Tổng Bí thư Tô Lâm: Đấu thầu, chỉ quy trình thôi đã gần hết cả năm
Phát biểu tại phiên họp tổ của Quốc hội về dự án “1 luật sửa 7 luật” liên quan đến đầu tư, đấu thầu, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra hàng loạt bất cập do công tác đầu thầu gây ra.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, chiều 17-5, các đại biểu Quốc hội tiến hành phiên thảo luận tại tổ, cho ý kiến về các dự án “1 luật sửa 7 luật” liên quan đến công tác đầu tư, đấu thầu.
Cụ thể là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
'Tội ông đấu thầu nặng lắm'
Phát biểu tại phiên thảo luận ở đoàn Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh quan điểm đổi mới căn bản tư duy về xây dựng pháp luật, chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ, từ bị động sang chủ động, kiến tạo và phát triển. Xây dựng pháp luật phải đi trước một bước, đảm bảo tính dự báo cao, phù hợp với thực tiễn và phục vụ cho sự phát triển.
Đồng thời, thi hành pháp luật phải nghiêm minh, công bằng và thực chất, gắn liền với công khai, minh bạch, tạo thuận tiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp và cho toàn xã hội. Luật pháp không phục vụ cho một nhóm lợi ích nào mà phải phục vụ cho mọi người dân, mọi đối tượng.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 17-5. Ảnh: PHẠM THẮNG
Liên quan đến các vấn đề về ngân sách, đầu tư công, đấu thầu, Tổng Bí thư cho rằng trên thực tế vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc, cần phải tháo gỡ.
“Nhiều năm rồi có tiền mà không tiêu được. Nhu cầu phát triển rất lớn, phải đi vay vốn nước ngoài nhưng có tiền lại không tiêu được. Tại sao? Tại quy định, hay tại đấu thầu? Đấu thầu, chỉ quy trình thôi đã gần hết năm rồi, thế thì làm gì còn thời gian?” - Tổng Bí thư Tô Lâm nêu vấn đề.
Theo Tổng Bí thư, đối với lĩnh vực đầu tư công, trong quý đầu tiên của năm, bao giờ cũng thấp nhất vì vướng mắc thủ tục. “Muốn sửa Luật Đấu thầu, bây giờ phải tổng kết lại, xem tội của ông đấu thầu ra sao? Tội nặng lắm. Tội chậm tiến độ phát triển, chậm công trình, chất lượng kém đi, tội hư hỏng, mất cán bộ, mà lại không tiết kiệm được. Vậy mục tiêu đấu thầu để làm cái gì?
Đấu thầu là để đẩy tốc độ được nhanh nhất, hiệu quả nhất, để có được những công trình tốt nhất, nếu không đáp ứng được yêu cầu này thì tội của ông đấu thầu nặng quá” - Tổng Bí thư lưu ý khi sửa luật phải khắc phục được những bất cập này.
Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh: PHẠM THẮNG
Chia sẻ khi làm việc với Bộ Y tế, Tổng Bí thư nói với việc đấu thầu như hiện nay, sẽ không có điều kiện để tiếp cận được những tiến bộ của thế giới. Máy móc tiến bộ nhất, công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới, người Việt Nam có được tiếp cận không?
“Nếu cứ như thế này thì không bao giờ tiếp cận được, thuốc tốt không có. Đây là tội của ai? Tội của các quy định, tội của việc thực thi những quy định” - Tổng Bí thư bày tỏ.
Theo Tổng Bí thư, với các dự án thuộc loại hình hợp tác công - tư hay hợp tác công – công hiện nay cũng gặp khó khăn tương tự. Dự án do ngân sách nhà nước chi, địa phương muốn góp tiền vào để làm cho nhanh nhưng cũng không được làm. Thậm chí địa phương này, địa phương kia cũng không phối hợp được với nhau.
Tổng Bí thư cho rằng có rất nhiều vấn đề bức xúc, dự án không thể đẩy nhanh được, đấu thầu không chọn được những đơn vị tốt, đơn vị giỏi. Đấu thầu xong lại bán thầu, dẫn đến dự án kém chất lượng.
“Đấu thầu để ngăn chặn tiêu cực nhưng thực chất có ngăn chặn được không, hay lại thông thầu hết rồi?” - Tổng Bí thư nói đồng thời nhấn mạnh phải làm sao khắc phục được bất cập, tháo gỡ vướng mắc để huy động, khơi thông được nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Không thể để người dân gửi tiền hợp pháp mà mất trắng
Cũng tại phiên thảo luận tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm dành thời gian cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng – dự luật sẽ được Quốc hội xem xét, thảo luận trong tuần tới.
Tổng Bí thư chỉ rõ thời gian qua đã xử lý rất nhiều vụ việc liên quan đến các tổ chức ngân hàng, tín dụng nhưng vẫn chưa đến nơi đến chốn, một phần do lo ngại ảnh hưởng đến hệ thống an ninh tiền tệ, yếu tố hết sức quan trọng. Tuy nhiên, nếu không xử lý rốt ráo sẽ dẫn tới tình trạng “người dân mất niềm tin vào hệ thống tín dụng, không vay hoặc không cho vay thì đều dẫn tới khó khăn cả”.
Quang cảnh phiên thảo luận tổ chiều 17-5 tại đoàn TP Hà Nội. Ảnh: PHẠM THẮNG
Theo Tổng Bí thư, hiện có những đối tượng phạm tội lợi dụng cơ chế ngân hàng để vay tiền của dân, sau đó rút về doanh nghiệp của mình, tiêu xài bừa bãi dẫn đến mất vốn. Trong khi đó, Nhà nước không thể đứng ra xử lý, càng không thể dùng ngân sách để đền bù.
“Nhưng họ lại bảo đã đi tù, đã tử hình rồi… Thế thì tiền của dân ai phải xử lý?” - Tổng Bí thư nêu thực tế và cho rằng không thể để tình trạng này xảy ra. Vì người dân mang tiền đi gửi tiết kiệm, gián tiếp đóng góp phần sức mình vào sự phát triển chung nhưng khi ngân hàng vi phạm, chủ sở hữu bỏ trốn ra nước ngoài, bị xử lý hình sự thì coi như xong. Trong khi đó, tiền trong ngân hàng thống kê lại không đủ để trả dân.
“Tiền của nhân dân là tiền hợp pháp, tiết kiệm từ đồng lương, tích luỹ cả đời để gửi vào ngân hàng, một tổ chức được nhà nước cấp phép. Vậy giờ xử lý như thế nào? Phá sản được không? Nếu phá sản có ảnh hưởng đến hệ thống tín dụng khác không? Tất cả phải được tính toán kỹ lưỡng” - Tổng Bí thư nêu quan điểm và nhìn nhận vấn đề cốt lõi là cách thức quản lý phải đảm bảo không để xảy ra các vi phạm tương tự.
Ông khẳng định tổ chức tín dụng phải thực sự phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, thực sự huy động được nguồn lực của xã hội.
Tổng Bí thư cảnh báo nếu người dân không tin vào hệ thống tín dụng, họ sẽ cất tiền ở nhà. Khi đó, tín dụng chính thống không phục vụ được cho sản xuất kinh doanh, tiếp cận vốn rất khó. Doanh nghiệp cũng không vay được vì thủ tục rườm rà, điều kiện khắt khe. Chính điều này tạo cơ hội cho tín dụng đen hoành hành, dẫn tới những bất ổn trong xã hội.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu trong phiên thảo luận tổ chiều 17-5 tại đoàn TP Hà Nội. Ảnh: PHẠM THẮNG
Vì vậy, Tổng Bí thư lưu ý cần làm sao để hệ thống tín dụng của ta phải lành mạnh, thực sự huy động được vốn từ trong dân, thực sự phục vụ cho doanh nghiệp, đưa vào sản xuất, kinh doanh. "Đó phải là mục tiêu hàng đầu” - ông nhấn mạnh.
Một nội dung khác được Tổng Bí thư nhấn mạnh là là bảo đảm quyền lợi của người dân. Ông cho rằng Nhà nước ban hành luật pháp, thiết lập thể chế nhưng phải đặt quyền lợi của người dân lên trên hết. Người dân gửi tiền tiết kiệm hợp pháp vào tổ chức tín dụng được cấp phép, có điều lệ hoạt động do Nhà nước phê duyệt, được giám sát.
“Không thể để cho nó đổ vỡ. Dân thấy lãi cao thì rút ngân hàng này gửi ngân hàng kia. Những ông sắp đổ vỡ thì càng huy động mạnh. Dân sao biết được? Nhà nước phải kiểm soát để đảm bảo quyền lợi cho dân” - Tổng Bí thư nói và cho rằng người dân chấp hành đúng quy định, gửi tiền hợp pháp, không thể khi ngân hàng đổ vỡ lại không có trách nhiệm với dân.
“Không thể chấp nhận điều đó. Dù làm cách gì cũng phải đảm bảo quyền lợi người dân. Có niềm tin thì người ta mới gửi tiền vào ngân hàng. Mà tiền càng vào ngân hàng thì càng tăng thêm sức mạnh của quốc gia".
Tổng Bí thư chỉ rõ nếu sản xuất lành mạnh, sẽ tạo thành vòng tuần hoàn lành tính, lãi suất sẽ hạ. Tuy nhiên, hiện chúng ta lại chưa làm được điều này dẫn đến bất cập là tiền trong dân còn nhiều, trong khi doanh nghiệp tiếp cận vốn lại khó.
“Do vậy, Luật Các tổ chức tín dụng phải giải quyết cho được những bất cập, nghịch lý nêu trên. Đây là vấn đề rất cấp bách” - Tổng Bí thư kết luận.
Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Đảng ủy Chính phủ tập trung thực hiện phân cấp triệt để, quyết liệt, khẩn trương, sao cho địa...