí mật tuyệt đối và vĩnh viễn". Các khu vực tổ chức sự kiện và nhà khách được rà soát thiết bị nghe lén.

"Họ bố trí thiết bị phá sóng để đảm bảo tín hiệu điện thoại và mạng không dây không khả dụng", John Allen, biên tập viên trang tin Crux, bình luận. "Vatican thực sự nghiêm ngặt trong việc đảm bảo sự kiện hoàn toàn bí mật".

Chủ sự Phụng vụ Giáo hoàng Guido Marini đóng cửa Nhà nguyện Sistine bắt đầu mật nghị năm 2013. Ảnh: AFP

Chủ sự Phụng vụ Giáo hoàng Guido Marini đóng cửa Nhà nguyện Sistine bắt đầu mật nghị năm 2013. Ảnh: AFP

Mật nghị Hồng y sẽ bắt đầu lúc 16h30 ngày 7/5 (21h30 giờ Hà Nội). Các Hồng y tập trung tại Nhà nguyện Pauline để cầu nguyện, sau đó họ đi bộ sang Nhà nguyện Sistine gần đó để tuyên thệ. Nhà nguyện Sistine là nơi tổ chức mật nghị bầu Giáo hoàng từ năm 1858.

Tất cả những người đến mật nghị đều phải bỏ lại mọi thiết bị điện tử mang theo, gồm điện thoại thông minh, máy tính bảng và đồng hồ thông minh. Vatican có lực lượng cảnh sát riêng để thực hiện nhiệm vụ này.

"Nguyên tắc là tin tưởng nhau, nhưng phải xác thực", theo ông Allen.

Các Hồng y sẽ nghỉ lại Nhà thánh Marta, nhà khách chính thức của Vatican, cho đến khi mật nghị kết thúc. Nhân viên của Vatican phục vụ mật nghị được rà soát kỹ lưỡng và bị cấm trao đổi với các Hồng y.

"Không có tivi, báo hay đài tại nhà khách khi mật nghị diễn ra. Không gì cả", Đức ông Paolo de Nicolo, người đã phụ trách nội vụ cho các Giáo hoàng suốt ba thập kỷ, nói. "Họ thậm chí còn không được phép mở cửa sổ, bởi nhiều phòng có cửa sổ hướng ra thế giới bên ngoài".

"Nhìn chung, các Hồng y không được phép có liên lạc", bà Ines San Martin, thành viên Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo Mỹ, nói. "Bộ đàm chỉ dùng trong trường hợp đặc biệt, như 'chúng tôi cần bác sĩ' hoặc 'Giáo hoàng đã được bầu, ai đó có thể báo cho người rung chuông ở Vương cung Thánh đường Thánh Peter không'".

Các khu vực chính khi tổ chức Mật nghị Hồng y. Đồ họa: AFP

Các khu vực chính khi tổ chức Mật nghị Hồng y. Đồ họa: AFP

Theo BBC, những biện pháp này không chỉ giúp đảm bảo quy trình bỏ phiếu diễn ra bí mật, mà còn ngăn cản "những thế lực xấu xa" đánh cắp thông tin hoặc làm gián đoạn quy trình, các Hồng y không bị tác động khi ra một trong những quyết định quan trọng nhất đời họ.

"Họ đã tuyên thệ. Người không tuân thủ có thể bị khai trừ khỏi Giáo hội", Đức ông Paolo de Nicolo nói. "Không ai dám vi phạm".

Nhà nguyện Sistine cũng được bố trí để tránh cho các Hồng y bị bên ngoài tác động khi họ tập trung bỏ phiếu, Daniel Cosacchi, chuyên gia về Giáo hoàng tại Đại học Scranton, bang Pennsylvania, nói với Washington Post.

Giới chức Vatican thiết lập một sàn gỗ ở nhà nguyện để che đi các thiết bị phá sóng bên dưới. Phần cửa sổ tầm cao trong nhà nguyện được che chắn lại.

Sau khi các Hồng y vào trong Nhà nguyện Sistine, Chủ sự Phụng vụ Giáo hoàng sẽ thông báo Extra omnes, tiếng Latin nghĩa là "tất cả những người khác ra ngoài".

Bên trong mật nghị, các Hồng y nhận các lá phiếu có ghi chữ Latin Eligo in Summum Pontificem (Tôi chọn ... làm Giáo hoàng). Các Hồng y ngồi theo "đội hình ca đoàn", tức các dãy ghế kê song song hai bên tường nhà nguyện và quay mặt vào trong, ghi tên người họ chọn vào phiếu rồi gấp lại.

Theo ông Cosacchi, các Hồng y được khuyến khích thay đổi cách viết tay khi điền phiếu để đảm bảo tính ẩn danh. Sau đó, từng người một bước về phía ban thờ và trang trọng đặt lá phiếu vào một chiếc bình.

9 Hồng y sẽ hỗ trợ quá trình bỏ phiếu, gồm ba người kiểm, buộc và đốt phiếu, ba người hỗ trợ thu thập phiếu từ những Hồng y bị ốm, ba người đối chiếu các lá phiếu và ghi chú của ban kiểm phiếu để đảm bảo không có sai sót. Các Hồng y bị ốm không thể trực tiếp đến Nhà nguyện Sistine được phép bỏ phiếu từ Nhà thánh Marta.

Bên trong Nhà nguyện Sistine. Đồ họa: Washington Post

Bên trong Nhà nguyện Sistine. Đồ họa: Washington Post

Việc bỏ phiếu diễn ra bí mật nhưng việc kiểm phiếu diễn ra công khai. Trước khi kiểm phiếu, một Hồng y sẽ cầm bình đựng phiếu và lắc để trộn phiếu. Hồng y này lấy từng phiếu ra đọc và chuyển cho Hồng y thứ hai ngồi cạnh lặp lại quy trình. Nếu thông tin hai lần đọc trùng khớp, Hồng y thứ ba sẽ tiếp nhận và dùng kim xỏ một sợi chỉ đỏ qua phiếu.

Một Hồng y cần nhận được 2/3 phiếu ủng hộ để trở thành Giáo hoàng. Nếu số Hồng y dự mật nghị không chia hết cho 3, mức phiếu cần thiết sẽ cộng thêm 1.

Chỉ có một vòng bỏ phiếu được tổ chức trong ngày đầu tiên của mật nghị. Nếu chưa bầu được giáo hoàng, quá trình bỏ phiếu sẽ được lặp lại trong ngày thứ hai và thứ ba, tối đa 4 lần trong một ngày. Sau mỗi lần bỏ phiếu bất thành, các lá phiếu đều được gom đốt.

Đến cuối ngày thứ ba, nếu vẫn không tìm ra được Giáo hoàng mới, Hồng y đoàn sẽ nghỉ một ngày để cầu nguyện, thảo luận và lắng nghe những lời nhắc nhở từ một Hồng y cấp cao.

Cuộc bỏ phiếu tiếp diễn và nếu không bầu được tân Giáo hoàng trong 7 vòng, mật nghị lại tạm nghỉ. Quy trình này lặp lại. Sau 33 vòng, nếu không ai hội đủ số phiếu, Hồng y đoàn sẽ tổ chức bỏ phiếu với hai ứng viên nhận được nhiều sự ủng hộ nhất, theo quy định do Giáo hoàng Benedict XVI đưa ra. Hai ứng viên hàng đầu không tham gia bỏ phiếu.

Quy trình bầu chọn Giáo hoàng mới. Video: CNN

Mật nghị Hồng y sử dụng khói màu để thông báo kết quả với thế giới. Các lá phiếu sau khi được kiểm đều được đưa vào lò đốt và bỏ thêm hóa chất tương ứng với kết quả vào lò bên cạnh. Các nhân viên cứu hỏa ngày 2/5 đã gắn ống khói lên mái Nhà nguyện Sistine.

Nếu không có ai đắc cử, các hóa chất gồm kali perchlorat, anthracene (thành phần của hắc ín than đá) và lưu huỳnh được đưa vào lò để tạo ra khói đen. Dựa vào đó, những người đang chờ đợi ở Quảng trường Thánh Peter biết rằng mật nghị chưa tìm được Giáo hoàng mới.

Nếu một Giáo hoàng được bầu ra, các lá phiếu sẽ được trộn với kali clorat, lactose và nhựa chloroform nhằm tạo ra khói trắng, ra hiệu cho thế giới bên ngoài biết rằng mật nghị đã nhất trí bầu ra Giáo hoàng mới. Danh tính Giáo hoàng mới lúc này vẫn được giữ kín.

Dù ngày nay có đa dạng phương tiện truyền thông, Vatican vẫn lựa chọn gìn giữ truyền thống này. "Từ thời cổ đại, con người đã xem khói bay lên, từ các lễ tế động vật và ngũ cốc trong Kinh Thánh hoặc từ việc đốt hương, như một hình thức giao tiếp giữa con người với thần linh", giáo sư thần học Candida Moss thuộc Đại học Birmingham nói.

"Công giáo quan niệm rằng lời cầu nguyện 'bay lên' tới Thiên Chúa. Việc sử dụng khói gợi nhớ đến những nghi lễ tôn giáo và vẻ đẹp huyền nhiệm, kỳ diệu đi kèm với chúng".

Giáo sư Moss cũng cho rằng làn khói bay lên giúp những người chờ đợi tại Quảng trường Thánh Peter "cảm thấy như được hòa vào, như thể họ trở thành một phần của sự kiện bí ẩn và kín đáo này".

Cách Mật nghị Hồng y thông báo kết quả bỏ phiếu với bên ngoài. Đồ họa: BBC

Cách Mật nghị Hồng y thông báo kết quả bỏ phiếu với bên ngoài. Đồ họa: BBC

Khi một Hồng y được chọn, ông sẽ được Hồng y Trưởng đẳng Phó tế hỏi xem có đồng ý trở thành Giáo hoàng hay không, nếu có, ông muốn được gọi tên là gì. Tên Giáo hoàng thường được chọn để thể hiện sự tôn kính đối với những người tiền nhiệm, cho thấy định hướng và cách tiếp cận nhiệm vụ của Giáo hoàng mới.

Người được chọn sẽ về Phòng Nước mắt để mặc Phẩm phục Giáo hoàng, với ba kích cỡ được chuẩn bị sẵn. Tên gọi "Phòng Nước mắt" xuất phát từ ý nghĩa biểu tượng: nhiều tân Giáo hoàng đã xúc động rơi nước mắt tại đây, do trách nhiệm to lớn mà họ sắp đảm nhận.

Hồng y Trưởng đẳng Phó tế tiếp đó bước ra ban công chính của Tòa thánh Vatican và tuyên bố với thế giới Habemus Papam! (Chúng ta có Giáo hoàng mới).

Tân Giáo hoàng sau đó xuất hiện trên ban công, gửi lời chào và cầu nguyện đến các con chiên. Ông sẽ chủ trì một thánh lễ tập thể vài ngày sau đó để đánh dấu bắt đầu triều đại của mình.

Hồng y Luis Antonio Tagle, người Philippines đang được xem là ứng cử viên sáng giá nhất để trở thành lãnh đạo tiếp theo...

Theo Như Tâm ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Thời sự thế giới

Xem Thêm