Barcelona tan mộng Cúp C1: Phòng ngự như mơ ngủ, Yamal không gánh nổi
Điểm yếu cố hữu nơi hàng thủ đã trở thành yếu tố then chốt khiến Barcelona gục ngã trong những thời khắc quyết định tại Champions League.
Inter Milan - Barcelona
Video bàn thắng Inter Milan 4-3 Barcelona

Tấn công như vũ bão, phòng ngự như mơ ngủ
Barcelona đã khép lại hành trình Champions League đầy tiếc nuối sau thất bại 3-4 trước Inter Milan ở bán kết lượt về, qua đó thua chung cuộc 6-7 sau hai lượt trận. Đoàn quân của HLV Hansi Flick đã khiến người hâm mộ mãn nhãn với lối chơi tấn công rực lửa suốt mùa giải, nhưng chính hàng phòng ngự mong manh mới là yếu tố khiến họ phải trả giá tại đấu trường danh giá nhất châu Âu cấp CLB.
Hàng thủ mong manh khiến Barcelona trả giá
Việc phải nhận 7 bàn thua trước Inter Milan là đỉnh điểm đáng báo động đối với hàng thủ Barcelona. Đội bóng xứ Catalunya đã thủng lưới tới 16 bàn chỉ trong 7 trận gần nhất, con số không thể chấp nhận với một đội bóng đặt mục tiêu vô địch châu Âu.
Bất chấp phong độ chói sáng của những Lamine Yamal hay Raphinha trên hàng công, đội bóng xứ Catalunya không thể che giấu điểm yếu cố hữu nơi tuyến dưới. Từ tình huống để Marcus Thuram chọc thủng lưới chỉ sau chưa đầy 30 giây ở lượt đi, đến 4 bàn thua ở lượt về, hàng thủ Barcelona liên tục mất tập trung trong những khoảnh khắc then chốt.
Thậm chí, ở thời điểm mà trận đấu dường như đã nằm trong tay họ, việc không thể kiểm soát nhịp độ và bảo vệ thành quả khiến họ gục ngã. Khoảnh khắc Acerbi đệm bóng gỡ hòa 3-3 ở phút 90+3 giống như “nhát dao” kết liễu giấc mơ lọt vào chung kết Cúp C1 lần thứ 9 của Barcelona, khi sự sụp đổ về tâm lý kéo dài sang cả hiệp phụ và tạo điều kiện để Inter Milan giành chiến thắng quyết định.
Chuỗi trận thủng lưới đáng báo động
Cơn ác mộng nơi hàng thủ Barcelona không phải chỉ mới xuất hiện ở trận thua Inter Milan. Chuỗi trận kéo dài từ tứ kết Champions League tới nay đã phơi bày toàn bộ những lỗ hổng hệ thống, điểm yếu cố hữu cuối cùng đã khiến giấc mộng giành “cú ăn ba” của thầy trò HLV Flick tan thành mây khói.
Tất cả bắt đầu ở trận tứ kết lượt về trên sân Dortmund, khi Barcelona hành quân đến Signal Iduna Park với lợi thế 4-0 từ lượt đi. Tưởng chừng như mọi thứ đã an bài, nhưng thái độ chủ quan khiến họ phải nhận 3 bàn thua, cú sốc lớn đánh dấu khởi đầu cho chuỗi sụp đổ phòng ngự. Dù vẫn giành quyền đi tiếp, những dấu hiệu bất ổn nơi tuyến dưới của Barcelona đã bắt đầu rõ rệt.
Tại La Liga, những trận thắng đầy chật vật trước Celta Vigo (4-3) và Valladolid (2-1) chỉ càng tô đậm sự mất cân bằng trong lối chơi của Barcelona. Đội bóng xứ Catalunya vẫn ghi bàn đều đặn, nhưng gần như không thể kiểm soát trận đấu mà không thủng lưới. Mallorca là đối thủ duy nhất mà Barcelona (thắng 1-0) giữ sạch lưới trong chuỗi 7 trận gần nhất.
Barcelona đã để lọt lưới 16 bàn trong 7 trận gần nhất trên mọi đấu trường
Trận chung kết Cúp Nhà vua gặp Real Madrid càng lột tả rõ nét sự yếu kém cố hữu. Dù vượt lên dẫn trước, Barcelona vẫn để thủng lưới 2 bàn từ các tình huống cố định, thêm lần nữa cho thấy sự lỏng lẻo trong khâu kèm người và chống bóng bổng. Bàn thắng từ cú đánh đầu của Tchouameni là ví dụ điển hình cho sự thiếu tổ chức nơi hàng thủ đội bóng xứ Catalunya.
Trận lượt đi bán kết với Inter Milan tiếp tục là lời cảnh tỉnh với Barcelona. Họ nhận bàn thua chỉ sau 30 giây từ Marcus Thuram, cùng hai lần bị Denzel Dumfries chọc thủng lưới từ những pha không chiến, khiến người ta phải đặt dấu hỏi lớn về khả năng phòng ngự bóng bổng của thầy trò HLV Flick.
Rồi đến cơn địa chấn tại Giuseppe Meazza. Không chỉ để thủng lưới 4 bàn trong trận đấu có ý nghĩa sống còn, Barcelona còn bị Inter Milan chọc thủng lưới tới 7 lần chỉ sau 10 pha dứt điểm trúng đích trong cả 2 lượt trận. Con số đó không chỉ nói lên sự hiệu quả đáng sợ của Inter Milan, mà còn là lời cáo trạng nặng nề nhất cho hệ thống phòng ngự dễ tổn thương đến tột độ.
Trong bối cảnh HLV Flick cố gắng xây dựng tập thể giàu tính tấn công, sự thiếu cân bằng giữa công và thủ đã trở thành điểm yếu chí tử. Dù sở hữu những cá nhân xuất sắc ở hàng công như Lewandowski hay Yamal, nhưng nếu không gia cố hàng thủ, những cú ngã như tại Milan (Italia) sẽ còn tiếp diễn.
Cá nhân mắc sai lầm, hệ thống không cứu được
Trong hiệp hai của trận bán kết lượt về, với cả hai trung vệ đá chính là Inigo Martinez và Eric Garcia đã phải nhận thẻ vàng và xuống sức rõ rệt, HLV Flick tung Ronald Araujo vào sân để củng cố hàng thủ. Tuy nhiên, đây lại là quyết định phản tác dụng. Trung vệ người Uruguay liên tục mắc lỗi, đặc biệt trong hai tình huống dẫn đến bàn thua chí mạng. Anh bị cầu thủ 37 tuổi Acerbi đánh bại trong pha ghi bàn gỡ hòa 3-3 ở phút 90+3, rồi sau đó không kèm sát Thuram, mở đường cho Frattesi ghi bàn “kết liễu” Barcelona.
Araujo mắc lỗi trong 2 bàn thua chí mạng của Barcelona
Nếu Araujo là mắt xích lỏng nơi hàng thủ Barcelona, thì ở khung gỗ, Wojciech Szczesny cũng không thể trở thành chốt chặn đáng tin cậy. Ngoài một pha cứu thua ở hiệp hai, thủ thành người Ba Lan gần như không để lại dấu ấn nào thực sự tích cực xuyên suốt hai lượt trận. Trái ngược hoàn toàn với Yann Sommer, người nhiều lần từ chối cơ hội rõ ràng của Yamal và các chân sút bên phía Inter Milan.
Từ khi giành lại vị trí số một trong khung gỗ tại Siêu cúp Tây Ban Nha tại Saudi Arabia, phong độ của Szczesny chỉ đi xuống. Sự thiếu ổn định đó trở thành một trong những nguyên nhân khiến Barcelona không thể bảo vệ lợi thế ở những phút bù giờ cuối cùng của thời gian thi đấu chính thức.
Champions League luôn khắc nghiệt và Inter Milan, với sự chính xác tuyệt đối trong từng cú ra chân, đã khiến Barcelona phải đối mặt với chính mình trong gương. Những gì phản chiếu lại không phải hình ảnh của đội bóng sẵn sàng chinh phục châu Âu, mà là tập thể không thể bảo vệ lợi thế trong khoảnh khắc sống còn. Barcelona ngậm ngùi tạm biệt giấc mơ giành chức vô địch Champions League lần thứ 6.
Inter Milan và Barcelona đã tạo nên một trong những trận giàu cảm xúc bậc nhất lịch sử Champions League.