Chia sẻ

Cựu thứ trưởng ra tòa trong vụ án khai thác lậu 736 tỷ đồng đất hiếm

Sự kiện: Thời sự
0:00
0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Hà Nội - Trong phiên tòa 10 ngày, cựu thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc bị xét xử với cáo buộc biết Công ty Thái Dương chưa đủ điều kiện vẫn cấp phép khai thác đất hiếm, gây thiệt hại 736 tỷ đồng.

Ngày 12/5, ông Nguyễn Linh Ngọc, 67 tuổi cùng 26 người bị TAND Hà Nội xét xử trong vụ án khai thác trái phép tài nguyên, liên quan Công ty Thái Dương.

Cựu thứ trưởng là một trong 12 người đang được tại ngoại. Trong vụ án, ông Ngọc cùng ông Nguyễn Văn Thuấn, 70 tuổi, cựu Tổng cục trưởng Địa chất và Khoáng sản và 5 cựu cán bộ của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Sở này tại Yên Bái bị VKSND Tối cao truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Cựu thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc đến phiên tòa sáng nay. Ảnh: Phạm Dự

Cựu thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc đến phiên tòa sáng nay. Ảnh: Phạm Dự

Ông Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Công ty Thái Dương, bị truy tố về 3 tội: Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Gây ô nhiễm môi trường.

19 người còn lại bị đề nghị truy tố về các tội danh khác nhau như: Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Gây ô nhiễm môi trường; Buôn lậu; Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Trong phần thủ tục sáng nay, ông Huấn khai báo có 3 tiền án năm 1980, 1989 và 1990 về các tội Xuất nhập cảnh trái phép, Đầu cơ và Buôn lậu, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Cựu thứ trưởng Ngọc và cựu vụ trưởng Hoàng Văn Khoa cho hay đều là tiến sĩ địa chất.

HĐXX triệu tập 60 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong đó có đại diện Bộ Tài nguyên Môi trường và Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Yên Bái, đại diện 5 công ty liên quan sai phạm.

Bị cáo Đặng Trần Chí, Giám đốc công ty Hợp Thành Phát có 6 luật sư tham gia trong giai đoạn điều tra song tại tòa từ chối cả 6 người do cảm thấy không cần thiết.

40 luật sư đăng ký bào chữa cho các bị cáo còn lại. Hai phiên dịch tiếng Trung được tòa triệu tập do có một bị cáo quốc tịch Trung Quốc

Trong nhóm sai phạm liên quan cựu thứ trưởng Ngọc, VKS xác định, Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản trong phạm vi cả nước, trong đó có trách nhiệm cấp, gia hạn, thu hồi Giấy phép khai thác khoáng.

Cựu thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc phụ trách lĩnh vực địa chất, khoáng sản và Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, là đơn vị tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và trình Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định việc cấp Giấy phép khai thác khoáng sản.

Bị cáo Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Công ty Thái Dương, bị áp giải rời xe thùng. Ảnh: Phạm Dự

Bị cáo Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Công ty Thái Dương, bị áp giải rời xe thùng. Ảnh: Phạm Dự

Tháng 5/2011, Tổng cục tiếp nhận hồ sơ của công ty Thái Dương, xin cấp phép khai thác đất hiếm tại mỏ Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái được ông Ngọc ký báo cáo, đánh giá hồ sơ "đã đủ điều kiện".

Ngày 1/7/2011, Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực, việc cấp phép khai thác khoáng sản trên phạm vi cả nước tạm dừng cho đến khi có chỉ đạo mới. Tại chỉ thị đầu năm 2012, Chính phủ cho phép tiếp tục thẩm định, cấp phép các hồ sơ trước ngày 1/7/2011.

Công ty Thái Dương lập Dự án đầu tư xây dựng tổ hợp chế biến sâu đất hiếm gồm: Nhà máy thủy luyện - chế biến ôxít đất hiếm tại Yên Bái và Nhà máy chiết tách -chế biến ô xít đất hiếm tại khu công nghiệp Đình Vũ, Hải Phòng.

Dự án được Bộ Công Thương thẩm định và có văn bản báo cáo, kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, cấp giấy phép khai thác.

Tháng 12/2012, dự án được Thủ tướng đồng ý chủ trương, với điều kiện: quặng đất hiếm phải chế biến sâu, không xuất khẩu quặng thô; không chuyển nhượng quyền khai thác cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Sau khi nhận được văn bản nêu trên, ông Ngọc chỉ đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản hoàn thiện hồ sơ cấp phép. Các cán bộ Tổng cục được giao nhiệm vụ thẩm định hồ sơ là bị cáo: cựu vụ trưởng Hoàng Văn Khoa, cựu tổng cục trưởng Nguyễn Văn Thuấn và cựu chuyên viên Lê Duy Phương.

Cựu Tổng cục trưởng Địa chất và Khoáng sản Nguyễn Văn Thuấn. Ảnh: Phạm Dự

Cựu Tổng cục trưởng Địa chất và Khoáng sản Nguyễn Văn Thuấn. Ảnh: Phạm Dự

VKS xác định, hồ sơ của Thái Dương chỉ có giấy chứng nhận đầu tư do tỉnh Yên Bái cấp, đã hết hạn; không có giấy chứng nhận đầu tư cho hai dự án: nhà máy thủy luyện Yên Bái và nhà máy chiết tách Hải Phòng.

Vốn chủ sở hữu của Thái Dương không đảm bảo tỷ lệ bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án. Họ chỉ có 200 tỷ đồng trên tổng mức đầu tư 1.953 tỷ đồng, là vi phạm Luật Khoáng sản.

Quá trình thẩm định, cựu thứ trưởng Ngọc và ba cán bộ Phương, Khoa và Thuấn bị cáo buộc sử dụng kết quả thẩm định cũ, không thẩm định lại hồ sơ, "biết hồ chưa đủ điều kiện nhưng cùng có ý kiến thống nhất" rằng hồ sơ của Thái Dương đã đủ điều kiện.

Xong việc, Vụ trưởng Thuấn được Chủ tịch Thái Dương tặng 500 triệu đồng dịp sinh nhật năm 2012, cáo trạng nêu.

Tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái, VKS xác định 3 bị cáo Hồ Đức Hợp, Giám đốc; Lê Công Tiến, Phó Giám đốc phụ trách lĩnh vực khoáng sản và Bùi Đoàn Như, Trưởng Phòng khoáng sản Sở Tài nguyên và Môi trường là những cá nhân có trách nhiệm chính trong công tác quản lý hoạt động khai thác đất hiếm tại mỏ Yên Phú.

Ba cán bộ trên bị cáo buộc biết công ty bắt đầu khai thác, tiêu thụ đất hiếm từ năm 2020; những sai phạm đều được thể hiện qua các báo cáo, kết quả kiểm tra, rà soát của Sở Tài nguyên và Môi trường. Nhưng ba bị cáo không kiến nghị xử lý.

Tháng 3/2021, khi công ty Thái Dương xin gia hạn giấy phép khai thác, Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái được giao trách nhiệm tham mưu, báo cáo việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản tại mỏ Yên Phú để xem xét việc gia hạn giấy phép.

Dù không kiểm tra, rà soát nhưng ba bị cáo vẫn nhận xét công ty đã chấp hành đúng pháp luật để tỉnh Yên Bái gửi văn bản tới Bộ Tài nguyên và Môi trường để gia hạn giấy phép cho công ty này.

Bị cáo Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đất hiếm Việt Nam. Ảnh: Phạm Dự

Bị cáo Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đất hiếm Việt Nam. Ảnh: Phạm Dự

Khai thác lậu 864 tỷ đồng quặng, xả lậu 350.000 tấn chất thải

Hậu quả từ sai phạm của 7 cựu cán bộ trên, Công ty Thái Dương được cấp Giấy phép khai thác đất hiếm tại mỏ từ tháng 6/2013 đến tháng 7/2028.

Theo luật, trước khi khai thác, Công ty Thái Dương phải nộp thiết kế mỏ được thẩm định, phê duyệt cho cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản theo quy định; khi khai thác quặng đất hiếm phải chế biến thành oxit đất hiếm riêng rẽ có độ sạch 99,9%, được cung cấp cho các ngành công nghiệp trong nước và xuất khẩu; quặng sắt được cung cấp cho các cơ sở luyện gang thép trong nước.

Song, sau khi được cấp phép, Chủ tịch Thái Dương đã chỉ đạo nhân viên khai thác quặng đất hiếm trái phép khi chưa đủ điều kiện. Cụ thể, không lập thiết kế mỏ theo quy định để nộp cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái. Đến thời điểm khởi tố vụ án, công ty này vẫn chưa lập.

Dù chưa được phép khai thác, Thái Dương vẫn khai thác trái phép và tiếp tục vi phạm các quy định của pháp luật: không thông báo ngày bắt đầu khai thác mỏ; không lắp Trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác, chưa lắp đặt camera giám sát để theo dõi lượng quặng; khai thác dù không được thuê, sử dụng đất; không thực hiện đầy đủ nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Theo dự án được Bộ Công Thương thẩm định năm 2013, công ty của ông Huấn sẽ hợp tác với đối tác Nhật Bản để xây dựng nhà máy chế biến sâu đất hiếm. Song sau khi được cấp Giấy phép, ông Huấn bị cáo buộc đã không hợp tác với các công ty nêu trên mà hợp tác với Lưu Vũ, quốc tịch Trung Quốc để xây dựng nhà máy thủy luyện, không đảm bảo điều kiện chế biến sâu nên chỉ sơ chế quặng đất hiếm tạo ra sản phẩm là tổng oxit đất hiếm có độ sạch 18-20% trong khi giấy phép yêu cầu độ sạch tới 99,9%.

Công ty cũng bị cáo buộc xuất bán tinh quặng sắt sang Trung Quốc, trong khi quy định phải bán cho các cơ sở luyện gang thép trong nước.

Năm 2019-2023, ông Huấn bị cáo buộc tổ chức cho Thái Dương khai thác trái phép quặng đất hiếm và quặng sắt trị giá hơn 864 tỷ đồng, đã bán 736 tỷ đồng và còn tồn 128 tỷ đồng tại mỏ.

Ngoài ra, công ty Thái Dương còn bị cáo buộc gian lận kế toán, bán "chui" khoáng sản cho hai công ty: Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam và Công ty TNHH thương mại vận tải Hợp Thành Phát. Hai công ty này sau đó tiếp tục bán "chui" cho công ty khác hoặc gian lận sổ sách kế toán, mua khống hóa đơn để hợp thức hóa số đất hiếm mua từ Thái Dương.

Chủ tịch công ty Thái Dương cũng bị cáo buộc buôn lậu cho một người Trung Quốc số quặng đất hiếm trị giá gần 8 tỷ đồng.

Trong tội Gây ô nhiễm môi trường, ông Huấn bị cáo buộc đã chỉ đạo nhân viên xả trái phép hơn 350.000 tấn chất thải ra môi trường, trong đó thải thạch cao 2.425 tấn và bùn thải quặng 348.770 tấn.

Hiện ông Huấn bị kê biên 3 thửa đất tại yên Bái, hai thửa đất tại Hà Nội và 3,5 triệu cổ phần công ty Thái Dương trị giá 350 tỷ đồng; bị thu 14 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất liên quan công ty này.

Tổng tiền các bị cáo đã nộp khắc phục hậu quả theo cáo trạng là hơn 20 tỷ đồng.

Đất hiếm là khoáng sản quan trọng trong sản xuất thiết bị công nghệ cao như smartphone, pin xe điện... Theo công bố năm 2022 của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, Trung Quốc có trữ lượng đất hiếm lớn nhất với 44 triệu tấn; kế đến là Việt Nam (22 triệu), Brazil và Nga cùng 21 triệu tấn.

Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam tính toán, thị trường đất hiếm toàn cầu có giá trị khoảng 10 tỷ USD, thị trường cho các sản phẩm sử dụng đất hiếm hơn 1.000 tỷ USD.

Hà Nội - Sau bản án 4 năm tù tại vụ án Xuyên Việt Oil, ông Nguyễn Lộc An, cựu vụ phó Bộ Công Thương, sẽ tiếp tục bị xét...

Theo Thanh Lam - Phạm Dự ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Thời sự

Xem Thêm