Son Heung Min vinh quang ập xuống, “đỡ” không kịp: Xứng danh huyền thoại
“Huyền thoại” có lẽ là một trong những khái niệm bị giới cầm bút lạm dụng nhiều nhất trong bóng đá đỉnh cao. Nhưng khi phóng viên gọi Son Heung Min là huyền thoại, trong cuộc phỏng vấn sau trận chung kết Europa League, anh chẳng những không phủ nhận mà còn tán đồng: “Hãy gọi tôi là huyền thoại, ít nhất là trong một ngày”.
Son Heung Min và các cầu thủ Tottenham nhận cúp vô địch Europa League

⚽ Vinh quang ập xuống, “đỡ” không kịp!
Với Son Heung Min nói riêng cũng như Tottenham nói chung, đây là một mùa bóng thảm hại ở Ngoại hạng Anh, rõ ràng đến mức chẳng cần nói ra vì sao. Người ta thậm chí không bàn về sự sa sút phong độ hoặc tình trạng chấn thương, mà chỉ nhấn mạnh ngay cả nụ cười “thương hiệu” của Son cũng đã mất đi. Anh không còn niềm vui khoác áo Tottenham nữa?
Son Heung Min ăn mừng danh hiệu lớn đầu tiên trong sự nghiệp
Đề tài hồi giữa mùa từng rộ lên với người hâm mộ: tương lai nào cho Son Heung Min? Đồng đội thân thiết và ăn ý với anh là Harry Kane đã kịp thoát khỏi Tottenham, chuyển sang Bayern Munich, để có được danh hiệu đầu tiên, vô địch Bundesliga. Một mặt, Son sẽ chẳng bao giờ có danh hiệu nếu cứ gắn bó mãi với Tottenham (đấy là “quy luật”, cho đến cách đây vài ngày).
Mặt khác, có vẻ như bản thân Son không còn là chính mình, khi không có người đá cặp Harry Kane. Và bóng đá rất giống cuộc sống, ở câu “họa vô đơn chí”. Cuộc sống bên ngoài bóng đá của Son cũng gặp rắc rối trong mùa bóng này, giống như sự sa sút của anh trên sân vậy.
💭 Rũ bỏ cả núi áp lực, sau mùa bóng “cười không nổi”
Bây giờ, tất cả chuyển sang thái cực ngược lại. Son có danh hiệu vô địch đầu tiên trong sự nghiệp cầu thủ. Đấy cũng là danh hiệu đầu tiên của Tottenham trong 17 năm (kể từ cúp Liên đoàn Anh năm 2008), và là danh hiệu châu Âu đầu tiên sau 41 năm (kể từ cúp UEFA năm 1984).
Không chỉ chấm dứt cơn khát danh hiệu, Son Heung Min còn rũ bỏ cả núi áp lực, sau một mùa bóng mà anh thậm chí “cười không nổi”, như đã nêu. Bây giờ, Son khẳng định chính mình là người hạnh phúc nhất trên hành tinh. Anh khoe vết xước trên trán, như một tai nạn xảy ra trong lúc nâng cúp ăn mừng.
Hợp đồng của Son Heung Min tại Tottenham đã được gia hạn đến năm 2026. Không những thế, Son nói luôn về công trạng HLV Ange Postecoglu, và giới bình luận cho rằng dù cố ý hay vô tình, anh đã đẩy ông chủ Tottenham vào tình thế khó: làm sao có thể thay HLV sau vinh quang vô địch Europa League? Nghĩa là Son rất “có quyền ăn nói” trong nội bộ Tottenham.
Son Heung Min sánh vai cùng huyền thoại Cha Bum-kun
🌍 So sánh Son Heung Min với huyền thoại Cha Bum Kun
Cùng với Cha Bum Kun và Park Ji Sung, Son Heung Min hiển nhiên là một trong ba tượng đài lớn nhất trong lịch sử bóng đá Hàn Quốc. Xét về đẳng cấp, Son vượt trội so với Cha và Park. Nhưng, suýt chút nữa là huyền thoại Son đã phải ôm mãi nỗi buồn cả đời không hề có danh hiệu gì trong làng bóng châu Âu. Bây giờ, anh đã có danh hiệu, ở tuổi 32. Và bây giờ, tư thế “vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá Hàn Quốc” của anh đã được khẳng định.
Cha Bum Kun là cầu thủ châu Á đầu tiên thành công trên sân cỏ châu Âu. Nhưng đấy là thời kỳ mà cầu thủ châu Á chỉ cần được ra sân, thì đã là lịch sử rồi. Cha có cúp UEFA trong màu áo 2 CLB khác nhau, Eintracht Frankfurt (năm 1980) và Leverkusen (năm 1988).
Mùa bóng 1979-1980 là lần duy nhất trong lịch sử, một nước có 4 đội bóng lọt vào bán kết một trong các cúp châu Âu. Thời ấy, chỉ có đội đoạt chức VĐQG được dự cúp C1 châu Âu (bất quá chỉ thêm đội ĐKVĐ cúp C1). Do vậy, các đội mạnh dồn cả vào cúp UEFA và chất lượng giải đấu chẳng khác gì Champions League ngày nay.
Bóng đá Đức thống trị châu Âu khi ấy, với Bayern Munich, Eintracht Frankfurt, Stuttgart, Moenchengladbach lọt vào bán kết cúp UEFA (Đức còn có một đại diện nữa: Kaiserslautern, thua Bayern ở tứ kết). Cuối cùng, Eintracht của Cha đoạt cúp. Đến năm 1988 thì chiếc cúp của UEFA của Cha đáng nhớ bởi một chi tiết khác, Leverkusen thua Espanyol 0-3 trong trận chung kết lượt đi, nhưng thắng lại 3-0 ở trận lượt về và đoạt cúp sau màn luân lưu 11m.
Tóm lại, giá trị lịch sử của Cha Bum Kun chủ yếu là ông được khoác áo Eintracht và Leverkusen trong suốt 10 năm, trong cái thời kỳ mà cầu thủ châu Á còn bị xem là “chưa biết chơi bóng”. Báo chí đăng ảnh Cha Bum Kun tranh bóng với các ngôi sao hàng đầu thế giới, hơn là nói về lối chơi của ông.
Son Heung Min hay Park Ji Sung xuất sắc hơn?
🏅 Đặt lên bàn cân cùng huyền thoại Park Ji Sung
Park Ji Sung đã có thành công chủ yếu nhờ được khoác áo M.U, trong thời kỳ rực rỡ nhất của CLB này. Anh vô địch cả Champions League, còn Premier League và các danh hiệu khác thì đếm không xuể. Park cũng đã nhiều lần vô địch Hà Lan trong màu áo PSV Eindhoven, nên mới được chuyển sang M.U.
Nhưng khi cái tên Park Ji Sung thậm chí không xuất hiện trong danh sách thi đấu (chứ chưa nói đến việc đá chính) ở trận chung kết Champions League 2008, nhiều người xem đấy là “chuyện bình thường”. Tiền vệ M.U ở trận ấy đã có Cristiano Ronaldo, Paul Scholes, Michael Carrick, Owen Hargreaves. Ngay cả Ryan Giggs cũng phải ngồi ghế dự bị.
💪 Chỉ có Son xứng danh thủ lĩnh
Son Heung Min không chỉ khoác áo Tottenham suốt 10 năm nay (sau khi đã khoác áo Hamburg và Leverkusen trong 5 năm trước đó ở giải Bundesliga). Anh còn là ngôi sao thật sự, có uy tín và tư thế rõ ràng. Đấy là “cái hơn” quan trọng của Son so với Park và Cha.
Như đã nêu, đây là mùa bóng thất bại của Son, với các chỉ số chuyên môn đều giảm sút, chưa kể ảnh hưởng của tình trạng chấn thương. Nhưng Tottenham không thể đá trận chung kết Europa League mà không có Son! Đấy là chi tiết nói lên tầm vóc, mà một cầu thủ châu Á không thể có được.
Park là cầu thủ châu Á đầu tiên vô địch Champions League, nhưng Son lại là cầu thủ châu Á đầu tiên mang băng thủ quân và vô địch một trong các cúp châu Âu. Khi trao băng thủ quân cho Son vào đầu mùa bóng 2023-2024 (thủ quân trước đó là Hugo Lloris, ngay cả Harry Kane cũng không có vinh dự này), HLV Postecoglu nói rõ: “Son là một tấm gương cho toàn đội, là người có uy tín trong phòng thay đồ, là cầu thủ có khả năng thay đổi tình thế bằng nỗ lực của mình khi đội bóng rơi vào hoàn cảnh khó khăn”.
Sự nghiệp của Son Heung Min trọn vẹn hơn nhờ danh hiệu Europa League
🌟 Son Heung Min không hề “ngông cuồng”
Giá trị chuyên môn của Son vượt rất xa so với hai huyền thoại đi trước trong làng bóng Hàn Quốc là Park và Cha. Anh từng ghi bàn bằng pha solo, sau đó được bình chọn là bàn thắng đẹp nhất mùa bóng ở Premier League, cũng như bàn thắng đẹp nhất trong năm của FIFA. Anh là cầu thủ châu Á ghi bàn nhiều nhất ở Premier League và Champions League; là cầu thủ châu Á đầu tiên đoạt danh hiệu vua phá lưới ở Premier League.
Trong toàn bộ lịch sử Tottenham, Son Heung Min là cầu thủ kiến tạo bàn thắng nhiều nhất, đồng thời là một trong năm cầu thủ ghi bàn nhiều nhất. Điều này cho thấy: Son không hề “ngông cuồng” khi tự nói mình là huyền thoại của CLB (cho dù tuyên bố của anh trước tiên phải hiểu là do quá phấn khích). HLV Jose Mourinho từng gọi Son là “Sonaldo Nazario” (so sánh với Ronaldo Brazil).
Nhắc lại như thế để thấy: danh hiệu vô địch Europa League vừa qua quan trọng với Son Heung Min đến dường nào. Sẽ thật đáng tiếc nếu một ngôi sao như thế lại không có danh hiệu nào, trong cả đời chinh phục các sân cỏ châu Âu.
Tottenham đã đem danh hiệu Europa League về Bắc London và tiến hành lễ rước cúp. Danh hiệu này chấm dứt 17 năm đằng đẵng...