Làng có 3.000 phụ nữ có chồng bị hổ giết ở Ấn Độ: Vì sao nghe rừng có "quỷ hổ" vẫn vào?
Một ngôi làng, thuộc khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới Sunderban, được cho là nơi sinh sống của hơn 3.000 “góa phụ hổ”. Họ là những phụ nữ mất chồng do bị hổ ăn thịt. Ở đây, không ít lời đồn đại cho rằng trong rừng Sunderban có “quỷ hổ”.
Sunderban – khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới – là nơi sinh trưởng lý tưởng cho hổ ở Ấn Độ (ảnh: Vice)
Khu rừng Sunderban trải dài giữa Bangladesh và Ấn Độ. Nơi này thường xuyên xảy ra lũ lụt. Vài năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nguồn thủy sản ở các con sông, lạch nước ngọt ở Sunderban cũng cạn kiệt. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào nguồn lợi từ rừng ngập mặn nên vô vùng khó khăn.
“Đó là lý do vì sao nhiều dân địa phương, chủ yếu là ngư dân, nông dân phải đi sâu hơn vào trong rừng. Nhiều người đồn rằng có ‘quỷ hổ’, nhưng ở sâu trong rừng, cua, cá, mật ong rất nhiều”, Pradip Chatterjee, chủ tịch Diễn đàn Dakshinbanga Matsyajibi ở Ấn Độ, nói.
“3.000 góa phụ hổ là con số dựa theo ước tính trung bình trong nhiều năm”, ông Chatterjee nói thêm.
Đại dịch Covid-19 khiến đời sống của người dân Ấn Độ thêm khó khăn. Hàng triệu người đã bỏ đô thị tìm đường về quê sinh sống.
Khai thác lâm nghiệp là ngành được cho là “hái ra tiền” đối với nhiều người dân thất nghiệp do Covid-19. Tuy nhiên, hoạt động này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Một chuyến đi rừng có thể giúp một người kiếm được 700 rupee/ngày (khoảng 10 USD), trong khi thu nhập từ việc làm ruộng thấp hơn rất nhiều.