Mẹ vợ chăm con rể thực vật 9 năm, ngày tỉnh lại anh nói 4 từ khiến bà bật khóc
Chỉ 4 từ thôi nhưng đủ khiến bà Nhâm xúc động bật khóc. 9 năm nhọc nhằn, tủi hờn, hy vọng dồn hết vào khoảnh khắc ấy.
Anh Cao Thiên Quân và vợ là Dương Bình Bình sống ở một làng quê yên bình tại huyện Lộc Ấp (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc). Anh Thiên Quân làm việc ở công trường, chăm chỉ và trách nhiệm, là trụ cột chính của gia đình. Còn chị Bình Bình chu toàn việc nhà, nuôi nấng 2 con nhỏ, giữ cho tổ ấm luôn đầy ắp tiếng cười.
Cuộc sống êm đềm cứ thế trôi qua, cho đến ngày hôm đó, anh Thiên Quân đang làm việc tại công trường thì bị một chiếc búa sắt bất ngờ rơi xuống, đập mạnh vào đầu. Anh ngã gục tại chỗ, máu chảy loang đỏ cả vùng đầu.
Chị Dương Bình Bình.
Chồng rơi vào cảnh nguy kịch, chị Bình Bình gọi điện về quê nhà báo tin dữ. Qua điện thoại, chị khóc nấc lên: “Mẹ ơi, anh ấy đang cấp cứu…”. Tin này khiến mẹ chị là bà Nhâm Tăng Cầm chết lặng, tay run đến mức suýt đánh rơi điện thoại.
Cả nhà ôm hy vọng mong manh. Nhưng rồi, bác sĩ tuyên bố Thiên Quân trở thành người thực vật, khả năng tỉnh lại gần như bằng không. Chị Bình Bình tuyệt vọng đến kiệt sức, mẹ chị tuy đau lòng nhưng vẫn cố an ủi con gái: “Đừng sợ con ạ, mình cùng chờ. Rồi nó sẽ tỉnh lại thôi”.
Một tháng sau, Thiên Quân được đưa về bệnh viện huyện. Nhìn con rể từng mạnh khỏe giờ nằm bất động, da trắng bệch, bà Nhâm không cầm nổi nước mắt. Sau đó, bà đưa ra quyết định không ai ngờ: “Để mẹ chăm nó”.
Gia đình thống nhất phân chia công việc, bà Nhâm ở viện chăm con rể, chồng bà ở nhà làm nông kiếm tiền, con gái đi làm thuê lấy tiền thuốc men, hai cháu nhỏ gửi ông bà nội chăm sóc.
Vợ chồng chị Bình Bình.
Những ngày chăm sóc người thực vật là chuỗi thời gian vất vả ngoài sức tưởng tượng. Mỗi ngày, bà Nhâm dậy từ sớm, chuẩn bị đồ ăn xay nhuyễn, đút từng thìa nhỏ cho con rể, một bữa kéo dài cả tiếng đồng hồ. Đều đặn 4 lần mỗi ngày, không sót bữa nào.
Bà còn xoa bóp, lật người cho anh để tránh lở loét, mỗi lần xoay người đều phải dùng hết sức vì Thiên Quân vóc người cao lớn. Có hôm mỏi đến mức lưng đau như muốn gãy.
Việc vệ sinh càng khó khăn hơn. Để tiết kiệm, bà tự may hàng chục miếng lót vải, thay liên tục mỗi ngày. Khi con rể bị táo bón, bà không ngại dùng tay để xử lý. Với bà, anh không còn là con rể nữa, mà là một đứa con trai thực sự.
9 năm trời trôi qua trong lặng lẽ. Bà Nhâm vẫn thủ thỉ bên giường, kể cho anh con rể chuyện gia đình, bật những đoạn hát kịch mà anh từng thích.
Mái tóc bà bạc đi theo năm tháng, đôi tay nhăn nheo, nhưng ánh mắt bà vẫn luôn đầy hy vọng. Mỗi ngày, bà đều nói với anh: “Con phải tỉnh lại nhé, nhà mình không thể thiếu con đâu…”
Và rồi điều kỳ diệu đã xảy ra.
Mẹ vợ chăm con rể thực vật.
Một buổi sáng mùa xuân, khi đang đút cơm như thường lệ, bà bỗng thấy lông mi con rể khẽ động. Bà dụi mắt nhìn kỹ lại, và đúng là anh đang cử động nhẹ. Bà hét lên gọi con gái: “Bình Bình ơi, lông mi của Thiên Quân động rồi!”. Cô con gái lao vào phòng, hai mẹ con ôm nhau bật khóc nức nở, run run gọi tên anh, như thể muốn dùng tiếng gọi đánh thức anh.
Bác sĩ đến, nhìn cảnh tượng trước mắt mà thốt lên: “Đây là một kỳ tích y học!”
Từ đó, với sự chăm sóc tận tình của gia đình, Thiên Quân dần dần hồi phục nhận thức. Không lâu sau, anh mở mắt, nhìn mẹ vợ và nói câu đầu tiên: “Mẹ, cảm ơn mẹ…”
Chỉ 4 từ thôi nhưng đủ khiến bà Nhâm xúc động bật khóc. 9 năm nhọc nhằn, tủi hờn, hy vọng dồn hết vào khoảnh khắc ấy. Bà ôm chầm lấy con rể, nghẹn ngào không thành tiếng: “Con tỉnh lại là mẹ mãn nguyện lắm rồi…”
Đây không phải câu chuyện cổ tích. Đó là một điều kỳ diệu được tạo nên từ tình yêu thương và lòng kiên định. Bà Nhâm Tăng Cầm đã dùng suốt 9 năm cuộc đời để chăm con rể, cho mọi người thấy rằng tình thân không chỉ đến từ máu mủ, mà đến từ trái tim không bao giờ bỏ cuộc. Và sự vĩ đại, đôi khi không cần ánh đèn sân khấu, chỉ cần một tấm lòng lặng lẽ, bền bỉ và chan chứa yêu thương.
Xem thêm: Mẹ vợ xinh đẹp tỏa sáng trong đám cưới “gây bão”
Nhờ đợt ốm nặng mà bố vợ đã rõ bộ mặt thật của hai con rể luôn tỏ ra ngoan ngoãn và có hiếu.