Thế giới 24h: Thái Lan tuyên bố quan điểm về đề xuất ngừng bắn với Campuchia
Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết, “về nguyên tắc” nước này “hoàn toàn đồng ý” với đề xuất ngừng bắn của Malaysia.
Video đụng độ ở biên giới tranh chấp Thái Lan - Campuchia ngày 24/7. Nguồn: Strait Times
Thái Lan “sẽ xem xét” đề xuất ngừng bắn của Malaysia
“Chính phủ Hoàng gia Thái Lan xin gửi lời cảm ơn tới Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim về đề xuất ngừng bắn – điều mà Thái Lan hoàn toàn đồng ý về nguyên tắc và sẽ xem xét. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng trong ngày qua, lực lượng Campuchia tiếp tục tấn công vào lãnh thổ Thái Lan”, Bộ Ngoại giao Thái Lan bình luận trên mạng xã hội X vào tối ngày 25/7.
Theo Reuters, đây là tín hiệu cho thấy Thái Lan và Campuchia có thể sớm đạt được lệnh ngừng bắn, trong bối cảnh giao tranh ở biên giới kéo dài ngày thứ 2.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Nikorndej Balankura nói với Reuters rằng, Mỹ, Trung Quốc và Malaysia đã đề nghị hỗ trợ đối thoại, nhưng Bangkok mong muốn đàm phán song phương với Phnom Penh.
20h tối ngày 25/7, quân Hoàng gia Thái Lan cho biết, ít nhất 6 binh sĩ nước này đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh với Campuchia, trong khi số dân thường Thái Lan thiệt mạng là 13 người.
Chính phủ Campuchia chưa thông báo về bất kỳ thương vong nào. Phía Campuchia cũng cáo buộc Thái Lan tấn công trước trong ngày 25/7.
Campuchia nói đồng ý ngừng bắn từ tối 24/7
“Tôi đã nói rõ với ngài Anwar Ibrahim rằng Campuchia đồng ý đề xuất ngừng bắn vì chúng tôi không phải bên chủ động gây ra cuộc đụng độ”, Khmer Times dẫn bình luận của ông Hun Manet trong bài đăng trên Facebook vào chiều 25/7.
Thủ tướng Campuchia Hun Manet đăng tải ảnh ông bắt tay Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim (ảnh: FACEBOOK/HUN MANET)
Theo ông Hun Manet, sau các cuộc thảo luận của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim với quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai tối 24/7, phía Phnom Penh đã được thông báo rằng Bangkok đồng ý ngừng bắn.
Lệnh ngừng bắn sẽ có hiệu lực vào lúc 0h ngày 25/7/2025.
Tuy nhiên, Thái Lan bất ngờ thay đổi lập trường, ông Hun Manet cho hay.
“Chỉ hơn một giờ sau, Thái Lan thông báo rằng họ đã thay đổi lập trường”, ông Hun Manet bình luận.
Theo ông Hun Manet, Malaysia cũng nắm được thông tin này.
Ông Hun Manet nhấn mạnh, “chìa khóa” để giải quyết đụng độ vũ trang hiện nay nằm ở “thiện chí thực sự” của Thái Lan trong việc cam kết thực hiện lệnh ngừng bắn.
Thái Lan hiện chưa bình luận về tuyên bố mới của Thủ tướng Campuchia.
Nation Thailand hôm 25/7 đưa tin, quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai cho biết, chính phủ và quân đội nước này đang phối hợp với Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, người hiện giữ vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, nhằm nhanh chóng tìm ra giải pháp cho căng thẳng ở biên giới với Campuchia.
Theo ông Wechayachai, ASEAN sẽ tiến hành đàm phán trước với Thủ tướng Campuchia, sau đó mới làm việc với phía Thái Lan để hướng tới một giải pháp hòa bình.
Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thái Lan Nikorndej Balankura cho biết, Thái Lan sẵn sàng đàm phán với Campuchia thông qua các kênh song phương hoặc thông qua Malaysia.
Tiêm kích F-16 Thái Lan tấn công 3 khu vực chiến lược của Campuchia
Theo tờ The Nation Thailand, ngay sau buổi trưa ngày 25/7, Không quân Thái Lan đã triển khai đợt đầu tiên trong chiến dịch "Đánh chặn đường không" (BAI), với 4 chiếc F-16 được điều đi ném bom hai mục tiêu quân sự của Campuchia. Nhiệm vụ được thông báo là thành công và không có sự cố nào.
Đợt không kích thứ hai được thực hiện vào buổi chiều cùng ngày, với 2 chiếc F-16 khác tấn công thêm 2 mục tiêu quân sự nữa "một cách chính xác", trước khi trở về căn cứ an toàn.
Chiến đấu cơ F-16. Ảnh: Royal Thai Air Force
Chiến dịch không kích tập trung vô hiệu hóa các vị trí quân sự của Campuchia tại khu vực: Đền Preah Vihear, đền Ta Muen Thom và Phu Makua.
Theo phía Thái Lan, những khu vực này được xác định là các căn cứ pháo kích mà Campuchia đã dùng để tấn công vào các khu vực ở biên giới Thái Lan và đây là đòn đáp trả các cuộc tấn công đó.
Trong cuộc họp báo chiều 25/7, bà Maly Socheata – người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia – xác nhận quân đội Thái Lan đã sử dụng chiến đấu cơ F-16 tấn công vào lãnh thổ Campuchia 4 lần lúc 12h30 cùng ngày.
Theo lời bà Socheata, bốn đợt ném bom được thực hiện tại các khu vực: Đền Preah Vihear, đền Wat Keo Sikha Kiriswar (3 lần) và đền Ta Krabey (1 lần).
Áp lực quốc tế gia tăng, Thái Lan sẵn sàng đàm phán với Campuchia
Hãng AFP ngày 25/7 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Nikorndej Balankura cho hay: "Chúng tôi sẵn sàng đàm phán, nếu Campuchia muốn giải quyết vấn đề này thông qua các kênh ngoại giao, song phương, hoặc thậm chí thông qua Malaysia, chúng tôi sẵn sàng làm điều đó. Nhưng cho đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào từ phía Campuchia".
Ông Balankura nói thêm rằng có những dấu hiệu cho thấy giao tranh đang bắt đầu lắng dịu.
Trước đó, Malaysia, quốc gia hiện là chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đã kêu gọi ngừng bắn.
Theo hãng tin AFP, Mỹ cũng kêu gọi chấm dứt "ngay lập tức" cuộc xung đột, trong khi Pháp cũng kêu gọi chấm dứt các hành động đối đầu.
Liên minh châu Âu và Trung Quốc cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng bạo lực và thúc giục cả hai bên tìm kiếm đối thoại.
Quyền Thủ tướng Thái Lan cảnh báo về tình hình biên giới
Quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai cảnh báo giao tranh quân sự có thể tiếp tục leo thang, theo Aljazeera.
Một quan chức quân đội Thái Lan cho biết các cuộc đụng độ đang diễn ra tại 12 địa điểm dọc theo biên giới tranh chấp, tăng so với 6 địa điểm của ngày hôm trước, cho thấy giao tranh đang lan rộng.
Chuẩn Đô đốc Surasant Kongsiri, người phát ngôn của quân đội Thái Lan, phát biểu tại một cuộc họp báo rằng Campuchia vẫn tiếp tục sử dụng vũ khí hạng nặng, trong đó có hệ thống rocket BM-21.
"Lực lượng Thái Lan đã đáp trả bằng hỏa lực yểm trợ phù hợp với tình hình chiến thuật", quân đội Thái Lan cho biết.
Một đơn vị pháo cơ động của Thái Lan khai hỏa về phía Campuchia vào ngày 25/7. Ảnh: Reuters
Theo Bộ Y tế Thái Lan, số người ở nước này thiệt mạng đã tăng lên đến 15, tính đến sáng 25/7, trong đó có 1 quân nhân. Số người bị thương là 46, bao gồm 15 binh sĩ. Chính quyền Thái Lan cho biết khoảng 100.000 người đã được sơ tán khỏi các khu vực xung đột gần biên giới, theo Reuters.
Phía Campuchia chưa cung cấp thông tin chính thức về thương vong. Ông Meth Meas Pheakdey, người phát ngôn của chính quyền tỉnh Oddar Meanchey, Campuchia, cho biết một dân thường đã thiệt mạng và năm người bị thương, và 1.500 gia đình đã được sơ tán.
Theo Reuters, cả hai bên cáo buộc nhau về việc bắt đầu xung đột trước vào sáng 25/7 tại một khu vực biên giới tranh chấp.
Theo Khmer Times, bà Maly Socheata, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia, tuyên bố, vào sáng ngày 25/7, quân đội Thái Lan đã mở cuộc tấn công vào lãnh thổ Campuchia tại 7 địa điểm.
Bà Socheata cáo buộc phía Thái Lan sử dụng bom chùm trong 2 đợt tấn công.
"Quân đội Thái Lan đã sử dụng bom chùm để tấn công vào lãnh thổ Campuchia. Hành động này đã vi phạm luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước về bom chùm", phát gôn viên Bộ Quốc phòng Campuchia nói.
Thái Lan chưa lên tiếng về cáo buộc sử dụng bom chùm.
Giao tranh ở biên giới Thái Lan - Campuchia tiếp diễn trong ngày thứ hai
Tờ Khmer Times của Campuchia đưa tin, tính đến 6 giờ sáng 25/7 – ngày thứ hai của cuộc giao tranh – binh sĩ Campuchia và Thái Lan vẫn tiếp tục nổ súng và đấu pháo ở khu vực tiền tuyến.
Pháo kích tiếp diễn tại một số địa điểm vào các khung giờ 2 giờ sáng, 3 giờ sáng tại khu vực biên giới tranh chấp Preah Vihear–Phnom Khaing, và 5 giờ sáng ở khu vực biên giới Takrabei.
Theo Khmer Times, quân đội Campuchia vẫn duy trì vị trí tại đền Ta Muen Thom, đền Ta Krabey và khu vực Mom Tei.
Các báo cáo từ binh sĩ tuyến đầu xác nhận rằng tại các khu vực giao tranh ở biên giới gần hai tỉnh Oddar Meanchey và Preah Vihear của Campuchia, binh sĩ hai bên vẫn tiếp tục sử dụng pháo hạng nặng để tấn công lẫn nhau.
Quan chức Thái Lan và Campuchia cũng xác nhận giao tranh tiếp tục diễn ra vào ngày 25/7 tại nhiều địa điểm dọc khu vực biên giới, theo CNN.
Đại tá Richa Sooksuwanon, phó phát ngôn viên quân đội Thái Lan, cho biết đụng độ xảy ra vào lúc 4 giờ 30 phút sáng (giờ địa phương).
Quân đội Thái Lan cũng cho biết đang tiến hành tháo gỡ bom và tìm kiếm thi thể tại huyện Kantharalak – nơi bị trúng rocket từ phía Campuchia trong ngày hôm qua.
Trong khi đó, ông Met Measpheakdey, phát ngôn viên tỉnh biên giới Oddar Meanchey, Campuchia, nói nhà chức trách nước này ghi nhận ít nhất một người thiệt mạng và 5 người khác bị thương trong đụng độ với Thái Lan. Ông nói thêm rằng cho đến sáng ngày 25/7, tình hình vẫn “rất căng thẳng”.
“Giao tranh vẫn đang tiếp diễn”, ông Measpheakdey nói, theo CNN.
Bà Maly Socheata, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia cho biết, trong ngày 24/7, quân đội Thái Lan đã tiến hành tấn công tại 8 vị trí, sử dụng vũ khí hạng nặng và cả máy bay chiến đấu F-16.
Theo Khmer Times, cuộc đụng độ vũ trang giữa Campuchia và Thái Lan nổ ra vào sáng 24/7 tại khu vực đền Ta Muen Thom, sau đó lan rộng đến các khu vực khác dọc theo tuyến biên giới hai nước.
Theo số liệu từ phía Thái Lan tính đến 21 giờ ngày 24/7, các cuộc đụng độ dọc biên giới đã khiến 14 người thiệt mạng, 46 người bị thương, và hơn 110.000 người phải sơ tán.
Thái Lan: Không mong muốn tấn công Campuchia
Quân đội Campuchia pháo kích về phía Thái Lan (ảnh: Bangkok Post)
Phát biểu trong cuộc họp báo lúc 17h30 hôm 24/7, thiếu tướng Winthai Suwaree – người phát ngôn Quân đội Hoàng gia Thái Lan – cho biết, giao tranh với Campuchia (bắt đầu từ sáng sớm cùng ngày) vẫn đang tiếp diễn.
Ông Winthai nhấn mạnh, phản ứng của Thái Lan chỉ mang tính tự vệ, nhắm vào các mục tiêu quân sự và không có ý định hay động cơ tấn công Campuchia vì điều này không mang lại lợi ích cho Thái Lan.
Theo ông Winthai, trong tình hình hiện tại, chính phủ Thái Lan và Campuchia, cũng như tất cả các bên liên quan cần đàm phán, sử dụng biện pháp ngoại giao để tìm ra giải pháp hòa bình cho cả nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp của xung đột. Ông nhấn mạnh rằng người dân của cả hai quốc gia không nên bị liên lụy hoặc chịu ảnh hưởng bởi xung đột này.
Về việc quân đội Thái Lan điều chiến đấu cơ F-16, tiến hành 2 đợt tập kích vào các mục tiêu ở Campuchia, ông Winthai cho rằng đây chỉ là một phần của hoạt động hỗ trợ tầm xa.
“Các biện pháp được thực hiện dựa trên sự cần thiết và nằm trong phạm vi mục tiêu quân sự”, ông Winthai nói.
Về thương vong đối với lực lượng Campuchia, ông Winthai cho biết Thái Lan chưa có số liệu chính thức và còn quá sớm để đánh giá chiến dịch quân sự sẽ kéo dài bao lâu.
Cuối cùng, ông Winthai bày tỏ hy vọng rằng cuộc đụng độ ở biên giới sẽ sớm kết thúc.
Trước đó, cùng ngày 24/7, Tổng Tư lệnh Quân đội Hoàng gia Thái Lan công bố chiến dịch “Yuttha Bodin” (Trận chiến bảo vệ vùng đất thiêng) nhằm đáp trả các động thái quân sự của Campuchia dọc biên giới, Nation Thailand đưa tin.
Tướng Pana Klaewblaudtuk được bổ nhiệm làm chỉ huy chiến dịch.
Tiêm kích F-16 của Thái Lan (ảnh: Nation Thailand)
Theo Nation Thailand, chiều ngày 24/7, quân đội Thái Lan cũng tiến hành đợt không kích thứ hai, điều 4 chiến đấu cơ F-16 ném bom một sở chỉ huy của Campuchia ở phía nam Đền Moan Thom. Các máy bay sau đó trở về căn cứ an toàn.
Hôm 24/7, quân đội Campuchia thông báo, giao tranh vẫn tiếp diễn ở biên giới với Thái Lan, nhưng tình hình đã “lắng dịu” đôi chút.
Bộ Quốc phòng Campuchia cho biết, quân đội nước này kiểm soát tình hình chiến trường và giữ vững vị trí ở 3 khu vực tranh chấp: Đền Ta Moan Thom, đền Ta Krabey và Mum Bei.
Nga tập kích dữ dội Kharkiv, Odessa
Quân đội Nga tập kích dữ dội thành phố Kharkiv (miền bắc Ukraine) hôm 24/7, khiến ít nhất 33 người bị thương, giới chức Kiev cho hay.
Ô tô bị thiêu rụi trong đòn tập kích nhằm vào thành phố Kharkiv (ảnh: Kyiv Post)
Thị trưởng Kharkiv – ông Ihor Terekhov – cho hay, quân đội Nga phóng 2 quả bom dẫn đường, đánh trúng một nhà máy và gây thiệt hại gần một tòa chung cư, thiêu rụi khoảng 15 chiếc ô tô.
Thiệt hại ở nhà máy không được tiết lộ.
Cùng ngày 24/7, giới chức Kiev cũng ghi nhận vụ UAV tập kích thành phố Odessa (miền nam Ukraine) khiến nhiều cơ sở hạ tầng bị hư hại và gây ra hỏa hoạn lớn. Chợ Pryvoz – khu chợ sầm uất ở Odessa – dường như cũng bị UAV đánh trúng.
Không quân Ukraine tuyên bố, quân đội Nga phóng 4 tên lửa hành trình Iskander-K và 103 UAV các loại vào nhiều khu vực. Lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ 90 UAV và 1 tên lửa.
Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin này.
Điện Kremlin đánh giá kết quả đàm phán vòng 3 với Ukraine
Người phát ngôn Điện Kremlin – ông Dmitry Peskov – cho rằng, các thỏa thuận đạt được trong vòng đàm phán thứ 3 giữa Moscow và Kiev tại Thổ Nhĩ Kỳ là tích cực.
“Việc tiếp tục trao đổi và hồi hương thi thể thường dân – những người bị giữ như con tin – cũng như tiếp tục hồi hương thi thể các binh sĩ đã thiệt mạng là vấn đề nhân đạo vô cùng quan trọng và cần được ưu tiên”, ông Peskov nói.
Theo ông Peskov, đề xuất của phái đoàn đàm phán Nga về việc thành lập 3 tổ công tác có khả năng “liên hệ trực tuyến” với Ukraine cũng là tín hiệu tích cực.
“Việc trao đổi trực tuyến có thể diễn ra thường xuyên và với cường độ cao, tùy vào khả năng duy trì của mỗi bên”, ông Peskov nói.
Về khả năng tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Zelensky, ông Peskov cho rằng điều này có thể diễn ra sau khi phái đoàn đàm phán đạt được những thỏa thuận thực chất.
Đồng quan điểm trên, ông Vladimir Medinsky – người dẫn đầu phái đoàn đàm phán Nga – cho rằng, ông Putin chỉ nên gặp lãnh đạo Ukraine sau khi một hiệp ước hòa bình sẵn sàng được ký kết.
“Không có ích gì khi các nhà lãnh đạo gặp nhau chỉ để đàm phán lại từ đầu”, ông Medinsky nói.
Giao tranh vũ trang đã nổ ra giữa Thái Lan và Campuchia vào sáng sớm 24/7 tại một số khu vực tranh chấp dọc biên giới...