Những cú lừa tiền tỷ trên Telegram: Khi 'gái gọi' và 'đầu tư tài chính' là cái bẫy
Thời đại công nghệ số phát triển, các nền tảng nhắn tin như Telegram đang trở thành công cụ phổ biến không chỉ để giao tiếp mà còn bị lợi dụng cho các chiêu trò lừa đảo tinh vi.
Thời gian gần đây, nhiều người dùng tại Việt Nam đã trở thành nạn nhân của các đường dây lừa đảo hoạt động trên Telegram. Có người mất hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng vì nhẹ dạ cả tin và thiếu cảnh giác.
Một trong những hình thức lừa đảo phổ biến nhất là giả mạo các nhóm "đầu tư tài chính". Các đối tượng lừa đảo thường gửi lời mời kết bạn, sau đó mời tham gia nhóm kín đầu tư tiền điện tử hoặc chứng khoán, hứa hẹn lợi nhuận "khủng" trong thời gian ngắn.
Nạn nhân được hướng dẫn nạp tiền vào các ví điện tử hoặc sàn giao dịch không rõ nguồn gốc, với lời hứa sẽ được chia lợi nhuận. Tuy nhiên, sau khi số tiền được chuyển đi, người đầu tư không thể liên hệ lại với "chuyên gia tài chính" hoặc không thể rút tiền, dẫn đến mất trắng.
Bà T.T.H. (ở Quảng Ninh) là một ví dụ khi bị lừa hơn 600 triệu đồng trong một nhóm đầu tư tiền ảo trên Telegram mà không hề hay biết mình đang bị thao túng.
Các đối tượng còn sử dụng chiêu trò gửi đường link giả mạo, dụ người dùng đăng nhập vào website có giao diện giống hệt Telegram. Khi người dùng nhập thông tin đăng nhập, lập tức tài khoản bị chiếm quyền kiểm soát. Một phụ nữ khác ở Quảng Ninh cũng đã bị chiếm đoạt tới 2 tỷ đồng chỉ sau một cú nhấp chuột vào đường link lạ mà không kiểm tra tính xác thực.
Ảnh minh họa. Ảnh: Mạng xã hội
Một hình thức lừa đảo khác cũng đang bùng phát mạnh mẽ là mạo danh dịch vụ tuyển dụng hoặc giao việc làm online. Nạn nhân được hướng dẫn thực hiện các "nhiệm vụ nhỏ" như đánh giá sản phẩm, tương tác trên mạng xã hội... để nhận tiền công. Ban đầu, họ được trả thưởng để tạo lòng tin, nhưng sau đó sẽ bị yêu cầu chuyển tiền để "nâng cấp tài khoản" hoặc "đảm bảo thu nhập cao hơn". Anh N.V.H. (ở Hà Nội) đã bị lừa gần 100 triệu đồng sau khi tham gia làm "nhiệm vụ" trong một nhóm trên Telegram.
Đáng chú ý, gần đây, Công an TP Nam Định (tỉnh Nam Định) đã triệt phá một đường dây lừa đảo qua Telegram liên quan đến dịch vụ "gái gọi". Hai đối tượng Nguyễn Văn Anh (28 tuổi) và Nguyễn Xuân Hà (33 tuổi) lập hơn 50 nhóm chat có tên gọi gợi cảm trên Telegram, sử dụng hình ảnh gái đẹp được tải từ mạng xã hội để làm "mồi nhử".
Sau khi dụ được khách là nam giới nhẹ dạ, các đối tượng yêu cầu chuyển tiền đặt cọc, bao gồm nhiều loại phí như "đặt lịch", "tiền taxi", "tiền cam kết không bùng dịch vụ"… Mỗi lần, nạn nhân có thể mất từ vài trăm ngàn đến hàng chục triệu đồng. Sau khi nhận được tiền, chúng lập tức chặn liên lạc, xóa toàn bộ tin nhắn, khiến người bị hại không thể khiếu nại. Theo cơ quan công an, nhóm này đã lừa được hàng trăm người và chiếm đoạt số tiền lên tới hàng tỷ đồng.
Gần đây nhất, Công an phường Hà Cầu (Hà Đông, Hà Nội) tiếp nhận đơn trình báo của anh M. (SN 1995, trú tại Hà Cầu) về việc bị lừa mất số tiền lớn. Cụ thể, khi lên Telegram tìm "gái gọi", anh M. bị một đối tượng dụ dỗ nạp tiền vào để làm "thẻ VIP" cho các dịch vụ "vui vẻ". Do mất cảnh giác, anh M. đã nhiều lần nạp tiền theo hướng dẫn của đối tượng mà không thể rút ra được. Đến khi số tiền lên tới 3,5 tỷ đồng, anh M. mới nhận ra bị lừa và trình báo công an.
Một mánh khóe tinh vi hơn là việc các đối tượng giả mạo cơ quan chức năng hoặc nhóm "chống lừa đảo". Sau khi nạn nhân bị lừa, một tài khoản khác sẽ nhắn tin với nội dung như: "Chúng tôi có thể giúp bạn lấy lại tiền", yêu cầu cung cấp thêm thông tin cá nhân và nộp một khoản phí "xử lý hồ sơ". Đây thực chất chỉ là một bước tiếp theo trong chuỗi lừa đảo, khiến nạn nhân "mất thêm" sau khi đã "mất trước".
Hai đối tượng Hà và An bị bắt vì hành vi lừa đảo bằng trò môi giới mại dâm trên Telegram. Ảnh: Công an Nam Định
Trước thực trạng đáng báo động này, các chuyên gia an ninh mạng đưa ra lời khuyên: Người dùng cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không chuyển tiền cho bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào chưa được xác minh rõ ràng. Tuyệt đối không truy cập các đường link lạ gửi qua Telegram, không cung cấp thông tin cá nhân hay đăng nhập vào các trang web không chính thống. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường, nên nhanh chóng báo cơ quan chức năng để được hỗ trợ.
Telegram, với tính năng mã hóa mạnh mẽ và không yêu cầu xác minh danh tính chặt chẽ, đang là "mảnh đất" thuận lợi cho tội phạm mạng ẩn náu. Sự tiện lợi của công nghệ nếu không đi kèm với ý thức cảnh giác rất dễ trở thành cái bẫy khiến người dùng phải trả giá đắt.
Do vậy, người dùng cần thận trọng khi tham gia các nhóm trên Telegram, đặc biệt là những nhóm liên quan đến tài chính, việc làm hay dịch vụ nhạy cảm. Mỗi cú nhấp chuột, mỗi lần chuyển tiền nếu không suy nghĩ kỹ đều có thể trở thành một cái bẫy khiến bạn trắng tay.
Đây là đường dây mua bán trái phép chất ma túy từ Campuchia về Việt Nam do Lê Anh Duy cầm đầu, chỉ đạo và điều hành.