Chia sẻ

Quán bún, phở ở Hà Nội đồng loạt tăng giá 5.000 đồng/bát

0:00
0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Tại Hà Nội, nhiều quán ăn đã điều chỉnh giá bán. Một số quán bún, phở tăng thêm 5.000 đồng mỗi bát.

Một quán bún tại Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) vừa thông báo điều chỉnh tăng giá sau thời gian dài giữ nguyên mức cũ. Theo chủ quán, do giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh – đặc biệt là thịt, rau xanh, gas và gia vị – việc tăng giá bán là điều bắt buộc để đảm bảo chất lượng món ăn và duy trì hoạt động.

Quán buộc phải tăng thêm 5.000 đồng mỗi suất. Từ mức phổ biến 30.000 đồng trước đây, hầu hết món trong thực đơn đã được điều chỉnh lên 35.000–40.000 đồng/suất.

Chủ quán bún chia sẻ: “Giá nguyên liệu đầu vào tăng liên tục từ đầu năm. Giá 30.000 đồng/suất hiện không còn phù hợp. Chúng tôi buộc phải điều chỉnh giá lên để duy trì hoạt động, dù biết sẽ ảnh hưởng đến lượng khách”.

Giá thịt lợn tăng khoảng 30-40% tùy loại so với năm ngoái, thịt bò cũng đắt thêm khoảng 10%. Nhiều mặt hàng khác như dầu ăn, hạt tiêu cũng tăng giá liên tục.

Cách đó không xa, một quán phở cũng treo biển thông báo tăng giá. Theo chủ quán này, trước đây có nhiều loại phở chỉ 35.000 đồng/bát, nhưng nay thấp nhất là 40.000 đồng. 

Quán phở tăng giá. Ảnh: D.Anh

Quán phở tăng giá. Ảnh: D.Anh

Chủ quán cho biết giá thịt bò, xương ninh nước dùng và các loại rau thơm đều tăng mạnh. Riêng giá thịt bò đã tăng từ 10-15% so với cuối năm ngoái. Giá nguyên liệu đầu vào tăng cùng với chi phí vận chuyển, điện nước khiến các quán ăn buộc phải điều chỉnh thực đơn nếu không muốn chịu lỗ.

Tại một quán phở ở Tây Mỗ (Hoài Đức, Hà Nội), chủ quán thông báo tăng thêm 5.000 đồng cho các món như phở bò tái, tái gầu, tái nạm, nâng giá lên 40.000 đồng/bát. Theo nhân viên cửa hàng, việc tăng giá là cần thiết để duy trì lợi nhuận. Nhờ là quán ăn gia đình, không phải trả chi phí thuê mặt bằng nên trước đây mới giữ được mức giá ổn định trong thời gian dài.

Tình trạng giá cả leo thang không chỉ ảnh hưởng đến người bán mà còn tác động rõ rệt đến thói quen chi tiêu của người tiêu dùng. Nhiều người dân cho biết họ phải cân nhắc kỹ hơn khi ăn uống bên ngoài. “Thấy giá tăng, tôi cũng hạn chế ăn tiệm. Nếu có, tôi sẽ gọi tô nhỏ hoặc ăn ít lại,” anh Hưng, một nhân viên văn phòng chia sẻ.

Bên cạnh nguyên liệu, chi phí mặt bằng cũng là gánh nặng lớn đối với nhiều chủ quán ăn, đặc biệt là ở khu vực trung tâm thành phố. Điều này khiến nhiều quán ăn nhỏ lẻ phải tính đến phương án tăng giá bán hoặc cắt giảm quy mô.

Chủ quán ăn ở Linh Đàm tiết lộ, quán đang phải thuê mặt bằng lên tới 30 triệu đồng/tháng. Chủ nhà liên tục đòi tăng, giá năm sau cao hơn năm trước.

“Khu vực Linh Đàm đông dân, ai cũng tưởng việc buôn bán thuận lợi nên chủ nhà thường xuyên đòi tăng giá thuê. Thực tế thì các quán ăn đang chật vật để tồn tại. Chúng tôi phải xoay sở đủ kiểu để không tăng giá bán mà vẫn phải đảm bảo chất lượng. Doanh thu có xu hướng giảm do lượng khách thắt chặt chi tiêu”, bà nói.

Quán ăn thông báo tăng giá để đảm bảo chất lượng. Ảnh: D.Anh

Quán ăn thông báo tăng giá để đảm bảo chất lượng. Ảnh: D.Anh

“Mỗi tháng tôi tốn vài chục triệu đồng chỉ để thuê mặt bằng hơn 30m2, chưa kể điện nước, nhân công. Không tăng giá thì không trụ nổi”, anh Tuấn, một chủ quán ăn ở Thanh Xuân, bộc bạch.

Nhiều chủ quán cho hay nếu giá thuê mặt bằng tiếp tục tăng như hiện nay, họ buộc phải điều chỉnh giá bán để đảm bảo chi phí vận hành. Điều này đồng nghĩa với việc một suất ăn có thể tăng thêm 5.000-10.000 đồng trong thời gian tới.

Trong hoàn cảnh khó khăn, nhiều quán ăn đã tìm cách xoay xở để tồn tại. Một số cửa hàng bắt đầu bán thêm các món tráng miệng như chè, nước giải khát, vừa tăng doanh thu vừa thu hút khách quay lại. Nhiều quán cũng đẩy mạnh bán hàng online qua các ứng dụng giao đồ ăn để tiếp cận thêm nhóm khách văn phòng hoặc người làm việc tại nhà.

Không ít quán ăn còn chọn giải pháp thuê chung mặt bằng để chia sẻ chi phí thuê, hoặc mở thêm địa điểm kinh doanh ở những khu vực có giá thuê rẻ hơn.

Chị Hường (quận Hoàng Mai) tâm sự: “Trước tôi thuê mặt bằng cả ngày để bán bún, giờ hợp tác với người khác để họ bán mì cay buổi tối. Vừa có thêm doanh thu, vừa giảm áp lực thuê mặt bằng”.

Sau khi tăng giá 5.000 đồng mỗi bát phở, lượng khách giảm hẳn. Chủ quán phở lo khó trụ được lâu vì giá thuê mặt bằng,...

Theo Duy Anh ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Thông tin thị trường

Xem Thêm