Biến thể mới COVID-19 XEC có tốc độ lây lan nhanh, những ai cần đặc biệt lưu ý?
Theo các chuyên gia, mặc dù tốc độ lây lan cao nhưng các dữ liệu ban đầu cho thấy độc lực của XEC không tăng đáng kể so với Omicron. Tuy nhiên, do khả năng né tránh miễn dịch, ngay cả những người đã tiêm vaccine đầy đủ hoặc từng mắc COVID-19 vẫn có nguy cơ tái nhiễm.
Biến thể XEC là gì?
Thời gian gần đây, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát, sự xuất hiện của biến thể mới với tên gọi XEC đang làm dấy lên những lo ngại mới trong cộng đồng y tế toàn cầu. Biến thể này được phát hiện thông qua hệ thống giám sát gen và đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm cần theo dõi đặc biệt do đặc tính lây lan nhanh chóng và khả năng né tránh miễn dịch.
Theo BSCKII. Dương Quốc Bảo - Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội), biến thể XEC là dòng phụ phát triển từ Omicron, được phát hiện lần đầu tại châu Á vào đầu năm 2024 và nhanh chóng lan rộng ra nhiều quốc gia.
Biến thể XEC được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm cần theo dõi đặc biệt do đặc tính lây lan nhanh chóng và khả năng né tránh miễn dịch. Ảnh minh họa.
Điểm đáng chú ý của biến thể này là sự hiện diện của hơn 30 đột biến trên protein gai, trong đó có ít nhất 5 đột biến mới chưa từng thấy ở các biến thể trước đây. Những đột biến này cho phép virus bám dính tốt hơn vào tế bào người và có khả năng vượt qua hàng rào bảo vệ từ vaccine hoặc nhiễm trùng trước đó.
BS Dương Quốc Bảo cho biết, các nhà khoa học đánh giá biến thể XEC có tốc độ lây lan nhanh hơn khoảng 1,7 lần so với biến thể Omicron trước đó. Điều này có nghĩa là một người nhiễm XEC có thể lây cho trung bình 12-15 người khác trong điều kiện không có biện pháp phòng ngừa.
Đặc biệt, thời gian ủ bệnh của XEC được rút ngắn xuống còn 2-3 ngày, khiến việc phát hiện và ngăn chặn trở nên khó khăn hơn. Tại một số quốc gia, số ca nhiễm XEC đã tăng gấp đôi chỉ sau mỗi 6-7 ngày.
Vị chuyên gia này cho biết thêm, mặc dù tốc độ lây lan cao, các dữ liệu ban đầu cho thấy độc lực của XEC không tăng đáng kể so với Omicron. Tuy nhiên, do khả năng né tránh miễn dịch, ngay cả những người đã tiêm vaccine đầy đủ hoặc từng mắc COVID-19 vẫn có nguy cơ tái nhiễm.
Triệu chứng phổ biến gồm sốt cao, đau đầu dữ dội, ho khan kéo dài, mệt mỏi, và đau cơ. Bên cạnh đó, biến thể này có xu hướng gây ra các triệu chứng về đường tiêu hóa như tiêu chảy và đau bụng nhiều hơn các biến thể trước.
Cũng đề cập đến vấn đề này, TS.BS Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tác nhân SARS-CoV-2 gây ra đợt bùng phát COVID-19 năm 2025 đều là các biến thể phụ của biến chủng Omicron, ghi nhận đó là các biến thể XBB.1.16, XBB.1.5 và nhóm biến chủng XEC.
Trong đó, các biến chủng như XBB đã được các dữ liệu thống kê về dịch tễ tại Việt Nam công bố, còn biến chủng XEC chủ yếu được ghi nhận ở các quốc gia láng giềng như Thái Lan. Hiện hệ thống giám sát dịch tễ của Bộ Y tế Việt Nam đang điều tra, giám sát để có cảnh báo về biến chủng này.
TS Ngãi cho biết thêm, theo dữ liệu thống kê, biến chủng XEC không có tính đột biến về khả năng gây bệnh nhưng có tính chất lây lan nhanh hơn, mạnh hơn rất nhiều so với các cái biến chủng cũ của Omicron. Đây cũng là một điểm lưu ý bởi trong bối cảnh các hoạt động đã trở lại bình thường, kết hợp với các đợt bùng phát các bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh sởi thì biến chủng mới lây lan nhanh hoàn toàn có thể gây ra nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng.
Làm gì trong bối cảnh COVID-19 đang gia tăng?
Trước tình hình lây lan của biến thể XEC tại một số nước khu vực Đông Nam Á, Bộ Y tế cũng đã đưa ra cảnh báo nguy cơ lây lan của biến thể này tại Việt Nam. Dự báo trong thời gian tới, số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương khác có thể tiếp tục gia tăng.
Để phòng ngừa COVID-19, các chuyên gia khuyến cáo, cần tuân thủ đeo khẩu trang nơi công cộng; tránh tập trung nơi đông người, nhất là những người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch... Ảnh minh họa.
Theo TS.BS Lê Kiến Ngãi, với tình hình đang gia tăng các ca mắc COVID-19 ở thời điểm hiện tại, cần lưu ý đến nhóm đối tượng có bệnh nền, người cao tuổi và người bị suy giảm miễn dịch do mắc các bệnh truyền nhiễm khác trước đó, đặc biệt là bệnh sởi. Bởi nhóm người này nếu mắc COVID-19 dễ có diễn biến nguy hiểm và gặp biến chứng nặng hơn.
Cũng theo TS Ngãi, đối với COVID-19 lần này, chúng ta vẫn tập trung vào những biện pháp phòng ngừa như: Không tập trung nơi đông người nhất là những người có bệnh mãn tính, người suy giảm miễn dịch, người vừa mắc sởi…; thực hiện đeo khẩu trang tại nơi công cộng; hạn chế tiếp xúc với những người có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi và các triệu chứng bệnh đường hô hấp khác. Bên cạnh đó, giữ gìn vệ sinh nhà ở, khu vực sinh sống; ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng, chống lại các tác nhân gây bệnh.
Đối với những người có bệnh nền, TS Ngãi cho rằng, việc theo dõi, kiểm soát bệnh là điều cực kỳ cần thiết. Theo đó, cần tuân thủ việc tái khám và dùng thuốc theo chỉ dẫn của thầy thuốc, kết hợp chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh một cách hiệu quả nhất.
Một điều quan trọng khác được vị chuyên gia này nhấn mạnh là đối với COVID-19 hay các bệnh truyền nhiễm có thể dự phòng được bằng vaccine, người dân cần thực hiện tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch, nhất là đối với trẻ nhỏ để giảm nguy cơ mắc bệnh.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội), từ 16/5 - 23/5, Hà Nội ghi nhận 155 trường hợp mắc COVID-19, 0 ca tử vong. Cộng dồn năm 2025 ghi nhận 192 trường hợp, 0 tử vong, số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm 2024 (641/0). Theo CDC Hà Nội, số ca mắc có xu hướng tăng trong 2 tuần gần đây, tiếp tục ghi nhận ca bệnh trong thời gian tới. Để phòng ngừa COVID-19, ngành Y tế Hà Nội khuyến cáo, người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng, bao gồm: Thực hiện 2K (Khẩu trang - Khử khuẩn): Đeo khẩu trang khi đến cơ sở y tế, nơi đông người hoặc trên phương tiện công cộng. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Che miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi; hạn chế tụ tập nơi đông người (nếu không cần thiết), hạn chế tiếp xúc với người có biểu hiện ho, sốt, nghi ngờ mắc bệnh. Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực và dinh dưỡng hợp lý để nâng cao thể trạng. Khi có biểu hiện ho, sốt, khó thở cần đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn kịp thời. |
Theo chuyên gia, dù chưa ghi nhận bệnh nhân nặng hay gặp biến chứng do COVID-19 gây ra, tuy nhiên, COVID-19 trở lại đúng...