Chia sẻ

Thế giới 24h: Binh sĩ Thái Lan và Campuchia đấu súng ở khu vực biên giới tranh chấp

0:00
0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Quân đội Thái Lan và quân đội Campuchia ngày 28/5 xác nhận binh sĩ hai nước đã có cuộc đấu súng ngắn tại khu vực biên giới tranh chấp.

Binh sĩ Campuchia chuẩn bị vũ khí dọc biên giới với Thái Lan. Ảnh: Reuters

Binh sĩ Campuchia chuẩn bị vũ khí dọc biên giới với Thái Lan. Ảnh: Reuters

Nổ súng ở biên giới tranh chấp Thái Lan - Campuchia

Theo Washington Post, phía Thái Lan cho biết vụ việc xảy ra khi một nhóm binh sĩ Campuchia tiến vào khu vực tranh chấp. Binh sĩ Thái Lan tiếp cận để thương lượng, nhưng do hiểu nhầm, phía Campuchia đã nổ súng trước, buộc binh sĩ Thái Lan phải đáp trả.

Trong khi đó, người phát ngôn quân đội Campuchia, ông Mao Phalla, nói rằng binh sĩ nước này đang tuần tra định kỳ dọc biên giới thì bị phía binh sĩ Thái Lan nổ súng trước.

Cuộc đụng độ kéo dài khoảng 10 phút trước khi các chỉ huy tại hiện trường liên lạc và ra lệnh ngừng bắn. Quân đội Thái Lan cho biết hai bên đang tiếp tục đàm phán.

Phía Thái Lan xác nhận không có thương vong, còn phía Campuchia cho biết chưa có thông tin về thiệt hại.

Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan, ông Phumtham Wechayachai, cho biết tình hình đã được kiểm soát và nhấn mạnh cả hai bên đều không có chủ ý nổ súng vào nhau.

Theo Washington Post, Thái Lan và Campuchia là hai quốc gia láng giềng có lịch sử tranh chấp lãnh thổ kéo dài. Nổi bật nhất là tranh cãi quanh khu vực Preah Vihear, nơi có ngôi đền cổ hơn 1.000 năm tuổi được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 2008. Năm 2013, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) của Liên Hợp Quốc đã ra phán quyết trao quyền kiểm soát khu vực này cho Campuchia.

Theo tờ báo Mỹ, gần đây cũng đã xảy ra một số vụ việc tại biên giới hai nước, trong đó có sự kiện hồi tháng 2 khi binh sĩ Campuchia tiến vào một ngôi đền cổ gần biên giới, hát quốc ca Campuchia. Vụ việc khiến binh sĩ Thái Lan phản ứng gay gắt và hai bên lời qua tiếng lại. Toàn bộ diễn biến được quay lại và lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội.

Ông Trump đưa ra yêu cầu làm khó Canada

Hệ thống “Vòm Vàng” của ông Trump đang thu hút sự chú ý. Ảnh: Animate Vortex

Hệ thống “Vòm Vàng” của ông Trump đang thu hút sự chú ý. Ảnh: Animate Vortex

CTV News ngày 27/5 dẫn bài đăng của Tổng thống Mỹ Donald Trump trên mạng xã hội Truth Social, cho rằng việc Canada tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Vàng sẽ tiêu tốn 61 tỷ USD.

Tuy nhiên, ông Trump nói thêm, việc này sẽ hoàn toàn miễn phí nếu Canada chấp nhận gia nhập Mỹ với tư cách bang thứ 51.

“Tôi nói với Canada – nước rất muốn tham gia vào hệ thống Vòm Vàng tuyệt vời của chúng ta – rằng họ sẽ phải trả 61 tỷ USD nếu vẫn là một quốc gia độc lập. Nhưng nếu trở thành bang thứ 51 của chúng ta, họ sẽ không tốn một xu", ông Trump viết.

Trong phản hồi gửi cho CTV News, Văn phòng Thủ tướng Canada nêu rõ: “Thủ tướng đã nhiều lần khẳng định, kể cả trong các cuộc trao đổi với ông Trump, rằng Canada là một quốc gia độc lập, có chủ quyền – và sẽ luôn như vậy".

Bài đăng của ông Trump xuất hiện chỉ vài giờ sau khi Quốc vương Anh Charles III (nguyên thủ quốc gia tượng trưng của khối Thịnh vượng chung, trong đó có Canada) đọc Thông điệp khai mạc Quốc hội Canada.

Trong bài phát biểu, Quốc vương Charles III một lần nữa nhấn mạnh chủ quyền của Canada khi nói: “Canada là một quốc gia độc lập và mạnh mẽ".

Quốc vương cũng đề cập tới mối quan hệ giữa Canada và Mỹ, khẳng định hai nước “đang bắt đầu định hình một mối quan hệ kinh tế và an ninh mới… nhằm mang lại những lợi ích mang tính chuyển đổi cho cả hai quốc gia có chủ quyền".

Ông Trump lần đầu công bố hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Vàng trong một cuộc họp báo vào tuần trước, cho biết hệ thống này có khả năng đánh chặn tên lửa từ bên kia địa cầu hoặc từ không gian, với tổng chi phí lên tới 175 tỷ USD trong 3 năm đầu tiên.

“Canada đã gọi cho chúng tôi và họ muốn tham gia", ông Trump nói tại buổi họp báo. “Chúng tôi đang thương lượng về giá. Họ nắm rõ về hệ thống này".

Thủ tướng Canada Mark Carney bày tỏ sự quan tâm đến việc đầu tư vào "Vòm Vàng", song không tiết lộ mức chi phí để gia nhập.

“Chúng tôi nhận thức được rằng, nếu muốn, chúng tôi có khả năng tham gia hoàn thiện hệ thống Vòm Vàng thông qua các khoản đầu tư và đối tác", ông Carney phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra một ngày sau tuyên bố của ông Trump.

“Đây là vấn đề đang được xem xét và đã được thảo luận ở cấp cao. Nhưng tôi không chắc liệu có thể đàm phán theo cách thông thường với vấn đề này. Đây là quyết định quân sự, và chúng tôi sẽ đánh giá dựa trên bối cảnh đó", ông Carney nói.

Trung Quốc lên tiếng về cáo buộc của Ukraine

Theo Kyiv Independent, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 27/5 bác bỏ cáo buộc từ phía Ukraine cho rằng Bắc Kinh cung cấp cho Nga các sản phẩm hóa chất đặc biệt, thuốc súng và linh kiện phục vụ ngành công nghiệp quốc phòng.

Phản ứng của Trung Quốc được đưa ra sau phát biểu của ông Oleh Ivashchenko – người đứng đầu Cục Tình báo Đối ngoại Ukraine – rằng Bắc Kinh đã chuyển các linh kiện nói trên tới 20 cơ sở sản xuất quốc phòng của Nga.

Ông Ivashchenko cũng cho biết, tính đến đầu năm 2025, 80% linh kiện điện tử thiết yếu được sử dụng trong máy bay không người lái của Nga có xuất xứ từ Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh khẳng định lập trường của Bắc Kinh đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn "nhất quán và rõ ràng".

“Chúng tôi luôn nỗ lực thúc đẩy ngừng bắn và hòa đàm. Trung Quốc chưa bao giờ cung cấp vũ khí sát thương cho bất kỳ bên nào trong cuộc xung đột, và luôn kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng lưỡng dụng", bà Mao phát biểu.

“Ukraine hiểu rất rõ điều đó. Trung Quốc kiên quyết phản đối những cáo buộc vô căn cứ và thao túng chính trị", bà Mao nói thêm.

Trong khi tuyên bố là một bên trung gian tiềm năng nhằm tìm kiếm giải pháp chấm dứt xung đột, Bắc Kinh đồng thời chỉ trích Mỹ và các đồng minh phương Tây là những bên "kích động" xung đột thông qua viện trợ vũ khí cho Ukraine.

Vào tháng 4/2025, Kiev đã gửi tới Bắc Kinh các bằng chứng cho thấy công dân và doanh nghiệp Trung Quốc tham gia hỗ trợ Nga trong cuộc chiến, song Bắc Kinh đã bác bỏ, gọi đây là “những cáo buộc vô căn cứ và hành vi thao túng chính trị”.

Nga cảnh báo hệ thống “Vòm vàng” của Mỹ đe dọa ổn định chiến lược toàn cầu

Theo đài RT, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 27/5 gọi sáng kiến "Vòm Vàng" của ông Trump là một “bước đi phiêu lưu”. Bà Zakharova cho rằng việc Mỹ theo đuổi hệ thống đánh chặn tên lửa toàn cầu đang “trực tiếp phá hoại nền tảng ổn định chiến lược” – một quan điểm mà bà khẳng định Trung Quốc cũng ủng hộ Nga.

“Đây là một cách tiếp cận mạo hiểm vì nó làm suy yếu trực tiếp nền tảng của sự ổn định chiến lược”, bà Zakharova tuyên bố, đồng thời lập luận rằng tình hình càng trở nên trầm trọng hơn do mục tiêu của dự án là tăng cường các phương tiện tiến hành các hoạt động quân sự trong không gian.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga nói thêm rằng điều này biến không gian thành môi trường để “triển khai vũ khí và là đấu trường của cuộc đối đầu vũ trang”.

Theo bà Zakharova, việc nối lại đối thoại với Mỹ về vấn đề này vẫn chưa khả thi.

Bà Zakharova kêu gọi Mỹ xem xét lại kế hoạch và ủng hộ một hiệp ước do Nga đề xuất, nhằm ngăn chặn việc triển khai vũ khí trong không gian – một động thái mà bà cho rằng có thể giúp giảm thiểu nguy cơ bùng nổ chạy đua vũ trang ngoài không gian.

Ngoài Nga và Trung Quốc, Triều Tiên ngày 27/5 cũng cảnh báo rằng hệ thống “Vòm Vàng” của Mỹ sẽ khiến các quốc gia cảm thấy bị đe dọa phải mở rộng kho vũ khí quân sự, từ đó làm trầm trọng thêm tình hình an ninh toàn cầu.

Theo đài RT, kế hoạch do Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố gần đây cho thấy, hệ thống “Vòm Vàng” sẽ được triển khai theo mô hình nhiều tầng lớp, bao gồm các thành phần đánh chặn đặt trên mặt đất, trên biển và cả trong không gian. Dự án được định giá khoảng 175 tỷ USD cho 3 năm đầu tiên, và theo ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, tổng chi phí có thể vượt 542 tỷ USD trong hai thập niên tới.

Nga yêu cầu Liên Hợp Quốc họp khẩn sau tuyên bố của Thủ tướng Đức

Ông Dmitry Polyansky – Phó Đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên Hợp Quốc. Ảnh: Global Look Press

Ông Dmitry Polyansky – Phó Đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên Hợp Quốc. Ảnh: Global Look Press

Đài RT ngày 27/5 đưa tin, Nga đã đề nghị triệu tập một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm thảo luận về điều mà nước này coi là nỗ lực của các quốc gia EU nhằm phá hoại giải pháp hòa bình cho xung đột ở Ukraine. 

Thông báo được ông Dmitry Polyansky – Phó Đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên Hợp Quốc – đưa ra, sau khi Đức tuyên bố Ukraine có thể sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Trong tuyên bố đăng trên Telegram ngày 27/5, ông Polyansky cho biết phiên họp dự kiến diễn ra vào sáng 30/5, với trọng tâm là các "mối đe dọa đối với hòa bình quốc tế" từ các nước hậu thuẫn Kiev.

Theo ông Polyansky, đây là phản ứng mang tính đối trọng với cuộc họp của các nước phương Tây dự kiến diễn ra ngày 29/5, nhằm duy trì áp lực quốc tế có lợi cho Ukraine.

Nhà ngoại giao Nga cho rằng các nước ủng hộ Kiev triệu tập phiên họp vì mất kiên nhẫn chờ đợi kết quả đàm phán Nga–Ukraine ở Istanbul và phản ứng từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, người hiện được xem là trung gian chủ chốt trong nỗ lực hòa giải. 

Động thái của Nga được đưa ra sau khi Thủ tướng Đức Friedrich Merz tuyên bố Berlin và các đồng minh không còn áp đặt giới hạn về tầm bắn đối với vũ khí tầm xa viện trợ cho Ukraine, đồng thời tiết lộ quyết định này đã được đưa ra từ vài tháng trước.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Đức Lars Klingbeil dường như bác bỏ tuyên bố của ông Merz, khẳng định “không có thỏa thuận mới nào đi ngược chính sách của chính phủ tiền nhiệm".

Trước đó, chính phủ Đức dưới thời Thủ tướng Olaf Scholz đã phản đối việc viện trợ vũ khí tầm xa hoặc cho phép Ukraine dùng vũ khí phương Tây để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, do lo ngại nguy cơ leo thang xung đột.

Moscow từ lâu đã chỉ trích việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine, cho rằng điều này chỉ kéo dài xung đột mà không thay đổi được kết cục. Ngày 27/5, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố việc NATO tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Kiev là “sự tham gia gián tiếp vào cuộc chiến chống Nga", điều mà ông cho rằng “không giúp ích cho giải pháp hòa bình".

Đầu tháng này, Nga và Ukraine đã tổ chức vòng đàm phán trực tiếp đầu tiên kể từ năm 2022 và đạt được thỏa thuận trao đổi tù binh lớn nhất từ trước đến nay. Moscow cũng cam kết sẽ chuyển cho Kiev một bản ghi nhớ gồm các điều khoản then chốt về lệnh ngừng bắn, giải pháp chấm dứt xung đột và lộ trình hướng tới một thỏa thuận hòa bình toàn diện.

"Thật kinh hoàng. Quá kinh hoàng", một nhân chứng bàng hoàng thốt lên khi chứng kiến vụ "xe điên" lao vào đám đông cổ...

Theo Nguyễn Thái - (t/h) ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Thế giới 24h

Xem Thêm