Thái độ của người Ukraine với "tối hậu thư" ông Trump gửi tới Nga
Trong khi ông Trump tuyên bố sẽ tung đòn thuế cứng rắn nếu Nga không ngừng bắn trong 50 ngày tới, nhiều người Ukraine lại cảm thấy lo lắng hơn là hy vọng.
Một người dân ở thủ đô Kiev. Ảnh: BBC
Theo BBC, người Ukraine đang kiệt quệ - cả về thể chất lẫn tinh thần - sau hơn 3 năm sống trong xung đột: Tiếng còi báo động vang lên thâu đêm, những vụ nổ không dứt, và âm thanh rít lên của máy bay không người lái (UAV) tấn công. Ở thủ đô Kiev, câu cửa miệng thường gặp nhất vào buổi sáng là: “Đêm qua quả thật là đêm dài”.
Vì vậy, "tối hậu thư" của Tổng thống Mỹ Donald Trump - cho Nga 50 ngày để đồng ý ngừng bắn, nếu không Moscow phải đối mặt với đòn thuế quan thứ cấp khắc nghiệt "khoảng 100%" - vẫn còn khiến nhiều người Ukraine hoài nghi.
Ông Vitaly Klitschko, một trong những chính trị gia nổi bật nhất Ukraine và hiện là thị trưởng Kiev, chất vấn trên truyền hình Đức: “Tại sao lại phải chờ lâu đến thế?”. Ông Vitaly cho biết, các cuộc tấn công của Nga đang trở nên "dữ dội hơn", và thêm nhiều thương vong có thể đến trong khoảng thời gian chờ đợi đó.
Bà Kira Rudik, nghị sĩ Ukraine, cho rằng “tối hậu thư” của ông Trump mang đến cảm giác "vừa hy vọng vừa cay đắng", bởi như vậy Nga có thêm 50 ngày để tiếp tục dội bom và tấn công trên tiền tuyến.
“Điều này thực sự rất đau lòng và ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi người chúng tôi, vì chúng tôi không biết ai sẽ còn sống sau 50 ngày nữa", bà Kira chia sẻ với BBC.
“Chưa có một bằng chứng nào cho thấy Nga muốn kết thúc cuộc chiến. Ukraine sẵn sàng ngừng bắn vô điều kiện, chúng tôi đã làm mọi việc đúng quy trình”, bà Rudik nói thêm.
Tại các con phố ở Kiev, người dân dường như không đặt nhiều niềm tin vào những lời hứa hẹn của ông Trump, BBC đưa tin.
Hai cư dân là bà Yuliia và bà Alisa bày tỏ lo ngại về mối quan hệ giữa ông Trump và Điện Kremlin.
“Tôi không tin đó là sự giúp đỡ thực sự dành cho Ukraine… tất cả chỉ xoay quanh cái tôi của ông Trump mà thôi”, bà Yuliia nói với BBC. “Tôi nghĩ 4 năm tới dưới thời ông Trump sẽ rất khó khăn với Ukraine”.
Bà Alisa tiếp lời: “Những gì đã diễn ra trong 6 tháng qua cho thấy dù ông Trump nói gì hay không nói gì thì tình hình cũng chẳng thay đổi”.
Trong khi đó, bà Nina - cũng sống tại Kiev - lạc quan hơn, tin rằng việc Mỹ gửi thêm vũ khí do các nước NATO châu Âu chi trả có thể “giúp xung đột kết thúc nhanh hơn”.
Anh Artem, người có bố đang phục vụ trong quân đội Ukraine, vẫn “hy vọng điều tốt đẹp nhất sẽ đến”.
“Mọi người nói nhiều lắm, nên cứ chờ xem thế nào. Tôi chỉ mong mọi chuyện sẽ đi đúng hướng mà chúng tôi mong muốn: Hòa bình lập lại, xung đột chấm dứt, và mọi người đều được trở về nhà bình an”, anh Artem nói.
Khi ông Trump ra “tối hậu thư” với Nga, chiến sự vẫn diễn ra ác liệt ở Ukraine. Ảnh: Reuters
Một số binh sĩ Ukraine ở tiền tuyến lại tỏ ra hoài nghi về tuyên bố mới của ông Trump.
"Ông ấy tuyên bố nhưng không đi kèm hành động. Chúng tôi chưa thấy bất kỳ động thái dứt khoát nào từ chính quyền ông Trump. Chúng tôi chỉ thấy những điều bất lợi cho Ukraine", một binh sĩ giấu tên, thuộc lực lượng phòng vệ lãnh thổ Ukraine, nói.
Một binh sĩ khác thắc mắc rằng vì sao ông Trump phải chờ tới 50 ngày mới hành động, trong khoảng thời gian đó, nhiều quân nhân Ukraine có thể đã tử trận.
Theo The Conversation, ông Trump ngày 14/7 tuyên bố Nga có 50 ngày để chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine, nếu không sẽ phải hứng chịu loạt biện pháp trừng phạt thứ cấp toàn diện, nhắm vào các quốc gia vẫn duy trì quan hệ thương mại với Moscow.
Trong bài phát biểu ngày 15/7, ông Trump nhấn mạnh loạt biện pháp mới sẽ bao gồm mức thuế 100% áp lên bất kỳ quốc gia nào mua hàng xuất khẩu từ Nga. Tổng thống Mỹ cảnh báo: “Các biện pháp trừng phạt này sẽ rất nghiêm trọng. Và sẽ gây ra hậu quả rất nặng nề cho các nước liên quan".
Khác với lệnh trừng phạt trực tiếp, trừng phạt thứ cấp không chỉ nhắm vào Nga mà còn đe dọa cắt quyền tiếp cận thị trường Mỹ đối với bất kỳ quốc gia nào tiếp tục làm ăn với Moscow. Nếu được triển khai, các biện pháp này có thể gây ra chấn động trong chuỗi cung ứng toàn cầu và đặc biệt ảnh hưởng tới những nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Ấn Độ - hai đối tác thương mại quan trọng của Nga hiện nay.
Đáp lại, Điện Kremlin ngày 15/7 cho biết, tuyên bố của ông Trump là khá nghiêm trọng và cần được phân tích kỹ lưỡng. “Chúng tôi cần có thời gian để phân tích những gì ông Trump nói. Nếu cảm thấy cần thiết, Tổng thống Putin chắc chắn sẽ lên tiếng”, ông Peskov nói.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev lên tiếng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra tối hậu thư 50 ngày để...