Chia sẻ

Thủ tướng Đức nói rõ về phát biểu phương Tây dỡ hết hạn chế vũ khí tầm xa với Ukraine

0:00
0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Nhà lãnh đạo Đức đưa ra phát biểu mới khi đang có chuyến công du Phần Lan.

Thủ tướng Đức Friedrich Merz. Ảnh: Getty

Thủ tướng Đức Friedrich Merz. Ảnh: Getty

Theo Kyiv Independent, Thủ tướng Đức Friedrich Merz ngày 27/5 đã làm rõ rằng phát biểu trước đó của ông về việc phương Tây dỡ bỏ giới hạn tầm bắn đối với vũ khí viện trợ cho Ukraine thực chất đề cập đến một quyết định đã được đưa ra từ nhiều tháng trước.

“Vấn đề giới hạn tầm bắn của các loại vũ khí tầm xa là điều từng được thảo luận vài tháng, thậm chí vài năm trước. Theo như tôi được biết, và như tôi đã phát biểu hôm qua, các quốc gia từng áp đặt giới hạn tầm bắn đã từ lâu dỡ bỏ các yêu cầu này", ông Merz nói trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo tại thành phố Turku ngày 27/5.

“Vì vậy, hôm qua tại Berlin, tôi chỉ mô tả lại điều đã diễn ra trong suốt nhiều tháng qua rằng Ukraine có quyền sử dụng các loại vũ khí mà nước này nhận được để tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga", Thủ tướng Đức nói thêm.

Trước đó, khi phát biểu tại một diễn đàn vào ngày 26/5, ông Merz tuyên bố rằng “không còn bất kỳ hạn chế nào về tầm bắn đối với vũ khí được chuyển giao cho Ukraine” từ phía Đức, Mỹ, Anh hay Pháp.

“Điều này đồng nghĩa với việc Ukraine hiện có thể tự vệ, ví dụ bằng cách tấn công các vị trí quân sự trên lãnh thổ Nga", ông Merz nói thêm. “Cho đến gần đây, Ukraine chưa thể làm điều đó – và ngoài một vài ngoại lệ hiếm hoi, nước này cũng chưa từng thực hiện".

Theo Kyiv Independent, Ukraine từng nhận được các loại tên lửa tầm xa từ Mỹ, Anh và Pháp – bao gồm ATACMS, Storm Shadow và SCALP – nhưng ban đầu chỉ được phép sử dụng chúng để tấn công các lực lượng quân sự Nga tại các vùng lãnh thổ Ukraine bị Nga kiểm soát.

Chỉ đến cuối năm 2024, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng một số đồng minh mới bắt đầu nới lỏng các giới hạn này, cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công mục tiêu quân sự Nga ở các vùng biên giới giáp Ukraine.

Phát ngôn của ông Merz ngày 26/5 gây ra một số hiểu nhầm về việc liệu đây có phải là chính sách mới được công bố hay không, dẫn đến cả những lời tán dương lẫn chỉ trích. 

Ông Ralf Stegner – chính trị gia thuộc đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đối tác liên minh của ông Merz – cho rằng tuyên bố này là “không hữu ích” và kêu gọi tăng cường các nỗ lực ngoại giao thay vì leo thang quân sự.

Ngược lại, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đức và cựu Chủ tịch đảng CDU – bà Annegret Kramp-Karrenbauer – lại ca ngợi lập trường của ông Merz.

Theo Kyiv Independent, phát biểu của Thủ tướng Merz ngày 26/5 tại Turku cho thấy ông thực chất đang đề cập đến quyết định được đưa ra vào cuối năm 2024, chứ không phải một chính sách mới.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Đức Lars Klingbeil (thuộc đảng Dân chủ Xã hội SPD) cũng phủ nhận việc Berlin thay đổi lập trường liên quan đến việc cho phép Ukraine dùng vũ khí Đức để tấn công lãnh thổ Nga.

Trước khi trở thành thủ tướng, ông Merz từng nhiều lần phát tín hiệu sẽ đảo ngược lệnh cấm do người tiền nhiệm Olaf Scholz ban hành liên quan đến việc chuyển giao tên lửa hành trình Taurus – loại vũ khí có khả năng tấn công các mục tiêu ở khoảng cách lên đến 500km. Tuy nhiên, kể từ khi nhậm chức, ông vẫn chưa xác nhận liệu có cung cấp loại vũ khí này cho Ukraine hay không.

Hãng TASS của Nga ngày 27/5 dẫn nhận định của Đặc phái viên Bộ Ngoại giao Nga Rodion Miroshnik về phát biểu của Thủ tướng Đức. Ông Miroshnik cho rằng tuyên bố của Thủ tướng Đức là một phần trong chiến dịch phối hợp giữa các nước châu Âu nhằm lôi kéo ông Trump quay lại ủng hộ Ukraine bằng viện trợ quân sự và tài chính.

Ông Miroshnik không giải thích thêm về nhận định của mình. Một số ý kiến cho rằng, điều ông Miroshnik ám chỉ là: bằng cách công khai tuyên bố phương Tây đã dỡ bỏ giới hạn tầm bắn, ông Merz muốn đẩy Mỹ vào thế phải hành động nếu không muốn bị xem là tụt lại phía sau, đồng thời hợp thức hóa việc Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga và buộc Washington phải chọn phe dứt khoát hơn trong cuộc xung đột.

Lời cảnh báo từ Berlin đánh dấu bước leo thang mới trong căng thẳng nội bộ Liên minh châu Âu (EU).

Theo Nguyễn Thái - RT ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Thời sự thế giới

Xem Thêm