Chia sẻ

Thoát chết đuối 2 lần, mẹ ba con chia sẻ bài học sinh tồn không sách nào dạy

Sự kiện: Giới trẻ 2025

Từng hai lần suýt chết đuối từ khi còn nhỏ, Trần Linh Chi, hiện sống tại Ngọc Khánh, Hà Nội, rút ra nhiều kinh nghiệm để bảo vệ an toàn cho mình và người thân.

Lần đầu tiên Linh Chi gặp tai nạn là năm 10 tuổi, khi cùng bố đi đạp thuyền con vịt. Thuyền bị lật ngược ngoài hồ, bố cô văng ra ngoài, còn Chi bị thuyền úp lên người, cảm thấy như bị nhốt kín dưới nước. "Lúc đi đạp vịt tôi có mặc áo phao, nhưng khi bị cả chiếc thuyền vịt to đùng ụp ngược lên người, nước cao đến ngang ngực, tôi hoảng vô cùng, chỉ biết khóc. Nhưng nghe được tiếng bố tôi hô: 'Nín thở, lặn ra, lặn ra', tôi làm theo, cố gắng nín thở, ngụp đầu xuống dưới để lách người qua phần khung chiếc thuyền vịt thoát ra ngoài, nổi lên trên mặt hồ", Chi nhớ lại.

Một lần khác, "cậy bản thân biết bơi, biết lặn từ khi 9 tuổi", Linh Chi cõng em họ khi đấy mới 8 tuổi xuống bể bơi. Gặp sự cố, Chi sau đó được nhân viên cứu hộ đưa lên bờ trong tình trạng uống no nước, cơ thể mệt lả, không còn sức cử động.

"Em tôi gầy lắm, chắc lúc đấy cũng chỉ khoảng 20 kg thôi. Khi tôi cõng em ra chỗ sâu, chân tôi phải kiễng nhưng vẫn chạm đáy bể, do em tôi thấy sợ nên vùng vẫy loạn lên và nhấn đầu tôi xuống nước. Dù biết bơi nhưng trên đầu lúc đấy là 20 kg đè lên lại liên tục ấn mình xuống, còn tôi cứ cố vùng vẫy để ngoi lên", Linh kể lại lần suýt chết đuối thứ hai vào năm 12 tuổi.

Gia đình nhỏ của Trần Linh Chi.

Gia đình nhỏ của Trần Linh Chi.

Sau hai lần thoát nạn, Linh Chi nhận ra rằng ngay cả khi biết bơi, cũng không nên chủ quan. "Việc tự lượng sức mình, tự cứu mình rất quan trọng. Khi hụt hơi liên tục, lúc đấy là phổi đang có vấn đề rồi. Nên tốt nhất đừng cậy bản thân biết bơi mà lơ là sự an toàn của chính mình", bà mẹ 8X cho biết.

Từ bài học của bản thân, cô chú trọng cho các con đi học bơi có giáo viên hướng dẫn bài bản từ nhỏ, tránh để sai kỹ thuật, chỉ bơi theo bản năng. "Tập bơi bài bản là phải biết lấy hơi, lặn được, ngụp được, nếu không nắm được kỹ thuật này, trong tình huống bị chìm cần giữ được bình tĩnh, lấy tay bịt mũi, ngậm miệng lại không để oxy thoát ra và tránh quờ quạng nhiều mất sức. Việc giữ được oxy trong cơ thể sẽ giúp nổi lên dễ dàng và nhanh chóng hơn", Linh Chi nói.

Ngoài việc học bơi, Linh Chi cho rằng kỹ năng lặn cũng rất quan trọng trong việc thoát nạn khi gặp các tình huống khẩn cấp. "Biết bơi, biết đứng nước là rất tốt rồi nhưng nên học cả kỹ năng lặn, không phải lặn để biểu diễn mà lặn để có thể thoát khỏi mấy nơi chật hẹp giống như tình huống tôi gặp phải khi đi đạp thuyền con vịt ngày bé. Và ngay kể cả khi đi đạp thuyền vịt hay chèo bất cứ loại thuyền nào cũng nên mặc áo phao vì có những thứ diễn biến rất nhanh, rất khó kiểm soát", cô giải thích.

Gia đình Linh Chi từng nhiều lần trải nghiệm hải trình qua đêm trên vịnh.

Gia đình Linh Chi từng nhiều lần trải nghiệm hải trình qua đêm trên vịnh.

Linh Chi cũng tiết lộ gia đình cô có sở thích đi du lịch, từng 5 lần trải nghiệm tàu ngủ qua đêm trên vịnh Hạ Long. Cá nhân cô nhận thấy nếu gia đình có trẻ con và người già nên ưu tiên chọn các phòng có cửa sổ to, từ tầng 2 trở lên, tránh không chọn phòng tầng một vì thường khá ồn do tiếng động cơ của thuyền cũng như dễ bị nồng mùi xăng dầu.

Để đảm bảo an toàn, bà mẹ 8X nhấn mạnh thêm rằng ngay cả khi đi nghỉ dưỡng cũng không nên uống nhiều bia rượu, cần giữ sự tỉnh táo để kịp thời ứng phó trước mọi tình huống. "Đang trên du thuyền, mặt nước phẳng lặng không có nghĩa là bên dưới cũng vậy, chỉ cần một chút sóng gió thì chúng ta không thể kiểm soát cơ thể trong tình trạng thiếu tỉnh táo, cực kì nguy hiểm, nhất là tất cả lan can tàu đều không bao giờ quá cao vì họ thiết kế thấp để ngồi cà phê trên thuyền vẫn ngắm cảnh được", cô nói.

Để đảm bảo an toàn cho các chuyến du lịch gia đình, Linh Chi cho biết 2 con gái lớn đều được cô cho học bơi, lặn bài bản, còn bé trai, 5 tuổi, vẫn cần sử dụng phao tay.

Để đảm bảo an toàn cho các chuyến du lịch gia đình, Linh Chi cho biết 2 con gái lớn đều được cô cho học bơi, lặn bài bản, còn bé trai, 5 tuổi, vẫn cần sử dụng phao tay.

Cô cho biết tùy từng loại thuyền sẽ có các hoạt động vui chơi, giải trí khác nhau, tất cả những dịch vụ đi kèm này đều có cứu hộ túc trực, tuy nhiên, cô quan niệm bản thân cần chủ động giữ an toàn cho mình và người thân trước. "Bậc làm cha mẹ mới là người chịu trách nhiệm trực tiếp cho sức khỏe, mạng sống của con em mình. Cá nhân tôi nếu cảm thấy không đủ tự tin, không đủ kỹ năng chăm sóc, bảo vệ thì tốt nhất không nên cho con tham gia những hoạt động đó. Con gái lớn của tôi từng bị sứa đốt khi đi biển, rất đau rát, tôi hoàn toàn không biết về việc có sứa dưới đó nên khi nhìn con bị đau, tôi tự trách bản thân vì đã không có đủ kiến thức để bảo vệ con".

Nhìn những hình ảnh ngập lụt ở miền Bắc, người dân miền Trung rất đồng cảm và chủ động chia sẻ kinh nghiệm sinh tồn...

Theo Thảo Nhi ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Giới trẻ 2025

Xem Thêm