Người trẻ nguy cơ bị tâm thần vì lạm dụng mạng xã hội
Người dùng mạng, đặc biệt là giới trẻ, đang đối mặt với nguy cơ rối loạn tâm lý và trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo tinh vi.
Trong chương trình Lời cảnh báo mới nhất, chương trình đã cập nhật các vấn đề nóng hổi, được dư luận quan tâm gần đây dành cho người trẻ, đặc biệt là nguy cơ tâm thần về việc quá lạm dụng mạng xã hội và bị lừa đảo khi đi tìm việc gia sư trên mạng xã hội.
Nguy cơ tâm thần từ mạng xã hội: Khi thế giới ảo trở thành vòng xoáy tiêu cực
Mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến nhưng việc lạm dụng và tiếp xúc với các nội dung độc hại đang để lại hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe tinh thần của nhiều người trẻ.
Trong chương trình nhắc đến em H.B (17 tuổi, Vĩnh Long) phải nhập viện điều trị rối loạn lo âu và trầm cảm sau một thời gian dài thức khuya, liên tục lướt TikTok, Instagram và đối mặt với những bình luận tiêu cực. Tình trạng này khiến em dần thu mình, không muốn giao tiếp và cảm thấy bản thân vô giá trị.
Tương tự, chị M.A (nhân viên văn phòng, TP.HCM) cũng rơi vào khủng hoảng tâm lý vì nghiện mạng xã hội. Việc thường xuyên theo dõi các tin tức tiêu cực khiến chị dễ cáu gắt, mất tập trung và từng có ý nghĩ làm hại bản thân. Sau thăm khám, chị được chẩn đoán mắc rối loạn thần kinh nhẹ.
Thạc sĩ Trần Quang Trọng (Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP.Thủ Đức) cảnh báo: “Một số nội dung trên mạng có thể dẫn dụ người trẻ thực hiện hành vi nguy hiểm hoặc tham gia các thử thách gây hại. Hệ quả kéo dài là mất ngủ, căng thẳng, thậm chí dẫn đến trầm cảm”.
Trong chương trình, luật sư Phan Quang Thắng (TP.HCM) cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ thông tin cá nhân: “Việc chia sẻ cảm xúc, thông tin riêng tư lên mạng xã hội có thể bị lợi dụng cho các mục đích xấu, ảnh hưởng đến đời sống cá nhân và có thể bị cơ quan chức năng mời làm việc nếu liên quan đến hành vi lừa đảo”.
Theo chuyên gia tâm lý, mỗi người phải xây dựng lối sống lành mạnh, hạn chế thời gian dùng mạng, tăng cường hoạt động thể chất, giao tiếp xã hội và theo dõi sát những biểu hiện bất thường để thăm khám kịp thời.
Cẩn trọng với việc làm gia sư trên mạng: Cái bẫy mang tên “tiền cọc”
Không ít sinh viên tìm việc làm thêm dưới hình thức gia sư đã trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo tinh vi thông qua mạng xã hội.
Một nữ sinh viên có tên P.T đã bị lừa mất tiền cọc sau khi tin tưởng lời giới thiệu từ một “trung tâm” tìm lớp gia sư online. Kẻ lừa đảo cung cấp đầy đủ thông tin học sinh, phụ huynh và hối thúc chuyển tiền để giữ lớp. Tuy nhiên, đến ngày dạy thì cả “phụ huynh” lẫn “trung tâm” đều biến mất.
Anh Nguyễn Quang Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TP.HCM, phân tích: “Có 4 lý do chính khiến sinh viên dễ bị lừa: sự tiện lợi và chủ quan khi tìm việc trên mạng; thiếu kỹ năng xác thực thông tin; tâm lý muốn kiếm tiền nhanh và sợ bỏ lỡ cơ hội”.
Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Văn Hiệp khẳng định, hành vi lừa đảo qua việc nhận tiền cọc gia sư có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu hình sự. “Tùy mức độ, hành vi này có thể bị phạt hành chính tới 3-6 triệu đồng, hoặc bị truy cứu theo Điều 174 Bộ luật Hình sự với mức phạt cao nhất là tù chung thân”, ông nói.
Luật sư Hiệp cũng khuyến cáo: “Sinh viên cần tìm hiểu kỹ thông tin trung tâm, chia sẻ với người thân trước khi giao dịch. Nếu nghi ngờ bị lừa, hãy trình báo công an để được hỗ trợ”.
Anh Nguyễn Quang Trường nhấn mạnh thêm, sinh viên cần lưu ý một số kỹ năng quan trọng để tránh bị lừa đảo khi tìm việc làm. Đầu tiên, sinh viên cần phát triển kỹ năng phân tích, đánh giá và sàng lọc thông tin. Khi nhận được bất kỳ thông tin tuyển dụng nào, họ phải xác thực xem đó có phải là thông tin chính thống và đáng tin cậy hay không.
Thứ hai, kỹ năng giao tiếp và đàm phán là rất quan trọng, đặc biệt khi sinh viên đã nhận việc hoặc đang trao đổi với nhà tuyển dụng. Kỹ năng này giúp đảm bảo sự hài hòa về lợi ích, quyền lợi và trách nhiệm giữa hai bên.
Thứ ba, anh Trường nhấn mạnh kỹ năng kiểm soát cảm xúc. Các kẻ lừa đảo thường lợi dụng cảm xúc để dẫn dắt nạn nhân, khiến họ dễ dàng chuyển tiền, đặt cọc hoặc cung cấp thông tin cá nhân. Ngoài ra, anh cũng khuyến khích sinh viên xây dựng các mối quan hệ tốt xung quanh để hạn chế rủi ro.
Cuối cùng, kỹ năng công dân số, tức là khả năng sử dụng công nghệ một cách hiệu quả, cũng rất cần thiết để giúp sinh viên giảm thiểu rủi ro và tăng cơ hội trong cuộc sống.
Quang Linh Vlog, Phạm Thoại, Hằng Du Mục, ViruSs… từng lan tỏa cảm hứng tích cực, có hàng triệu người theo dõi nhưng chỉ...