Bị chó mèo cắn cần làm ngay điều gì để phòng bệnh dại?
Virus dại là một trong những tác nhân truyền nhiễm nguy hiểm nhất, với tỷ lệ tử vong lên tới 100% nếu người bệnh đã phát cơn dại.
Ngày 14-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk cho biết, vừa ghi nhận thêm 1 trường hợp bệnh nhân tử vong nghi do bệnh dại.
Trường hợp tử vong là bé trai sinh năm 2012 xuất hiện các triệu chứng sốt, người mệt, đau đầu, sợ nước, sợ gió.
Bệnh nhân sau đó được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên với chẩn đoán theo dõi viêm não/theo dõi bệnh dại.
Đến 11 giờ cùng ngày, gia đình đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM tiếp tục điều trị với chẩn đoán bệnh dại lên cơn. Đến đêm 12-7, người nhà xin đưa bệnh nhân về và tử vong trên đường về nhà.
Cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk tiêm phòng bệnh dại cho chó. (Ảnh: NLĐ)
Trước đó, tháng 5/2025, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận một bệnh nhi 8 tuổi ở Vĩnh Phúc được chẩn đoán mắc viêm não do vi rút dại và suy hô hấp.
Được biết, trẻ bị chó nhà cắn vào chân khoảng 5 tháng trước, nhưng không được tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Trẻ được đưa đến bệnh viện tỉnh điều trị nhưng bệnh diễn biến nặng, nên được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ được điều trị tích cực, làm các xét nghiệm chẩn đoán bệnh. Kết quả tìm thấy vi rút dại trong dịch não tuỷ. Sau 4 ngày điều trị tích cực, tình trạng của trẻ tiếp tục xấu đi với suy hô hấp và tổn thương não nặng, tiên lượng tử vong.
Theo các số liệu thống kê, tại Việt Nam, bệnh dại đã lưu hành nhiều năm nay ở hầu hết các tỉnh, thành. Đây là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây tử vong hàng đầu, với tỷ lệ tử vong gần 100% khi xuất hiện các biểu hiện lâm sàng.
TS.BS Ngô Thanh Hà – Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương – cảnh báo: “Chó nhà, kể cả chó nhỏ, nếu không được tiêm vắc-xin định kỳ vẫn có thể mang virus dại, dù không có biểu hiện rõ ràng. Virus tồn tại trong nước bọt và có thể lây sang người qua vết cắn.
Virus dại là một trong những tác nhân truyền nhiễm nguy hiểm nhất, với tỷ lệ tử vong lên tới 100% nếu người bệnh đã phát cơn dại. Người dân cần tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi, không thả rông chó mèo; nếu đưa chó ra ngoài, phải đeo rọ mõm. Tuyệt đối không để trẻ nhỏ tiếp xúc gần với chó lớn khi không có người giám sát. Khi bị chó cắn – kể cả chó đã được tiêm phòng – cần đến cơ sở y tế để được xử trí và tiêm phòng đúng phác đồ.
Bác sĩ cảnh báo mùa hè là thời điểm bệnh dại dễ bùng phát. Nắng nóng khiến chó dễ kích động, hung dữ, trong khi tình trạng thả rông vật nuôi không tiêm phòng vẫn phổ biến. Đây là điều kiện thuận lợi để virus dại lây lan trong cộng đồng. Mỗi sự chủ quan đều có thể phải đánh đổi bằng sức khỏe – thậm chí là tính mạng.
Làm gì khi bị chó mèo cắn?
Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, để chủ động phòng, chống bệnh dại, người dân cần tiêm phòng đầy đủ cho 100% chó, mèo nuôi và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm. Không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi.
Khi bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Vết thương cần được rửa sạch với cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone - Iodine (nếu có). Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương. Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời.
Ngoài ra, người dân nên tiêm phòng bệnh dại càng sớm càng tốt sau khi bị động vật cào, cắn. Không nên chủ quan cho rằng vật nuôi không mang bệnh, hoặc do không thấy dấu hiệu bệnh ở vật nuôi mà bỏ qua việc tiêm vắc-xin.
Nếu chờ cho các con vật xuất hiện dấu hiệu của bệnh dại hoặc chết đi mới tiêm vắc-xin thì có thể đã quá muộn. Nếu động vật không mắc bệnh, việc tiêm vắc- vẫn có hiệu quả bảo vệ dự phòng. Những người thường xuyên tiếp xúc với chó, mèo hoặc có nguy cơ cao bị cắn như bác sĩ thú y, nhân viên chăn nuôi, nhân viên kiểm lâm, khách du lịch… nên tiêm vắc- xin phòng dại trước phơi nhiễm.
Trong vòng 2 năm, 1 bé trai ở Đắk Lắk 3 lần bị chó cắn nhưng không đi tiêm phòng, sau đó tử vong do bệnh dại.