Chia sẻ

Cảng Mỹ lao đao vì thuế quan - chuẩn bị đón “sóng hàng” trước thời hạn 90 ngày

Sự kiện: Kinh tế thế giới
0:00
0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Sau khi Mỹ và Trung Quốc nhất trí tạm thời hạ mức thuế nhập khẩu trong 90 ngày, các cảng biển tại Mỹ đang chuẩn bị cho một đợt tăng đột biến về lượng hàng. Tuy nhiên, hậu quả từ chính sách thuế quan trước đó vẫn đang để lại những khoảng trống đáng lo ngại trong chuỗi cung ứng và hoạt động cảng biển.

Tình trạng sụt giảm hàng hóa tại các cảng Mỹ, đặc biệt là ở bờ Tây, diễn ra trong bối cảnh các doanh nghiệp và nhà vận chuyển “đóng băng” hoạt động thương mại do lo ngại mức thuế cao từ Trung Quốc. Mức thuế lên tới 145% trong 6 tuần đã khiến việc nhập hàng từ Trung Quốc – một đối tác thương mại quan trọng của Mỹ – trở nên quá đắt đỏ, buộc nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng chuỗi cung ứng.

Giám đốc điều hành Cảng Los Angeles, ông Gene Seroka, cho biết số lượt tàu cập cảng trong tháng này dự kiến giảm 20%, còn khối lượng hàng hóa sẽ giảm tới 25%. Tại cảng Long Beach, mức giảm lên tới 35-40% chỉ trong một tuần. Đáng chú ý, trong vòng 12 tiếng ngày thứ Sáu, không có tàu nào rời Trung Quốc để đến tổ hợp cảng San Pedro Bay – điều chưa từng xảy ra kể từ đại dịch.

Cảng Seattle và Tacoma cũng báo cáo tình trạng bến cảng trống vắng – một hình ảnh hiếm thấy kể từ năm 2020. Liên minh Cảng biển Tây Bắc (NWSA) ước tính sản lượng hàng hóa sẽ giảm từ 8-15% so với mức bình thường, với các tàu từ Trung Quốc tuần này chở ít hơn 17% lượng hàng so với thường lệ.

Việc sụt giảm không chỉ là vấn đề ngắn hạn, mà còn ảnh hưởng đến việc làm và tính ổn định trong chuỗi cung ứng, vốn đòi hỏi sự nhất quán để duy trì hiệu quả và niềm tin từ các doanh nghiệp.

Các container tại Cảng Long Beach ở Long Beach, California vào ngày 12/5.

Các container tại Cảng Long Beach ở Long Beach, California vào ngày 12/5.

Tại sao các cảng lại kỳ vọng một đợt “sóng hàng” sắp tới?

Ngày 13/5, Mỹ và Trung Quốc đồng ý tạm giảm mức thuế xuống còn 30% trong vòng 90 ngày – một sự “hạ nhiệt” đáng kể so với mức 145% trước đó. Đây được xem là cơ hội ngắn hạn cho các nhà bán lẻ tranh thủ nhập hàng sớm để tránh rủi ro mức thuế tăng trở lại.

Ông Jonathan Gold, Phó chủ tịch Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia, cho biết nhiều nhà bán lẻ có thể đẩy nhanh kế hoạch nhập hàng hóa mùa lễ cuối năm nhằm đi trước thời hạn hết hiệu lực của đợt giảm thuế. Thực tế, hành động tương tự từng xảy ra hồi tháng 3 khi các doanh nghiệp “gom hàng” trước đợt áp thuế hồi tháng 4.

Các cảng đang nhanh chóng chuẩn bị cho khả năng hoạt động hết công suất. Phó chủ tịch Ủy ban Cảng Seattle, ông Ryan Calkins, dự đoán “sẽ có làn sóng nhập hàng vào giữa mùa hè”, buộc cảng phải tăng cường nhân lực để đáp ứng.

Công ty vận chuyển Maersk cho biết lượng hàng từ Trung Quốc vào Mỹ đã giảm tới 40% do sự bất ổn về chính sách, nhưng kỳ vọng “nguồn cung bị dồn nén” sẽ quay trở lại trong những tuần tới.

Mức thuế 30% vẫn là một rào cản lớn, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ. Trong khi các tập đoàn lớn có khả năng “xoay xở” để điều chỉnh chi phí, thì nhiều nhà bán lẻ nhỏ sẽ gặp khó khăn. Phòng Thương mại Mỹ cảnh báo rằng mức thuế hiện tại vẫn cao hơn đáng kể so với đầu năm và tiếp tục đề nghị chính phủ miễn giảm cho doanh nghiệp nhỏ.

Dù vậy, các chuyên gia như ông Peter Boockvar dự báo sẽ có “làn sóng đặt hàng chưa từng thấy” trong 90 ngày tới. Điều này có thể đẩy chi phí vận chuyển tăng vọt trong thời gian ngắn, đặc biệt khi nhu cầu tăng đột biến mà nguồn lực vận chuyển vẫn còn hạn chế.

Một số công ty hậu cần như Flexport cảnh báo còn quá sớm để ước tính chính xác quy mô đợt “bùng nổ” hàng hóa, nhưng họ cũng đang chuẩn bị cho lượng đặt hàng tăng mạnh.

Với các tuyến vận tải từ Trung Quốc sang bờ Tây Mỹ mất từ 3-4 tuần và bờ Đông mất đến 6 tuần, các cảng dự kiến chỉ thấy hàng hóa tăng trở lại vào giữa hoặc cuối tháng 6. Nghĩa là trong ngắn hạn, việc sụt giảm vẫn tiếp diễn trước khi mọi thứ trở nên bận rộn hơn nhiều.

Thuế quan và chuỗi cung ứng: Bài học nào cho tương lai?

Theo Liên minh Cảng biển Tây Bắc, chính sách thuế quan hiện tại – dù được giảm tạm thời – vẫn không thể xóa bỏ hậu quả mà các đợt áp thuế ban đầu gây ra. Sự bất ổn, gián đoạn thị trường, biến động hàng hóa và mất mát đối tác thương mại vẫn là những tổn thất khó hồi phục nhanh chóng.

Một chuỗi cung ứng hiệu quả đòi hỏi sự ổn định và dự đoán được – điều mà chính sách thuế quan thất thường không thể đảm bảo. Tình trạng “lúc trống bến, lúc quá tải” không chỉ gây khó khăn cho cảng mà còn ảnh hưởng đến hàng triệu việc làm phụ thuộc vào vận tải và logistics.

Việc đưa ra các chính sách linh hoạt và ổn định, cùng với hỗ trợ thích hợp cho doanh nghiệp nhỏ, sẽ là chìa khóa để giữ vững hệ thống thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Những con tàu đầu tiên chở hàng Trung Quốc bị áp thuế tới 145% đã cập cảng Los Angeles. Nhập khẩu sụt giảm mạnh, doanh...

Theo Thu Trang (Theo CNN) ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Kinh tế thế giới

Xem Thêm