Ông chủ hãng xe máy điện sở hữu nhà máy công suất 40.000 xe/tháng, chỉ đăng ký 5 lao động là ai?
Cùng với VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, doanh nghiệp xe máy điện của doanh nhân sinh năm 1981 này được đánh giá hưởng lợi đáng kể khi Hà Nội hạn chế xe xăng từ ngày 1/7/2026.
Ngày 12/7 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Hà Nội triển khai các giải pháp để tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, bảo đảm đến ngày 1/7/2026 không còn xe mô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu) lưu thông trong khu vực Vành đai 1.
Từ đầu năm 2028, ngoài cấm xe máy chạy xăng dầu, ôtô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu diesel) cũng bị hạn chế trong khu vực vành đai 1 và 2. Đến năm 2030, lộ trình tiếp tục được mở rộng đến vành đai 3.
Giới kinh doanh đánh giá, cùng với VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, hãng xe máy điện Pega của đại gia sinh năm 1981, Đoàn Ngọc Linh được dự báo cũng hưởng lợi đáng kể từ chính sách này.
Theo Báo cáo thị trường xe điện Việt Nam năm 2022 của Kirin Capital, các nhà sản xuất xe điện trong nước chiếm 70% thị phần thị trường xe điện.
Thời điểm tháng 5/2024, doanh nghiệp của ông Đoàn Ngọc Linh chỉ đăng ký 5 lao động
Trong đó, Pega của ông Đoàn Ngọc Linh đứng thứ hai về thị phần xe điện tại Việt Nam với gần 16%, chỉ sau VinFast (của Tập đoàn Vingroup) với hơn 43% thị phần.
Các thương hiệu Trung Quốc như Dibao (11,8%) và Yadea (8,6%) cũng có chỗ đứng nhờ giá cạnh tranh và đa dạng mẫu mã.
Phần còn lại của thị trường khá phân mảnh với sự góp mặt của các thương hiệu như Anbico (8,3%), NIU (6,2%), Gogoro (3,1%), cùng một số cái tên nhỏ hơn như DK Bike, Detech, Vmoto, tất cả đều nắm giữ dưới 3% thị phần.
Theo giới thiệu, Pega là thương hiệu do Công ty cổ phần xe điện Pega LTT (tiền thân là HKbike) quản lý và được biết đến là thương hiệu xe điện đầu tiên tại Việt Nam, nổi lên với hàng loạt xe điện tự thiết kế với nhiều kiểu dáng, mẫu mã.
Hiện Pega đang sở hữu nhà máy lắp ráp rộng 15.000m2 với công suất thiết kế đạt 40.000 xe/tháng. Nhà máy áp dụng các quy trình quản lý chặt chẽ, nghiêm ngặt của các công ty hàng đầu thế giới như Toyota.
Theo công bố, Pega hiện sở hữu nhiều dòng xe máy điện giá dao động 16-55 triệu đồng, xe đạp điện giá dao động 10-14 triệu đồng.
Cùng với đó, hãng xe này cũng đã xây dựng được hệ thống phân phối chính hãng lên đến 300 showroom có diện tích từ 100 – 350m2 được đặt tại các khu vực trung tâm của các thành phố lớn trên toàn quốc và hơn 500 đại lý cấp 2 bán sản phẩm của hãng.
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty cổ phần xe điện Pega LTT được thành lập tháng 12/2018 với vốn điều lệ ban đầu là 3 tỷ đồng, được góp bởi ông Đoàn Ngọc Linh (95%); ông Đỗ Ngọc Sơn (2%) và bà Lưu Thị Tuyết Mai (3%). Ở thời điểm thành lập, ông Đoàn Ngọc Linh giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc và là người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp.
Thời gian qua, doanh nghiệp này có nhiều lần thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp và vốn điều lệ. Trong đó, tháng 5/2020 doanh nghiệp tăng vốn điều lệ từ 3 tỷ đồng lên 7 tỷ đồng và đến tháng 11/2021, công ty tăng vốn điều lệ từ 7 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng, cơ cấu góp vốn của các cổ đông không được công bố cụ thể. Tuy nhiên, ông Đoàn Ngọc Linh sinh năm 1981 vẫn giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc và là người đại diện pháp luật doanh nghiệp.
Dù sở hữu nhà máy lắp ráp với công suất 40.000 xe/tháng, tuy nhiên ở lần thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp gần nhất vào tháng 5/2024, công ty của ông Đoàn Ngọc Linh chỉ đăng ký 5 lao động.
Trước khi tung chính sách mạnh tay hỗ trợ người dân Hà Nội chuyển đổi sang xe điện, VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng...