Từ game thủ thành nhà phát triển game triệu người chơi
Từ việc chơi game giải trí đơn thuần, nhiều bạn trẻ Việt Nam đang biến đam mê thành sự nghiệp.
Hành trình làm game và phát triển game đang có nhiều thay đổi.
Xu hướng mới trong ngành game
Những nền tảng như Roblox, Fornite hay Minecraft chính là bệ phóng cho UGC (User-Generated Content), một xu hướng nội dung đang bùng nổ trên toàn thế giới. Khái niệm UGC - nội dung do người dùng sáng tạo vốn rất quen thuộc trên YouTube hay TikTok, đang làm thay đổi ngành công nghiệp game một cách chóng mặt. Cũng giống như các nền tảng kể trên, người dùng có thể tự thiết kế thế giới ảo, xây dựng trò chơi và kiếm tiền từ chính sáng tạo của mình.
Tại Việt Nam, Roblox đang đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hệ sinh thái UGC nội địa. Nền tảng này đã cung cấp cho nhà sáng tạo một môi trường thuận lợi: Chỉ cần một chiếc máy tính và kết nối Internet, bất kỳ ai cũng có thể bắt đầu sáng tạo trên Roblox Studio - công cụ miễn phí với giao diện thân thiện. Không chỉ giúp tiết kiệm chi phí vận hành máy chủ, họ còn cung cấp hệ thống đám mây (cloud) và mạng lưới hơn 97 triệu người dùng hoạt động mỗi ngày.
Hơn thế, mô hình kiếm tiền của Roblox thông qua bán vật phẩm ảo và trải nghiệm trả phí, cho phép các nhà sáng tạo toàn cầu kiếm được 923 triệu USD trên nền tảng Roblox - tăng 25% so với mức 741 triệu USD của năm 2023. Với sự hỗ trợ của VNGGames, Roblox mang đến các lợi thế địa phương như hỗ trợ tiếng Việt, sự kiện nội địa, và chương trình đào tạo, giúp hơn 600 nhà phát triển Việt tạo doanh thu hàng triệu USD trong năm 2024.
Bên cạnh Roblox, Fortnite Creative và Minecraft cũng góp phần thúc đẩy xu hướng UGC. Fortnite Creative ra mắt năm 2018, mang lại mức chia sẻ doanh thu lên đến 40%. Minecraft với hơn 140 triệu người chơi hàng tháng, cung cấp môi trường để tạo thế giới, giao diện và chế độ chơi mới, đồng thời hỗ trợ kiếm tiền.
Từ căn phòng nhỏ đến thế giới rộng lớn
Câu chuyện truyền cảm hứng của Phạm Đại Huy Mân (SaaNub) là một ví dụ tiêu biểu: Từ một góc nhỏ trong căn phòng của mình, Huy Mân đã tự mày mò học hỏi và tham gia vào nhiều dự án phát triển game trên nền tảng Roblox. Anh có nguồn thu nhập ổn định từ việc tham gia phát triển game, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Thành công của Mân không phải là ngoại lệ. Nhiều bạn trẻ Việt Nam khác cũng đang từng bước xây dựng tên tuổi trên nền tảng này. Hà Tùng Dương với hơn sáu năm kinh nghiệm phát triển game trên Roblox, hiện là quản lý dự án tại System Arts Studio, một studio Việt Nam chuyên phát triển game trên nền tảng này. Tựa game Multiverse Defenders của studio rất được cộng đồng Roblox toàn cầu yêu thích.
Việt Nam từng là điểm đến lớn của ngành gia công game nhưng việc phụ thuộc vào gia công khiến tài năng sáng tạo bị "kìm hãm". Giờ đây, Roblox mang đến môi trường giúp các nhà sáng tạo Việt thử sức với sản phẩm nguyên bản, đồng thời từng bước xây dựng dấu ấn cá nhân và thậm chí xuất khẩu sản phẩm ra thế giới.
Tất nhiên, bên cạnh những cơ hội, việc phát triển trên các nền tảng UGC như Roblox, Fortnite hay Minecraft cũng có không ít thách thức. Các nhà phát triển Việt phải cạnh tranh với hàng triệu studio quốc tế, đáp ứng yêu cầu kỹ năng đa nhiệm, và xây dựng cộng đồng người chơi trung thành. Dù vậy, đây là cơ hội để các bạn trẻ học hỏi và biến đam mê thành sự nghiệp.
Câu chuyện của Alex Balfanz - người kiếm được hàng triệu USD từ tựa game Jailbreak, hay Samuel Jordan - nhà thiết kế thời trang ảo với doanh thu 1 triệu USD, là minh chứng cho tiềm năng không giới hạn mà Roblox mang lại.
Đội tuyển này quy tụ những gương mặt triển vọng, là sự kết hợp giữa sức trẻ, nhiệt huyết và kinh nghiệm thi đấu.