Chuyên gia ‘mách nước’ giải bài toán đặt nguyện vọng đại học 2025
Chỉ còn vài ngày nữa, thí sinh sẽ kết thúc việc đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trên Hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT. Các chuyên gia đã chia sẻ chiến lược quan trọng giúp sĩ tử vào đại học mong muốn.
Số lượng nguyện vọng và chiến lược điểm số
Thầy Hồ Thức Thuận, giáo viên dạy Toán cấp THPT khuyến nghị thí sinh nên đăng ký từ 6-10 nguyện vọng để tối đa hóa cơ hội trúng tuyển.
Theo thầy Thuận, thí sinh có thể chia nguyện vọng thành ba nhóm rõ ràng. Nhóm đầu tiên, gồm nguyện vọng 1-3, dành cho những ngành "hot", trường top với mức điểm chuẩn dự kiến cao (khoảng 27-29 điểm). Đây là những nguyện vọng thử sức, thể hiện khát vọng của thí sinh.
Tiếp theo là nguyện vọng 4-6, bao gồm những ngành, trường có mức điểm chuẩn trong khả năng. Ví dụ, nếu điểm thi của em đạt 22 điểm thì nên đặt nguyện vọng vào các ngành có điểm chuẩn khoảng 20-24 điểm. Đây là nhóm có khả năng trúng tuyển cao.
Cuối cùng là nguyện vọng 7-10, những ngành, trường "chắc chắn đỗ". Với điểm thi 22 điểm, thí sinh có thể đặt nguyện vọng vào các ngành có điểm chuẩn 18-20 điểm. Nhóm này đóng vai trò "an toàn", đảm bảo thí sinh có nơi học đại học.
Thí sinh và phụ huynh tìm hiểu thông tin tại ngày hội tư vấn xét tuyển nguyện vọng đại học.
Cân bằng năng lực, sở thích và chiến lược xét tuyển
Chia sẻ tại một chương trình tư vấn tuyển sinh mới đây, ThS. Nguyễn Đỗ Tùng, Giám đốc Điều hành Trường ĐH Văn Hiến nhấn mạnh: "Lựa chọn nguyện vọng không phải là chọn ngành dễ đậu nhất, cũng không phải là chọn ngành 'hot' nhất. Đó là quá trình cân nhắc giữa năng lực thực tế, sở thích cá nhân và chiến lược xét tuyển". ThS. Nguyễn Đỗ Tùng cảnh báo rằng, nếu đặt sai thứ tự hoặc chọn sai ngành, thí sinh có thể mất cơ hội dù điểm không hề thấp.
Do đó, khi thực hiện lựa chọn nguyện vọng, thí sinh nên nhìn nhận những yếu tố cốt lõi. Đầu tiên là hiểu rõ năng lực bản thân thông qua kết quả học bạ, điểm thi tốt nghiệp, điểm ưu tiên (khu vực, đối tượng), điểm cộng (nếu có) và các tổ hợp xét tuyển. Việc này giúp xác định khả năng thực tế một cách chính xác.
Sau đó, so sánh điểm sàn và điểm chuẩn: Thí sinh cần đối chiếu điểm sàn (ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định) và điểm chuẩn các năm trước của các ngành, trường mình quan tâm. Từ đó, khoanh vùng các ngành có điểm chuẩn gần bằng hoặc thấp hơn điểm xét tuyển của mình.
Để tối ưu hóa, thí sinh nên chia nguyện vọng thành 3 nhóm rõ ràng. Đó là Nhóm Ưu tiên cá nhân (gồm ngành yêu thích nhất và có điểm chuẩn phù hợp với năng lực), Nhóm Vừa sức (gồm những ngành có điểm chuẩn gần với điểm xét tuyển của bản thân, khả năng trúng tuyển cao) và Nhóm An toàn (gồm các ngành có điểm chuẩn thấp hơn, đảm bảo chắc chắn không trượt).
Sau khi phân nhóm, thí sinh cần sắp xếp theo thứ tự mong muốn học tập, không phải theo độ dễ đậu. Nguyện vọng 1 nên là ngành mình muốn học nhất, dù điểm có thể không quá cao so với mặt bằng chung.
Thí sinh không nên "liều" với ngành có điểm chuẩn cao hơn năng lực, trừ khi có cơ sở rõ ràng như điểm chuẩn có xu hướng giảm, có phương thức xét tuyển khác (ví dụ: kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ, điểm thi đánh giá năng lực) hoặc thí sinh có điểm ưu tiên cao và có điểm thưởng cao theo quy chế của Bộ GD&ĐT.
Bên cạnh những chiến lược cụ thể về việc điền và sắp xếp nguyện vọng, TS Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục nhấn mạnh, yếu tố quan trọng nhất khi thí sinh chọn ngành học là "sự phù hợp". Sự phù hợp này bao gồm ba khía cạnh chính: đam mê, năng lực và triển vọng nghề nghiệp. Theo TS Hoàng Trung Học, chọn ngành đúng không chỉ giúp các em duy trì động lực học tập, mà còn đảm bảo thành công lâu dài trong sự nghiệp tương lai.
Để lựa chọn đúng ngành học, TS Hoàng Trung Học khuyên các em cần tự phân tích để hiểu rõ bản thân mình: điểm mạnh, giá trị theo đuổi và sở thích nghề nghiệp. Đồng thời, hãy dành thời gian tìm hiểu kỹ ngành học, chương trình đào tạo và môi trường thực hành của những nơi định đăng ký. Cuối cùng, thí sinh đừng quên lắng nghe tư vấn từ chuyên gia để đưa ra quyết định đúng đắn trong bước ngoặt quan trọng này.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, cổng đăng ký nguyện vọng sẽ kết thúc vào 17h00 ngày 28/7. Thí sinh cần hoàn thành việc đăng ký và nộp lệ phí xét tuyển trong khoảng thời gian này. |
Cùng với việc công bố điểm chuẩn dự kiến 65 chương trình đào tạo, Đại học Bách khoa Hà Nội đã minh họa về cách tính quy...