Những doanh nghiệp nữ đại gia giáo dục Nguyễn Thị Út Em làm lãnh đạo vừa bị bắt có quy mô thế nào?

Thứ Ba, ngày 06/05/2025 05:00 AM (GMT+7)
>> Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Trước khi bị bắt tạm giam, nữ đại gia giáo dục Nguyễn Thị Út Em đang làm lãnh đạo ở một loạt doanh nghiệp có quy mô khác nhau.

Lưu bài Bỏ lưu bài
Chia sẻ

Nữ đại gia giáo dục Nguyễn Thị Út Em bị bắt

Đầu tháng 5/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Thị Út Em - Chủ tịch Hội đồng Trường Quốc tế Mỹ (AISVN), về tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Bà Nguyễn Thị Út Em (sinh năm 1963), quê Vĩnh Long, là Chủ tịch Hội đồng Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế Mỹ AIS (sở hữu Trường AISVN). Thanh tra TP.HCM cũng đã chuyển hồ sơ sang cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đề nghị điều tra, làm rõ dấu hiệu huy động vốn trái phép của CTCP Giáo dục Quốc tế Mỹ, thông qua các hợp đồng vay vốn, hợp đồng đầu tư giáo dục mà đơn vị này ký với phụ huynh học sinh.

Trước đó, cuối năm 2023 và đầu năm 2024, vụ việc phụ huynh cho Trường Quốc tế Mỹ AISVN vay 3.200 tỷ đồng nhưng không đòi được đã gây xôn xao dư luận.

Trường AISVN đã bị Sở GD&ĐT TP.HCM đình chỉ hoạt động trong 12 tháng (từ 1/7/2024)

Trường AISVN đã bị Sở GD&ĐT TP.HCM đình chỉ hoạt động trong 12 tháng (từ 1/7/2024)

Theo phản ánh, phụ huynh cho nhà trường vay từ 2 đến gần 10 tỷ đồng tùy cấp học, không tính lãi, đổi lại được miễn học phí 12 năm. Khi học sinh tốt nghiệp lớp 12, chuyển trường hoặc nghỉ học vì lý do sức khỏe... AISVN sẽ trả lại số tiền đã vay.

Hơn 90% phụ huynh đã đóng tiền đầy đủ cho con mình theo học hết cấp 3 ở AISVN dưới hợp đồng cho vay, hoặc hợp đồng góp vốn đầu tư, tổng cộng lên tới hơn 3.200 tỷ đồng.

Sự việc vỡ lở từ cuối năm 2023, khi nhiều phụ huynh cầu cứu báo chí và pháp luật vì không đòi được nợ. Đến tháng 3/2024, AISVN phải cho toàn thể học sinh nghỉ học. Lý do cho nghỉ là trường gặp khó khăn tài chính, nợ lương và bảo hiểm nên giáo viên, nhân viên đình công.

Thậm chí AISVN đã bị Sở GD&ĐT TP.HCM đình chỉ hoạt động trong 12 tháng (từ 1/7/2024) do nhà trường không đảm bảo điều kiện cho phép hoạt động, gồm nguồn lực tài chính và số lượng cán bộ quản lý giáo dục theo yêu cầu. Bà Út Em bị cơ quan chức năng cấm xuất cảnh.

Ngoài huy động tiền từ hợp đồng góp vốn từ phụ huynh, theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), CTCP Giáo dục Quốc tế Mỹ AIS từng phát hành 3 lô trái phiếu: AIECH2122001 vào tháng 10/2021, kỳ hạn 12 tháng, trị giá 250 tỷ đồng, lãi suất 11%/năm. Lô AIECH2223001 phát hành vào tháng 1/2022, kỳ hạn 18 tháng, trị giá 250 tỷ đồng, lãi suất 11,5%/năm. Lô AIECH2224002 phát hành vào tháng 9/2022, kỳ hạn 24 tháng, trị giá gần 318 tỷ đồng, lãi suất 10,5%/năm. Cả 3 lô trái phiếu đều đã chấm dứt lưu hành.

Trước đó, tháng 7/2023, CTCP Giáo dục Quốc tế Mỹ AIS đã phải xin gia hạn lô trái phiếu AIECH2223001 (tổng giá trị 250 tỷ đồng) rời ngày đáo hạn từ 26/7/2023 sang 26/1/2024 với lãi suất mới tăng lên 12%/năm, thay vì mức cũ 11,5%/năm.

Còn với lô trái phiếu AIECH2224002, CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI) là đại lý lưu ký thanh toán. Ngày 20/9/2023, PSI cho biết CTCP Giáo dục Quốc tế Mỹ đã không thanh toán đầy đủ đúng hạn tiền lãi vào ngày đến hạn thanh toán và không thể khắc phục được trong 7 ngày làm việc kể từ ngày đến hạn.

Hệ sinh thái chằng chịt của nữ đại gia sinh năm 1963

Ngoài CTCP Giáo dục Quốc tế Mỹ AIS, nữ đại gia sinh năm 1963 Nguyễn Thị Út Em còn là đại diện của hàng loạt doanh nghiệp khác chủ yếu liên quan đến lĩnh vực giáo dục, với những cái tên na ná nhau như Công ty CP Đầu tư Giáo dục Quốc tế Mỹ; Công ty CP Đầu tư Đại học Quốc tế Mỹ; Công ty CP Tập đoàn Giáo dục Quốc tế; Công ty CP Tập đoàn Quốc tế Mỹ.

Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, CTCP Giáo dục Quốc tế Mỹ AIS thành lập tháng 10/2018 có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là bà Nguyễn Thị Út Em nắm 90% vốn, ông Hồ Quang Trung nắm 9,9% và ông Hồ Quang Tri nắm 0,1%. Ngày 25/10/2018, công ty này đã nâng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng, gấp 20 lần số vốn ban đầu, cơ cấu góp vốn của các cổ đông không được công bố chi tiết.

Nữ đại gia sinh năm 1963 Nguyễn Thị Út Em làm lãnh đạo ở một loạt doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ hàng trăm tỷ đồng

Nữ đại gia sinh năm 1963 Nguyễn Thị Út Em làm lãnh đạo ở một loạt doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ hàng trăm tỷ đồng

Trong đó, Công ty CP Đầu tư Giáo dục Quốc tế Mỹ được thành lập tháng 12/2013, thời điểm tháng 6/2017 doanh nghiệp có vốn điều lệ hơn 745 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Út Em giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật.

Công ty CP Đầu tư Đại học Quốc tế Mỹ được thành lập tháng 3/2017 với vốn điều lệ 50 tỷ đồng với 3 cổ đông góp vốn, trong đó bà Nguyễn Thị Út Em góp 48 tỷ đồng tương đương 96% cổ phần; cổ đông Trần Thị Tường Vân và Hồ Quang Trung mỗi người góp 1 tỷ đồng tương đương 2% cổ phần mỗi người. Tại đây, bà Nguyễn Thị Út Em giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp.

Đến tháng 6/2017, doanh nghiệp tăng vốn điều lệ từ 50 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng, cơ cấu góp vốn của các cổ đông không được công bố chi tiết. Bà Nguyễn Thị Út Em vẫn giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp.

Công ty CP Tập đoàn Giáo dục Quốc tế được thành lập tháng 12/2017 với vốn điều lệ 300 tỷ đồng với 3 cổ đông góp vốn. Trong đó, bà Nguyễn Thị Út Em góp 240 tỷ đồng tương đương 80% vốn góp; cổ đông Trần Thị Tường Vân góp 15 tỷ đồng tương đương 5% vốn góp và cổ đông Hồ Quang Trung góp 45 tỷ đồng tương đương 15% vốn góp. Bà Nguyễn Thị Út Em giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp.

Trong khi đó, Công ty CP Tập đoàn Quốc tế Mỹ được thành lập tháng 1/2018 với vốn điều lệ 90 tỷ đồng với 3 cổ đông góp vốn. Trong đó, cổ đông Hồ Quang Trung góp 18 tỷ đồng tương đương 20% vốn góp, cổ đông Nguyễn Thị Anh Thư góp 9 tỷ đồng tương đương 10% vốn góp và cổ đông Nguyễn Thị Út Em góp 63 tỷ đồng tương đương 70% vốn góp. Bà Nguyễn Thị Út Em giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp.

Với khoản vay nợ gần 90.000 tỷ đồng, Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long phải trả gần 7 tỷ đồng tiền lãi mỗi ngày trong 3 tháng đầu năm.

Theo Nam Anh([Tên nguồn])
Tin bài cùng sự kiện Kinh tế toàn cảnh
(Lật để xem tiếp Bài cùng sự kiện)
(Lật để xem các tin tiếp theo)
(Lật để xem các tin tiếp theo)
Dành cho phái đẹp
Lên đầu trang