Chia sẻ

Người vợ quỳ gối tiễn biệt tạng của chồng

Sự kiện: Sống khỏe
0:00
0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Quảng Ninh Khi tạng của chồng được đưa ra khỏi viện để đến ghép cho bệnh nhân khác, người vợ đứng lặng, mắt đẫm lệ, sau đó quỳ gối, bàn tay run chạm nhẹ vào hộp bảo quản vô trùng.

Sáng sớm 23/5 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, cuộc phẫu thuật đặc biệt diễn ra trong bầu không khí trang nghiêm, xúc động. Người đàn ông 37 tuổi, chết não sau cơn xuất huyết não, hiến 7 tạng gồm tim, phổi, gan, hai thận và hai giác mạc, hồi sinh sự sống cho nhiều người.

Các kíp phẫu thuật bước vào phòng mổ, lấy đa tạng từ bệnh nhân. Bên ngoài, người vợ, là một nhân viên y tế Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, nghẹn ngào dõi theo qua màn hình.

Thời khắc chuẩn bị đưa các tạng ra khỏi phòng mổ, lên đường đến bệnh viện khác để ghép, người vợ mắt đẫm lệ lặng lẽ đứng yên, sau đó quỳ gối, bàn tay run run chạm nhẹ vào từng hộp bảo quản vô trùng - nơi chứa đựng tim, gan, phổi, thận và giác mạc của chồng, như một lời chào tiễn biệt thiêng liêng dành cho từng phần cơ thể của anh.

"Anh đi rồi, nhưng em biết anh vẫn còn sống trong từng nhịp tim, trong hơi thở, trong đôi mắt của những người khác", chị nghẹn ngào.

Người vợ theo dõi ca phẫu thuật qua màn hình. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Người vợ theo dõi ca phẫu thuật qua màn hình. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Đây là ca ghép tạng lần thứ hai từ người cho chết não được thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Bệnh nhân bị xuất huyết não, nhập viện cấp cứu đêm 21/5 trong tình trạng hôn mê sâu, được hồi sức tích cực nhưng không qua khỏi. Các bác sĩ ba lần đánh giá bệnh nhân chết não theo đúng quy trình chuyên môn.

Một bác sĩ thay mặt êkíp gửi lời tri ân: "Chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước nghĩa cử cao đẹp, đây là sự hy sinh cao cả, món quà vô giá, mang hy vọng mới cho những bệnh nhân đang mong chờ cơ hội được ghép tạng".

Ca phẫu thuật được chỉ đạo bởi bác sĩ Bùi Mạnh Hùng, Phó giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh, dưới sự hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật trực tiếp từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội và sự điều phối nguồn tạng của Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia.

Các bác sĩ lấy tim, phổi, gan, hai thận và hai giác mạc. Sau hơn 5 giờ, hai thận được ghép đồng thời ngay trong đêm cho hai bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối - một ở Quảng Ninh, một ở Hà Nội. Tim và gan được vận chuyển khẩn cấp về Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, phổi được điều phối về Bệnh viện Phổi Trung ương, một giác mạc được gửi về Bệnh viện Trung ương Huế, giác mạc còn lại về Bệnh viện Mắt Trung ương.

"Anh ấy mất rồi, nhưng còn biết bao người khác cần được sống. Đó cũng là cách để ba đứa con của chúng tôi có thể tự hào về cha mình đã dũng cảm trao đi sự sống", người vợ xúc động chia sẻ.

Khoảnh khắc người vợ quỳ gối tiễn biệt tạng của chồng. Ảnh: CDC Quảng Ninh cung cấp

Khoảnh khắc người vợ quỳ gối tiễn biệt tạng của chồng. Ảnh: CDC Quảng Ninh cung cấp

Các chuyên gia nhìn nhận ghép tạng là kỹ thuật khó, đặt ra nhiều sức ép. Đầu tiên, cần lựa chọn bệnh nhân có các chỉ số sinh hóa thích hợp với tạng và gần người hiến nhất trong danh sách chờ. Khi đã có bệnh nhân, cần huy động lượng lớn nhân sự y tế tham gia chuẩn bị nhưng vẫn đảm bảo hoạt động của bệnh viện.

Thời gian chuẩn bị ghép phụ thuộc vào tình trạng bệnh, ví dụ người bệnh nhẹ cần 1-3 ngày, ca nặng cần vài tháng. Các khâu được tính toán kỹ lưỡng để phẫu thuật ghép ngay khi có tạng. Trong đó, ghép tim là một kỹ thuật cực kỳ phức tạp với những yêu cầu khắt khe từ khâu chuẩn bị, đến lúc cấy ghép và theo dõi hậu phẫu. Bộ phận này cũng cần phải hoạt động cho đến thời điểm cuối cùng để duy trì tuần hoàn và cung cấp máu đến các cơ quan khác, đảm bảo chúng được bảo quản tốt nhất.

Thời gian phẫu thuật cũng ít chủ động vì phụ thuộc vào nguồn tạng hiến. Khi có người hiến chết não, bác sĩ phải phẫu thuật lấy tạng và xử trí, phẫu thuật ghép ngay.

Ghép tạng là một trong những thành tựu quan trọng nhất của y học nhân loại từ thế kỷ 20. Từ ca ghép thận đầu tiên vào năm 1992 đến nay, cả nước có hơn 9.000 ca ghép tạng được thực hiện, chủ yếu là ghép thận. Việt Nam ghi nhận số ca hiến tạng từ người chết não tăng kỷ lục, với 39 ca hiến tạng từ người chết não trong năm 2024, song vẫn nằm trong nhóm các nước thấp nhất thế giới. Số lượng ca chờ ghép cao, danh sách những người chờ ghép tạng vẫn còn rất dài và mỗi ngày vẫn có rất nhiều người qua đời vì không có tạng để ghép.

Thời gian qua, các chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người được thành lập ở nhiều bệnh viện, giúp tăng đáng kể số người hiến tạng chết não. Nhân viên bệnh viện được tập huấn kiến thức, nhận diện người chết não tiềm năng; chẩn đoán và hồi sức bệnh nhân khi chết não để đảm bảo chất lượng tạng tốt góp phần ghép thành công; thuyết phục gia đình đồng ý, thực hiện lấy mô tạng. Bộ Y tế đang đề xuất cho phép người dưới 18 tuổi được hiến mô, bộ phận cơ thể của mình sau khi chết, song phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện hợp pháp.

Gần 120 y bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, trong đó có 60 y bác sỹ đến từ các trung tâm ghép tạng của Việt Nam đã lấy...

Theo Thúy Quỳnh ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Sống khỏe

Xem Thêm