Đại biểu Trần Khánh Thu: Giáo viên dạy thêm không có gì sai trái
Đại biểu Trần Khánh Thu khẳng định việc giáo viên dạy thêm không có gì sai trái, mà điều quan trọng nhất chúng ta cần chống là khía cạnh tiêu cực.
Sáng 6-5, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà giáo. Nội dung về dạy thêm, học thêm được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tham gia thảo luận.
Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng
Theo Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH Thái Bình), dạy thêm, học thêm phải xuất phát từ nhu cầu học tập của xã hội, của học sinh và phụ huynh, "không thể quy rằng giáo viên ép buộc trong vấn đề học thêm".
Thực tế, theo đại biểu Thu, nhiều học sinh vẫn tự nguyện ra trung tâm học thêm tiếng Anh hay tự nguyện học thêm các môn văn hóa khác như âm nhạc, mỹ thuật, võ thuật…
Vì thế, việc học thêm, đại biểu Trần Khánh Thu cho rằng là nguyện vọng chính đáng. "Như vậy, khi có nhu cầu của học sinh, của gia đình thì giáo viên cũng mong muốn, có nhu cầu có thêm thu nhập và họ chọn cách đi làm thêm là dạy thêm. Thu nhập của giáo viên ở đây tôi cho rằng hoàn toàn chính đáng, phù hợp"- đại biểu Trần Khánh Thu nêu.
Theo vị ĐBQH tỉnh Thái Bình, sau 8 tiếng dạy ở trên lớp, giáo viên hoàn toàn có thể bỏ công sức ra để dạy thêm.
"Việc các giáo viên từ bỏ thời gian cho gia đình để làm thêm công việc liên quan đến chuyên môn và mang lại lợi ích, tăng thêm thu nhập, tôi nghĩ không có gì sai trái cả. Còn điều quan trọng nhất là chúng ta cần chống là khía cạnh tiêu cực. Đó là việc lợi dụng chuyện này để ép buộc học sinh đi học thêm, khi đó sẽ gây ra những tác động tiêu cực khác"- nữ đại biểu nêu rõ.
Đại biểu Trần Khánh Thu nhấn mạnh bản thân không chấp nhận chuyện giáo viên ép buộc để dạy thêm và trục lợi từ dạy thêm. Nhưng rõ ràng, cần phải có một quy định làm sao để tổ chức các hoạt động này một cách chính thống như một loại hình dịch vụ khác và có nề nếp, có quy định. Nếu làm được như vậy sẽ hạn chế được tiêu cực.
Từ đó, vị nữ ĐBQH đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu sửa đổi quy định của dự luật về những việc không được làm của nhà giáo từ "ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức" thành "cấm tham gia dạy học thêm trái quy định của pháp luật".
Theo đại biểu, có rất nhiều hình thức không ép buộc nhưng học sinh vẫn phải học thêm bởi chương trình học hiện nay đang gây áp lực rất lớn cho học sinh, nhất là bậc tiểu học. "Do vậy, việc luật hóa cấm dạy thêm, học thêm tự phát là cần thiết".
Bên cạnh đó, có thể quy định để giao Chính phủ hoặc Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng bộ quy chế dạy thêm, học thêm theo hướng công khai như các trung tâm và xây dựng các quy chế đặc thù để hạn chế việc dạy thêm, học thêm tự phát tràn lan, tránh lãng phí, không cần thiết.
Trước phản ánh về việc một số giáo viên quận Hà Đông dạy thêm ngoài nhà trường với học sinh mình đang dạy chính khóa, Sở...