Những nguyên nhân chính khiến drone mất kiểm soát, rơi rụng khi bay trình diễn
Khác với bay đơn lẻ, các màn trình diễn drone (máy bay không người lái) với số lượng lớn luôn gặp rủi ro sự cố như bay lệch hướng, va chạm hoặc rơi rụng khiến chương trình phải tạm dừng giữa chừng.
Các màn trình diễn drone ánh sáng, sử dụng hàng loạt máy bay không người lái được lập trình sẵn để tạo hình ảnh 3D sống động trên bầu trời, đã trở thành điểm nhấn ấn tượng tại nhiều sự kiện ở Việt Nam trong những năm gần đây. Trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), màn trình diễn với hơn 10.500 drone dự kiến diễn ra trong tối nay (1/5) là một trong những sự kiện được người dân háo hức mong chờ nhất. Đây cũng là sự kiện trình diễn đạt kỷ lục nhất về số lượng drone được huy động. Tuy nhiên, sáng nay, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM đã ra thông báo ngừng buổi trình diễn này vì lý do kỹ thuật. Cụ thể, cơ quan này cho biết do nhiễu sóng trên diện rộng, có khả năng mất an toàn bay nên đơn vị tổ chức đã quyết định ngừng bay, thu hồi drone để đảm bảo an toàn.
Trước đó, tối qua, 30/4, sau màn bắn pháo hoa chào mừng lễ kỷ niệm, người dân bất ngờ khi được chiêm ngưỡng màn trình diễn drone trên bầu trời TPHCM. Tuy nhiên, chỉ sau đó ít phút, số lượng lớn drone mất kiểm soát và rơi rụng. Buổi biểu diễn kết thúc nhanh chóng.
Video cảnh drone bị rơi rụng tối 30/4 tại TPHCM
Có thể nói, khác với bay đơn lẻ, các màn trình diễn drone với số lượng lớn lên tới hàng nghìn chiếc như sự kiện trên luôn tiềm ẩn những rủi ro gặp sự cố như drone bay lệch hướng, va chạm hoặc rơi rụng giữa chừng. Do công nghệ này mới xuất hiện tại Việt Nam trong khoảng 1 - 2 năm trở lại đây, nên các sự cố kỹ thuật vẫn là thách thức lớn đối với đơn vị tổ chức.
Drone tạo hình Trống đồng trên bầu trời TPHCM bị rơi mất kiểm soát được ghi nhận tối 30.4
Trao đổi với VietNamNet, anh Đỗ Quốc Việt - Thành viên sáng lập công ty Viet-Flycam cho biết, việc drone mất kiểm soát khi đang bay trình diễn, đặc biệt là trong các màn trình diễn ánh sáng với số lượng lớn drone, có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân phức tạp.
Trong đó, nguyên nhân hàng đầu chính là nhiễu sóng vô tuyến. Anh Việt giải thích, tại các sự kiện lớn thường tồn tại một môi trường sóng vô tuyến phức tạp với nhiều loại tần số khác nhau, bao gồm cả những sóng đã đăng ký và chưa đăng ký với Cục Tần số vô tuyến điện, thậm chí có thể còn có cả các thiết bị phá sóng.
Theo anh Việt, drone phổ thông hoạt động dựa trên hai loại sóng chính. Thứ nhất là sóng radio, ở dải tần số 2.4GHz hoặc 5.8GHz, thường là tín hiệu điều khiển máy bay, truyền thông tin về hình ảnh, tình trạng vận hành của máy bay. Thứ hai là sóng GPS để xác định vị trí bay. Nhưng drone trình diễn còn sử dụng thêm một loại tín hiệu nữa gọi là RTK GPS.
RTK GPS là viết tắt của Real-Time Kinematics, là công nghệ tăng độ chính xác vị trí với sai số trong khoảng từ 1-2cm thay vì lệch tới 2-4m như với tín hiệu GPS truyền thống. Tuy nhiên, việc bắt sóng hoặc tần số GPS của drone lại chịu ảnh hưởng bởi nhiều thứ, chẳng hạn như các thiết bị súng hạ drone của lực lượng vũ trang, tín hiệu sóng phục vụ việc đồng bộ âm thanh giữa các khu vực tại nhạc hội.
Các nguồn phát sóng mạnh khác trong khu vực tổ chức sự kiện như Wi-Fi, tháp di động, thiết bị Bluetooth, đài phát thanh/truyền hình... cũng có thể khiến các thiết bị drone bị hiện tượng "mất GPS tạm thời".
Bên cạnh đó, hiện tượng mất GPS tạm thời còn phụ thuộc vào độ cao, có những drone bay cao hẳn lại không bị GPS nhưng lại mất sóng ở độ cao thấp hơn và ngược lại. Đối với một số thiết bị drone có người điều khiển, hiện tượng mất GPS tạm thời có thể khắc phục trong một vài phút bằng phương pháp điều khiển thủ công.
Còn với drone trình diễn, chúng phụ thuộc rất nhiều vào tín hiệu RTK GPS để giữ vị trí trong đội hình bay. Khi mất GPS, điều đó đồng nghĩa với mất khả năng tự định vị và duy trì khoảng cách an toàn, dẫn đến hiện tượng các drone bay loạn xạ, mất kiểm soát mà nhiều người hay gọi là hiện tượng "flyaway", vị chuyên gia giải thích.
Ngoài yếu tố mất nhiễu sóng tín hiệu kể trên, gió mạnh cũng là một nguyên nhân đáng kể. Drone khá nhạy cảm với gió, việc mất cân bằng do gió có thể dẫn đến va chạm giữa các drone, làm chúng không thể giữ đúng vị trí trong đội hình.
Các sai sót trong việc lập trình đường bay, thời gian biểu diễn, hoặc lỗi đồng bộ hóa giữa các drone và trạm điều khiển mặt đất cũng có thể gây mất kiểm soát. Tuy nhiên, theo anh Việt, tỉ lệ xảy ra các lỗi này thường hiếm hơn.
Anh Việt cho rằng, các sự cố mất kiểm soát hàng loạt thường là kết quả của sự kết hợp nhiều yếu tố. Tuy nhiên, nhiễu sóng vô tuyến và các vấn đề liên quan đến việc duy trì tín hiệu GPS/RTK ổn định, chính xác thường là những "nghi phạm" chính cần được xem xét và điều tra đầu tiên khi sự cố xảy ra.
BTC sự kiện đang kêu gọi người dân nhặt được drone mang trả lại cho đơn vị tổ chức.
Được biết, theo chương trình dự kiến, TPHCM sẽ trình diễn 10.500 drone tại hai bên bờ sông Sài Gòn thuộc quận 1 và TP Thủ Đức. Ban tổ chức sẽ lập hồ sơ đề xuất xác lập kỷ lục Việt Nam về số lượng drone được bay nhiều nhất cùng thời điểm. Tối 28/4, buổi tổng duyệt trình diễn 10.500 drone để lại nhiều cảm xúc cho người xem. Các đội hình drone đã tái hiện nhiều hình ảnh lịch sử như xe tăng số hiệu 390 lao vào cổng chính tiến vào dinh Độc Lập, tạo hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các hình ảnh Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tạo hình ảnh trống đồng Việt Nam, cặp chim hạc cùng dòng chữ "Việt Nam - Kỷ nguyên vươn mình", tạo hình hoa sen, chim bồ câu và một số công trình tiêu biểu của TPHCM.
Trong buổi trình diễn tối 30-4, do nhiễu sóng diện rộng, để bảo đảm an toàn bay, đơn vị tổ chức quyết định dừng bay và...