Chia sẻ

Quốc hội thảo luận rút ngắn 3 tháng nhiệm kỳ khóa 15, bầu cử sớm

Sự kiện: Thời sự
0:00
0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15 bước sang tuần làm việc thứ hai. Hôm nay, các đại biểu nghe tờ trình và thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

Theo tờ trình, Ủy ban Công tác đại biểu đề nghị sửa đổi các quy định liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp.

Dự thảo luật lược bỏ toàn bộ các quy định về HĐND cấp huyện, đại biểu HĐND cấp huyện, UBND cấp huyện, các tổ chức phụ trách bầu cử cấp huyện, đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện...

Để tăng quyền chủ động phân cấp trách nhiệm cho các địa phương, dự thảo đề xuất quy định UBND cấp xã quyết định việc thành lập khu vực bỏ phiếu mà không cần cấp trên phê chuẩn.

Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, số lượng đầu mối cấp xã tăng đáng kể, việc yêu cầu cấp tỉnh phê chuẩn sẽ làm tăng thủ tục hành chính và khối lượng công việc.

Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 9. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 9. Ảnh: Quốc hội

Luật hiện hành quy định các hội nghị hiệp thương ở tỉnh, thành có thành phần đại diện Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện. Dự thảo luật đề xuất ở các hội nghị này sẽ có thành phần đại diện Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã trực thuộc tham dự.

Liên quan đến việc điều chỉnh giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử, dự thảo luật dự kiến quy định từ thời điểm cuối cùng nộp hồ sơ ứng cử đến ngày diễn ra bầu cử là 42 ngày (hiện nay là 70 ngày).

Với khoảng thời gian kể từ sau ngày bầu cử đến ngày khai mạc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa 16/HĐND nhiệm kỳ 2026-2031, dự thảo luật điều chỉnh thời hạn công bố kết quả bầu cử, danh sách trúng cử đại biểu Quốc hội chậm nhất 10 ngày sau bầu cử (luật hiện hành quy định 20 ngày).

Điều chỉnh thời gian tiếp nhận khiếu nại về kết quả bầu cử chậm nhất 3 ngày sau ngày công bố kết quả bầu cử và điều chỉnh thời gian xem xét giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử chậm nhất là 7 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại.

Điều chỉnh thời gian tiến hành bầu cử thêm, bầu cử lại chậm nhất là 7 ngày sau ngày bầu cử.

Như vậy, sau khi thực hiện đủ các bước nêu trên, Ủy ban Công tác đại biểu cho biết thời gian khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa 16 sớm nhất có thể là 22 ngày sau ngày bầu cử.

Với các quy định mới, khoảng cách thời gian ngắn nhất từ hạn cuối nộp hồ sơ ứng cử đến ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội, HĐND khóa mới dự kiến rút ngắn khoảng gần 40 ngày.

Bàn nội dung rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15

Hôm nay, Quốc hội sẽ bàn việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 và HĐND nhiệm kỳ 2021-2026; tờ trình về ngày bầu cử toàn quốc đối với bầu cử đại biểu Quốc hội khoá 16 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.

Đại hội Đảng thường kết thúc vào tháng 1, sau đó công tác bầu cử được tiến hành vào cuối tháng 5. Theo thông lệ sẽ có 4 tháng tiến hành các công việc liên quan để bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và kiện toàn nhân sự cấp cao của Nhà nước.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy cho biết, thời gian 4 tháng là khá dài. Ủy ban Thường vụ xem xét và nhất trí báo cáo Quốc hội việc rút ngắn khoảng 3 tháng nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 và nhiệm kỳ HĐND các cấp, để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND khóa tới tiến hành sau khi kết thúc Đại hội Đảng.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, dự kiến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 16 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 là Chủ nhật 15/3/2026. Ngày 6/4/2026 họp phiên họp thứ nhất của Quốc hội.

Trong tuần này, Quốc hội sẽ thảo luận tiếp về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp; dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức; Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng...

Sáng 5/5, Quốc hội khóa 15 khai mạc kỳ họp thứ 9, bắt đầu quy trình sửa đổi Hiến pháp 2013, tinh gọn bộ máy nhà nước và...

Theo Trần Thường ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Thời sự

Xem Thêm