Chia sẻ

'Mới thông tin kiểm tra lòng se điếu, khắp nơi đã báo hết hàng'

0:00
0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP HCM cho biết sau khi bà phát ngôn về việc sẽ kiểm tra lòng se điếu, nhiều cơ sở kinh doanh lập tức thông báo "hết hàng".

Chiều 8/5, thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP HCM, cho rằng phải phân biệt rõ thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tránh hình thức.

Theo bà Lan, hiện tượng "chuẩn bị trước nên vở sạch chữ đẹp" khiến thanh tra theo kế hoạch không phát huy hiệu quả. "Đơn cử như tôi vừa thông báo sẽ kiểm tra lòng se điếu thì sau đó đi đâu người ta cũng báo... hết hàng. Rõ ràng có dấu hiệu né tránh", bà dẫn chứng.

Bà Lan cho rằng thanh tra đột xuất mới thể hiện đúng vai trò, nghiệp vụ. Tuy nhiên, cần quy định chặt chẽ để tránh bị lạm dụng hoặc trở thành công cụ "ghét thì thanh tra đột xuất". Bà đề nghị sau mỗi lần thanh tra đột xuất phải có báo cáo giải trình nguồn thông tin, căn cứ xác đáng.

"Phải để các cơ sở kinh doanh luôn ý thức rằng có thể bị kiểm tra bất cứ lúc nào và họ phải sợ điều đó", bà nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Trước đó chia sẻ với VnExpress trong bối cảnh lòng se điếu được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội, bà Lan cho rằng lòng se điếu rất hiếm và nghi ngờ sản phẩm rao bán có thể được làm từ phụ gia, hóa chất. Theo bà, hiện chưa có nghiên cứu khoa học về cơ chế hình thành lòng se điếu. Sở An toàn thực phẩm TP HCM đang phối hợp truy xuất nguồn gốc và kiểm nghiệm mẫu để làm rõ nghi vấn phụ gia, chất độc hại.

Doanh nghiệp kêu bị thanh tra quá nhiều, không lớn nổi

Đại biểu Đinh Ngọc Minh, chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, phản ánh tình trạng doanh nghiệp bị thanh tra quá mức tại nhiều địa phương. "Doanh nghiệp vừa khởi công dự án hôm trước, hôm sau thanh tra môi trường đã đến kiểm tra giấy phép", ông nêu thực tế.

Theo ông Minh, điều này khiến doanh nghiệp không thể phát triển, dù họ luôn mong muốn làm ăn nghiêm túc và có lãi. Ông ủng hộ dự thảo luật quy định quy trình thanh tra thống nhất, không phân biệt hành chính và chuyên ngành, nhằm tránh việc nhiều đoàn thanh tra cùng kiểm tra một đối tượng.

Ông cũng đề nghị rút ngắn thời gian thanh tra do Thanh tra Chính phủ thực hiện còn 45 ngày (thay vì 60), chỉ được gia hạn tối đa 15 ngày, giúp địa phương có thêm thời gian tập trung cho phát triển kinh tế, xã hội.

Để hạn chế tiêu cực, ông đề xuất bổ sung quy định cấm cán bộ thanh tra tiếp xúc riêng với đối tượng bị thanh tra nếu không có bên thứ ba giám sát, tránh lặp lại những vụ việc tiêu cực như vụ thanh tra Bộ Xây dựng vòi tiền doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc năm 2019.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh phát biểu chiều 8/5. Video: Vũ Tuân

Đề nghị mỗi địa phương chỉ bị thanh tra một lần mỗi năm

Đồng tình, đại biểu Đặng Ngọc Huy, Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, cho biết từng có một huyện cùng lúc phải tiếp ba đoàn thanh tra về ngân sách, văn bản pháp luật và bảo mật thông tin. "Một thời điểm mà tiếp ba đoàn thì còn đâu thời gian làm việc", ông nói và đề nghị giới hạn số lần thanh tra mỗi năm tại địa phương.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đỗ Đức Hồng Hà cũng dẫn báo cáo cho thấy nhiều cán bộ thanh tra đã bị khởi tố vì lợi dụng chức vụ, vi phạm quy trình công vụ. Ví dụ như nguyên Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Yên Bái Ngô Quốc Trưởng và thanh tra viên Đoàn Việt Hưng bị khởi tố; các cán bộ thanh tra tại Lâm Đồng, Kiên Giang bị xử lý vì hành vi nhận hối lộ.

Do đó ông đề nghị làm rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra trong luật để ngăn ngừa sai phạm.

Luật Thanh tra sửa đổi sẽ được Quốc hội thảo luận tại hội trường ngày 16/5 trước khi xem xét thông qua vào ngày 25/5.

Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm quận Cầu Giấy,TP. Hà Nội vừa kiểm tra đột xuất quán Lòng Chát, tại số 18 Trần...

Theo Vũ Tuân - Sơn Hà ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Thông tin thị trường

Xem Thêm