Thế giới 24h: Nga tố Ukraine tấn công thủ đô Moscow
Thị trưởng Moscow cho biết, cuộc tấn công được thực hiện bằng máy bay không người lái (UAV).
Một vụ tấn công vào thủ đô Moscow năm 2023. Ảnh: Reuters
Nga bắn hạ nhiều UAV tấn công thủ đô
Hãng Reuters dẫn lời Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin cho biết, UAV Ukraine đã nhắm vào Moscow trong một cuộc tấn công vào rạng sáng 5/5.
Theo ông Sobyanin, hệ thống phòng không Nga đã bắn hạ 4 UAV bay về phía Moscow và không có thương vong hay thiệt hại nào được ghi nhận từ các mảnh vỡ rơi xuống.
Cơ quan giám sát hàng không Nga, Rosaviatsia, thông báo trên Telegram rằng sân bay Domodedovo – một trong các sân bay chính của thủ đô Moscow – đã tạm ngừng hoạt động lúc 2h38 sáng 5/5 theo giờ địa phương để bảo đảm an toàn hàng không.
Ở một diễn biến khác, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 4/5 tuyên bố một lệnh ngừng bắn với Nga "có thể xảy ra bất cứ lúc nào", đồng thời kêu gọi các đồng minh phương Tây gia tăng sức ép buộc Moscow nghiêm túc thực hiện lệnh ngừng bắn đó.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung ở Praha cùng Tổng thống Czech Petr Pavel, ông Zelensky nhấn mạnh, nếu không có sức ép đủ lớn, Moscow sẽ không thực hiện bước đi thực chất nào để chấm dứt xung đột.
“Chúng tôi tin rằng nếu không có áp lực gia tăng, Nga sẽ không có hành động thực tế nào nhằm kết thúc cuộc xung đột. Hôm nay đã là ngày thứ 54 Nga phớt lờ đề xuất ngừng bắn hoàn toàn của Mỹ", ông Zelensky nói.
Ông Zelensky cho biết Ukraine sẵn sàng chấp nhận một lệnh ngừng bắn kéo dài ít nhất 30 ngày để mở đường cho giải pháp ngoại giao.
Tổng thống Ukraine gọi đề xuất ngừng bắn 3 ngày do ông Putin công bố hồi tuần trước – nhân kỷ niệm 80 năm chiến thắng phát xít Đức – là "vô nghĩa", đồng thời nhấn mạnh cần một lệnh ngừng bắn vô điều kiện kéo dài theo đề xuất của Washington đưa ra từ tháng 3.
Ngày 19/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo Moscow sẽ ngừng bắn trong 30 tiếng nhân dịp lễ Phục sinh, kéo dài tới nửa đêm 20/4. Tổng thống Nga bày tỏ tin tưởng Ukraine sẽ có quyết định tương tự Nga, song yêu cầu các chỉ huy quân đội "sẵn sàng đáp trả nếu đối phương vi phạm".
Sau đó, Moscow cáo buộc Ukraine tiến hành hơn 1.300 đợt tập kích trong giai đoạn ngừng bắn lễ Phục sinh. Kiev cũng cáo buộc Moscow mở hàng chục cuộc tiến công trong thời gian đó.
Tiêm kích J-10C của Pakistan chạm trán chiến đấu cơ Ấn Độ
Pakistan là quốc gia nước ngoài duy nhất sở hữu chiến đấu cơ j-10 do Trung Quốc sản xuất. Ảnh minh họa.
Theo các nguồn dẫn phát ngôn ông Asif trên mạng xã hội X, không quân Pakistan đã triển khai các tiêm kích J-10C, sử dụng hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến làm nhiễu radar và liên lạc của các chiến đấu cơ Rafale.
Ấn Độ chưa xác nhận vụ việc, song thông tin này làm dấy lên tranh luận về khả năng của công nghệ quân sự Trung Quốc và nguy cơ thách thức các hệ thống phương Tây như Rafale của Pháp. J-10C là mẫu tiêm kích được Pakistan mua từ Trung Quốc từ năm 2022.
Sự việc xảy ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, sau vụ tấn xả súng ngày 22/4 khiến 26 du khách thiệt mạng ở khu vực do Ấn Độ kiểm soát thuộc vùng tranh chấp Kashmir.
Ông Putin tuyên bố Nga có đủ sức mạnh và nguồn lực để kết thúc chiến dịch quân sự ở Ukraine
Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Moscow có đủ tiềm lực để đưa cuộc xung đột ở Ukraine đến hồi kết mà không cần dùng đến vũ khí hạt nhân, song nhấn mạnh phương Tây đã tìm cách "khiêu khích" để Nga mắc sai lầm, theo Reuters.
Truyền hình quốc gia Nga ngày 4/5 phát sóng bộ phim tài liệu có tựa đề “Nga, Điện Kremlin, Putin, 25 năm” nhằm nhìn lại chặng đường nắm quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong đó, nhà lãnh đạo Nga một lần nữa bảo vệ chiến dịch quân sự tại Ukraine là hành động cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia trước các thách thức từ phương Tây.
Khi được hỏi về nguy cơ leo thang hạt nhân liên quan đến cuộc chiến, ông Putin trả lời: “Họ (phương Tây) muốn khiêu khích chúng ta để chúng ta mắc sai lầm. Nhưng cho đến nay, không có lý do nào để sử dụng những vũ khí đó... và tôi hy vọng chúng sẽ không bao giờ cần đến”.
Ông khẳng định Nga có đủ sức mạnh và phương tiện để “đưa điều đã bắt đầu năm 2022 đến kết cục hợp lý, theo hướng có lợi cho Nga”.
Tổng thống Putin mô tả cuộc xung đột ở Ukraine là bước ngoặt lớn trong quan hệ giữa Nga và phương Tây, cáo buộc NATO đã mở rộng ảnh hưởng và làm tổn hại đến lợi ích chiến lược của Moscow kể từ sau khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989.
Tổng thống Mexico tiết lộ lời đề nghị của ông Trump nhằm giúp đối phó băng đảng ma túy
Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum ngày 4/5 xác nhận rằng ông Donald Trump từng đề xuất đưa quân đội Mỹ vào lãnh thổ Mexico để đối phó các băng đảng ma túy, nhưng bà đã từ chối thẳng thừng với lý do bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Cuộc điện đàm giữa ông Trump và bà Sheinbaum diễn ra hồi tháng 4, trong đó Tổng thống Mỹ đã gây sức ép yêu cầu Mexico cho phép quân đội Mỹ tiến hành chiến dịch chống ma túy ngay trong lãnh thổ nước này. Tuy nhiên, bà Sheinbaum đã bác bỏ đề xuất, dẫn đến một cuộc trao đổi được mô tả là "nảy lửa".
Phát biểu tại lễ khánh thành một trường đại học vào ngày 4/5, Tổng thống Mexico xác nhận thông tin và khẳng định quan điểm cứng rắn: “Đúng vậy… ông ấy nói, ‘Tôi đề nghị để quân đội Mỹ vào giúp’. Và quý vị biết tôi nói gì không? Không, Tổng thống Trump, lãnh thổ của chúng tôi là bất khả xâm phạm, chủ quyền của chúng tôi là bất khả xâm phạm, chủ quyền của chúng tôi không phải để bán”.
Bà Sheinbaum cũng nhấn mạnh nếu Mỹ thực sự muốn giúp Mexico, điều cần làm là ngăn dòng vũ khí đổ vào từ phía bên kia biên giới, vì vũ khí từ Mỹ đang tiếp tay cho các băng đảng vũ trang ở Mexico.
Một tuyên bố từ Nhà Trắng cùng ngày cho biết hai bên đã hợp tác chặt chẽ trong việc bảo vệ biên giới Tây Nam, song không đề cập đến thông tin ông Trump từng đề xuất đưa quân.
“Chính phủ Mỹ luôn nhấn mạnh Mexico cần làm nhiều hơn nữa để trấn áp các băng đảng ma túy. Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ và mở rộng hợp tác sâu sắc giữa hai quốc gia”, thông cáo của Nhà Trắng nêu rõ.
Quân đội Ấn Độ - Pakistan tiếp tục đấu súng qua biên giới trong bối cảnh Ấn Độ tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm...