Bài toán 'trăm nghìn tỷ' khi miễn viện phí hơn 100 triệu dân
Các chuyên gia cho rằng triển khai BHYT toàn dân, thuế từ các mặt hàng có hại cho sức khỏe cùng những phương án tài chính mới sẽ giải được bài toán ngân sách khi miễn viện phí.
Bộ Y tế đang bắt tay xây dựng đề án này với hai mục tiêu là khám sức khỏe định kỳ miễn phí cho người dân ít nhất mỗi năm một lần và miễn viện phí toàn dân. Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết đã xác định lộ trình hai giai đoạn 2026-2030 và 2031-2035 để từng bước hiện thực hóa hai chủ trương quan trọng trên.
Theo tính toán của Bộ Y tế, với 100 triệu dân và chi phí trung bình 250.000 đồng mỗi lần khám, ngân sách cần thiết để bảo đảm mỗi người được khám ít nhất một lần mỗi năm là 25.000 tỷ đồng. Niên giám y tế Việt Nam năm 2020 cũng ghi nhận chi ngân sách nhà nước cho y tế là 124.700 tỷ đồng. Nguồn thu khác cho y tế là từ viện phí, bảo hiểm y tế (BHYT), hoạt động dịch vụ... ước khoảng 147.540 tỷ đồng, trong đó BHYT khoảng 100.000 tỷ. Như vậy, tổng chi cho y tế năm 2020 là 272.240 tỷ đồng.
PGS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng khi miễn viện phí thì "nguồn lực tài chính là yếu tố then chốt". Để giải bài toán chi phí trên cần phát triển BHYT toàn dân, toàn diện, đa dạng hình thức để đảm bảo người dân tiếp cận dịch vụ y tế không gặp rào cản tài chính.
"Khác với học phí có mức thu ổn định ở mỗi cấp, chi phí điều trị y tế rất đa dạng, dao động từ một vài triệu đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí hơn tỷ đồng cho một ca ghép tạng", ông Cơ giải thích. Việc Nhà nước hỗ trợ qua BHYT giúp bù đắp chi phí không đồng đều và tháo gỡ nút thắt tài chính cho các bệnh viện, đồng thời tạo điều kiện để cơ sở y tế phát triển chuyên môn và đầu tư công nghệ mới.
Còn đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cũng cho rằng Nhà nước hỗ trợ người dân thông qua BHYT, bù vào phần chi thêm cho ngành y tế làm việc. Như vậy, các bệnh viện cũng không lo phải quay trở lại thời kỳ bao cấp mà ngược lại vẫn tự chủ và tự chủ một cách thuận lợi, có nguồn lực để đầu tư trang thiết bị y tế, nâng cao trình độ, kỹ thuật.
Thực tế, trên thế giới, chính sách BHYT toàn dân là nền tảng bền vững của các hệ thống an sinh xã hội tiên tiến. Tại các nước Bắc Âu, trong suốt hai thập kỷ qua, chính sách miễn phí hoàn toàn khám chữa bệnh đã góp phần giảm tỷ lệ phá sản hộ gia đình do chi phí y tế xuống dưới 1%, so với mức 8% tại các quốc gia thu nhập trung bình.
Bác sĩ tại Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, chạy đua giành giật sự sống cho người bệnh. Ảnh: Giang Huy
Hiện tỷ lệ bao phủ BHYT tại Việt Nam đạt 94,2% dân số. Luật BHYT sửa đổi năm 2024 đã mang lại một số cải thiện, song các chuyên gia cho rằng những thay đổi này vẫn chưa đủ toàn diện để tạo đột phá. Việc tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao, nhất là bệnh nhân nghèo hoặc mắc bệnh nặng, còn hạn chế do phạm vi chi trả của BHYT đối với thuốc, vật tư, kỹ thuật tiên tiến và nguồn thu cho quỹ còn eo hẹp.
Đặc biệt, trong lộ trình dài hạn để thực hiện miễn viện phí, trước mắt cần xem xét về việc đảm bảo quyền của người bệnh khi tham gia BHYT, với việc cập nhật thường xuyên hơn danh mục thuốc do BHYT chi trả. Hiện tại lần cập nhật toàn diện gần nhất từ năm 2018.
Đồng thuận với các ý kiến trên, Thứ trưởng Thuấn cho hay dự kiến sửa đổi Luật BHYT tiến tới cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh miễn phí cho toàn dân. Việc này nhằm tạo cơ chế cho các nguồn thu mới, như quỹ BHYT bổ sung, từ đó đảm bảo quyền lợi đầy đủ và thực chất hơn cho người bệnh, hướng tới một hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân bền vững và công bằng.
Mức đóng BHYT hiện là 4,5% lương cơ sở, vẫn duy trì được trạng thái tài chính cân đối. Tuy nhiên, khi mở rộng quyền lợi, tăng mức hưởng, tiến tới miễn viện phí thì cần sửa đổi Luật BHYT, tái cơ cấu mức đóng, bảo đảm khả năng chi trả.
Các chuyên gia cũng cho rằng nguồn lực tài chính còn cần huy động từ ngân sách nhà nước, xã hội hóa. Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho rằng có nhiều lựa chọn khác nhau để tài trợ cho việc này, bao gồm cả việc dành riêng doanh thu từ thuế thuốc lá, rượu bia, đồ uống có đường. Một số nước đã dùng doanh thu từ các mặt hàng này để bù đắp ngân sách chi cho y tế. Ví dụ, ở Thái Lan, 2% thuế rượu và thuốc lá tạo quỹ hơn 120 triệu USD/năm để chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Philippines dành đến 85% thuế thuốc lá cho y tế.
Còn ông Cơ đề nghị cân nhắc đưa các phương án tài chính mới với sự tham gia của xã hội, doanh nghiệp vào khung pháp lý rõ ràng để bổ sung nguồn ngân sách cho chăm sóc sức khỏe toàn dân. Ở các nước phát triển, nhiều bệnh viện phi lợi nhuận hoạt động hiệu quả nhờ nguồn vốn từ xã hội hóa, từ các doanh nghiệp đầu tư vào quỹ an sinh. Do đó cần có cơ chế để huy động mạnh mẽ nguồn lực này tham gia vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
"Nếu chúng ta làm tốt việc huy động từ các nguồn này, cùng với tốc độ phát triển kinh tế hiện tại và quyết tâm của toàn xã hội, tôi tin mục tiêu miễn viện phí là hoàn toàn khả thi", ông Cơ nói.
Người bệnh chờ khám tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần
Ngoài vấn đề ngân sách, ông Trí đề nghị ưu tiên áp dụng chính sách miễn viện phí cho những trường hợp như người nghèo, cán bộ cách mạng lão thành, bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với đất nước, cán bộ hưu trí, người cao tuổi, người dân vùng sâu, vùng xa... Sau đó, chính sách mở rộng dần đối tượng, tránh gây áp lực đột ngột lên ngân sách quốc gia.
"Nếu làm tốt hai việc là gắn chính sách này với BHYT và phân nhóm đối tượng thì tôi nghĩ có thể áp dụng ngay chính sách miễn viện phí mà không cần đợi tới năm 2030", ông Trí nói, và lạc quan "mỗi năm làm một ít, tới năm 2030 triển khai ra toàn dân là hoàn toàn khả thi".
Thủ tướng nhấn mạnh cần xác định lộ trình miễn viện phí cho nhân dân sớm nhất có thể, trước hết miễn phí khám chữa bệnh...