Ông Trump trả lời câu hỏi về cung cấp thêm hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói hệ thống phòng không Patriot mà Ukraine đề nghị được cung cấp thêm là loại khí tài “rất đắt đỏ”. Ông nhấn mạnh yêu cầu này đang được cân nhắc, nhưng không xác nhận liệu Washington có cung cấp thêm cho Kiev hay không.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Patrick van Katwijk/Getty Images.
Hôm 9/7, trả lời câu hỏi về việc có xem xét cung cấp thêm tổ hợp Patriot cho Ukraine hay không, ông Trump nói: “Đó là hệ thống rất hiếm và rất đắt”.
“Chúng tôi sẽ xem xét yêu cầu từ phía Ukraine. Thật đáng tiếc khi chúng ta phải chi quá nhiều tiền để hỗ trợ Kiev”, ông Trump nói thêm.
Trước đó, báo Mỹ Wall Street Journal (WSJ) đưa tin, một trong các giải pháp mà Nhà Trắng đang xem xét là khả năng cung cấp thêm một tổ hợp Patriot cho Ukraine. WSJ lưu ý, vấn đề hiện nay vẫn là đạn tên lửa Patriot hiện có hạn.
Từ khi trở lại Nhà Trắng, ông Trump nhiều lần chỉ trích người tiền nhiệm Joe Biden vì “ký séc trắng” cho Ukraine trong vấn đề viện trợ vũ khí. Theo ông, việc gửi lượng lớn khí tài cho Kiev đã khiến kho dự trữ quốc phòng của Mỹ gần như trống rỗng.
Cũng trong ngày 9/7, đài truyền hình Đức n-tv dẫn lời người phát ngôn của hãng quốc phòng Raytheon – nhà sản xuất hệ thống Patriot và tên lửa đi kèm – cho biết công ty này có kế hoạch tăng 150% sản lượng đạn tên lửa PAC-2 mỗi tháng từ nay đến năm 2028 để đáp ứng “nhu cầu chưa từng có”.
Theo ước tính, đến đầu năm 2024, chỉ khoảng 240 quả tên lửa loại này được sản xuất mỗi năm. Mỗi quả tên lửa Patriot có giá khoảng 4 triệu USD.
Đầu tuần này, trang Axios dẫn các nguồn tin ẩn danh cho biết Mỹ đã cam kết sẽ gửi thêm tên lửa Patriot cho Ukraine, dù số lượng dự kiến chỉ là 10 quả.
Ông Trump cũng yêu cầu nối lại việc cung cấp vũ khí cho Ukraine sau một tuần Lầu Năm Góc tạm dừng. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói những tuyên bố mâu thuẫn từ phía Washington phản ánh sự thiếu rõ ràng trong chính sách của Mỹ. Trước đó, ông Peskov cũng cho rằng Washington “đơn giản là không thể sản xuất đủ số lượng đạn tên lửa Patriot cần thiết”.
Theo số liệu từ Viện Kiel (Đức), kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra năm 2022, Mỹ đã gửi gần 115 tỷ USD viện trợ quân sự và tài chính cho Kiev.
Nga nhiều lần chỉ trích các đợt chuyển giao vũ khí của phương Tây cho Ukraine, cho rằng hành động này chỉ khiến cuộc chiến kéo dài, không làm thay đổi cục diện và còn làm gia tăng nguy cơ leo thang rộng hơn.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét khả năng cung cấp thêm một tổ hợp phòng không Patriot cho Ukraine –...