Chia sẻ

Cấm xe máy xăng ở Hà Nội, dân rục rịch tính bán xe, mang xe về quê

0:00
0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Sau thông tin Thủ tướng yêu cầu Hà Nội lên phương án loại bỏ xe xăng trong Vành đai 1 từ tháng 7/2026, người dân Hà Nội đặc biệt là những người sinh sống và làm việc trong Vành đai 1 sốt sắng tính chuyện bán xe.

Lo mất giá, người dân tính toán bán xe sớm

Theo Chỉ thị 20/CT-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành ngày 12/7, Thủ tướng yêu cầu TP Hà Nội thực hiện các biện pháp để tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 1/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xe chạy bằng xăng, dầu) lưu thông trong Vành đai 1.

Ngay sau khi nghe tin Hà Nội dự kiến cấm xe xăng chạy trong Vành đai 1 từ tháng 7 năm sau, nhiều người dân rục rịch tính toán các phương án đổi xe, bán xe.

Giá xe máy cũ giảm sâu khi có thông tin Hà Nội được yêu cầu lên lộ trình dừng lưu thông xe máy xăng.

Giá xe máy cũ giảm sâu khi có thông tin Hà Nội được yêu cầu lên lộ trình dừng lưu thông xe máy xăng.

Chị T.N (Hà Nội) chia sẻ, gia đình chị N. hiện có 3 xe máy xăng. Công việc của 2 vợ chồng chủ yếu ở Hoàn Kiếm, đường đi nhanh nhất là qua đê Nguyễn Khoái thuộc Vành đai 1.

Ngày 13/7, chị N. mang chiếc xe Liberty đời 2014 đến một công ty thu xe xăng đổi xe điện để định giá. Qua kiểm tra, nếu chị đổi xe xăng sang xe điện sẽ được công ty hỗ trợ 4 triệu đồng.

Chị N. cho hay, sẽ tiếp tục mang xe đến một số cửa hàng thu mua xe máy cũ khác để định giá. Nếu được trả cao hơn, chị sẽ bán lại và thêm tiền mua xe máy điện. Nếu không thì để lại làm kỷ niệm, vì đây là chiếc xe được bố mẹ mua cho từ thời học đại học.

Từ trước tới nay không quan tâm đến xe máy điện, vợ chồng anh Công Thành (phường Nghĩa Đô) cũng bắt đầu tìm hiểu các hãng xe máy điện có trên thị trường sau khi Chỉ thị 20 ngày 12/7 được ban hành.

Mặc dù vợ chồng anh Thành không sinh sống hay làm việc trong khu vực Vành đai 1 nhưng anh chị vẫn tính bán xe máy xăng để mua xe máy điện càng sớm càng tốt.

“Nhà mình không thuộc khu vực Vành đai 1 nhưng cũng không thể nói trước được sẽ không có việc đột xuất bắt buộc phải đến đó. Nên nhà mình tính mua luôn xe máy điện trước ngày 1/7/2025 để đi lại cho tiện”, anh Thành nói.

Trên các hội nhóm về quản lý tài chính, chủ đề nên bán xe xăng sớm hay đợi đến khi cấm đang được nhiều người quan tâm. Không ít người cho rằng nên bán sớm và bán tại các tỉnh vì nếu bán muộn sẽ bị ép giá và nên mua xe điện sớm vì sợ tăng giá.

Nếu chưa muốn bán xe có thể chuyển xe về quê hoặc chuyển mục đích sử dụng, vận chuyển ở những nơi chưa bị cấm để tận dụng hết giá trị của phương tiện.

Theo ghi nhận tại “phố” xe máy cũ Chùa Hà (Hà Nội), lượng khách bán xe nhiều hơn khách mua. Chủ một cửa hàng mua bán xe cũ cho biết, nếu Hà Nội cấm xe máy xăng, ông sẽ đưa các xe máy cũ về cửa hàng ở quê, bán cho người tiêu dùng nông thôn.

Trong khi đó, nhiều người cho rằng nên bình tĩnh chờ văn bản hướng dẫn chính thức lộ trình cấm xe xăng ở Hà Nội.

Mong muốn được hỗ trợ khi chuyển đổi phương tiện

Hà Nội đang đứng trước một bước ngoặt lớn về giao thông khi không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1 từ tháng 7/2026. Hà Nội có hơn 8,5 triệu phương tiện cá nhân đang lưu thông hằng ngày, trong đó khoảng 1,2 triệu ô tô và gần 7,3 triệu xe máy sử dụng xăng hoặc dầu diesel.

Dưới góc độ người dân, chị Nguyễn An (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, bỏ xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch là chủ trương đúng đắn để giảm ô nhiễm môi trường. Dù ban đầu có thể bất tiện, nhưng về lâu dài, đây là giải pháp bền vững để xây dựng một thủ đô xanh, sạch và văn minh hơn.

Tuy nhiên không phải ai cũng có điều kiện để chuyển đổi ngay sang xe máy điện. Chị An rất mong chờ Nhà nước, UBND TP. Hà Nội có cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân hợp lý, thực tiễn các gói hỗ trợ, cho vay ưu đãi hoặc chương trình đổi xe cũ lấy xe mới để giảm gánh nặng chi phí, đặc biệt là những người có thu nhập thấp. Thành phố cũng cần quy hoạch và đầu tư các trạm sạc công cộng tại nhiều bãi gửi xe, điểm sinh hoạt cộng đồng để người dân yên tâm chuyển đổi.

Theo PGS.TS Bùi Thị An (đại biểu Quốc hội khóa XIII, nguyên ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội), chỉ đạo của Thủ tướng là phù hợp với xu hướng chung của cả nước trong việc giải quyết vấn đề về môi trường, đặc biệt với thủ đô thì có ý nghĩa rất quan trọng. Tuy nhiên, để thực hiện được thì không hề đơn giản khi xe máy ở Hà Nội là kế sinh nhai của nhiều người.

"Hà Nội phải dành nguồn kinh phí đáng kể để hỗ trợ thay thế xe cho người dân, chuẩn bị hạ tầng để thay thế cho xe máy. Ngoài ra các điều kiện để hỗ trợ cho xe không dùng nhiên liệu hóa thạch như trạm sạc cũng phải đảm bảo", bà An nói thêm.

Hà Nội - Bữa cơm tối hai ngày qua của gia đình ông Hùng chỉ xoay quanh chuyện sẽ sinh sống thế nào nếu xe máy xăng bị...

Theo Vân Anh ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Cấm xe máy xăng vành đai 1 Hà Nội

Xem Thêm