Cường quốc giàu có bậc nhất Trung Đông gánh nợ trong bối cảnh mới
Vấn đề nợ gia tăng diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với Ả Rập Xê-út, khi Thái tử Mohammed bin Salman (MBS) chuẩn bị tiếp đón Tổng thống Mỹ Donald Trump đến thăm.
Nợ của Ả Rập Xê-út đã tăng mạnh nhất trong quý I/2025 sau khi chính phủ của quốc gia giàu có bậc nhất Trung Đông tiết lộ thêm các khoản vay trên thị trường tư nhân.
Bloomberg hôm 6/5 dẫn tuyên bố của Bộ Tài chính Ả Rập Xê-út cho biết, nợ ròng của quốc gia giàu dầu mỏ ở vùng Vịnh đã tăng khoảng 30 tỷ USD.
Con số trên thậm chí còn cao hơn cả thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch Covid-19 năm 2020, khi giá dầu giảm xuống mức âm trong thời gian ngắn.
Nợ trong nước tăng 16 tỷ USD, trong đó khoảng 13 tỷ USD đến từ các đợt chào bán riêng lẻ chưa từng được công bố trước đó. Ngoài ra, hơn 14 tỷ USD đã được huy động từ việc bán nợ quốc tế.
Các thỏa thuận nợ tư nhân giúp Bộ Tài chính quản lý nguồn cung trên thị trường, mở rộng cơ sở nhà đầu tư và tận dụng các cơ hội thị trường, một phát ngôn viên của Trung tâm Quản lý Nợ Quốc gia (NDMC) cho biết trong một tuyên bố.
Vị phát ngôn viên của NDMC – một tổ chức của Ả Rập Xê-út có mục tiêu cải thiện tính bền vững của nợ công và quản lý rủi ro tài chính – không cung cấp thông tin chi tiết về các nhà đầu tư.
Cơ sở dầu khí của Tập đoàn năng lượng khổng lồ Saudi Aramco tại Dhahran, miền Đông Ả Rập Xê-út. Ảnh: NY Times
Vấn đề nợ gia tăng diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với Ả Rập Xê-út, khi Thái tử Mohammed bin Salman (MBS) sẽ tiếp đón Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tuần tới. Nhà lãnh đạo Mỹ sẽ tìm kiếm khoản đầu tư 1 nghìn tỷ USD từ Riyadh.
Điều này có vẻ đang trở nên ngày càng phức tạp khi xét đến thâm hụt ngân sách và nợ nần ngày càng tăng của Ả Rập Xê-út.
Các chính phủ trên khắp thế giới thường phát hành trái phiếu trên cả thị trường trái phiếu công và tư. Trái phiếu trên thị trường tư có xu hướng được phát hành nhanh hơn, mặc dù chúng thường chỉ được bán cho một số ít nhà đầu tư và do đó có thể nhỏ hơn trái phiếu công.
Ả Rập Xê-út đã tăng cường vay nợ trong 3 năm qua khi giá dầu giảm và chính phủ duy trì chi tiêu cao để tài trợ cho các dự án lớn của Thái tử MBS, bao gồm cả dự án siêu đô thị Neom.
Thâm hụt ngân sách của vương quốc này đã tăng gần gấp 4 lần trong quý I/2025 so với cùng kỳ năm ngoái và là mức thâm hụt cao nhất kể từ năm 2021, do doanh thu từ dầu mỏ giảm mạnh.
Tuy nhiên, tổng nợ của Ả Rập Xê-út vẫn ở mức 354 tỷ USD, chỉ chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và thấp theo tiêu chuẩn của hầu hết các chính phủ khác.
Ngoài ra, khoản vay của chính phủ đã tăng vọt vì họ kiềm chế không khai thác hơn 400 tỷ USD dự trữ ngoại hối của mình. Những điều đó rất quan trọng đối với khả năng bảo vệ tỉ giá cố định của đồng Riyal so với đồng USD của vương quốc này.
Trước đây, mức tăng nợ theo quý cao nhất của gã khổng lồ OPEC là vào quý II/2020, khi ghi nhận mức tăng khoảng 26 tỷ USD.
Giá dầu đã giảm khoảng 20% kể từ cuối tháng 3. Trong bối cảnh mới bất lợi này, Riyadh có thể phải tiếp tục vay nợ nhiều trong phần còn lại của năm.
Khoản nợ tăng trong quý I/2025 "nhiều hơn mức tài trợ cho khoản thâm hụt ngân sách hàng năm", ông Justin Alexander, Giám đốc của Khalij Economics và là nhà phân tích của công ty tư vấn GlobalSource Partners cho biết.
"Nhưng trên thực tế, có khả năng sẽ cần một lượng phát hành ròng tương tự trong phần còn lại của năm", vị chuyên gia nói.
Các quan chức Ả Rập Xê-út được cho là đang thông báo với các đồng minh và chuyên gia trong ngành rằng quốc gia này không muốn hỗ trợ thị trường dầu mỏ bằng cách cắt giảm nguồn cung thêm nữa và có thể chịu được thời gian giá thấp kéo dài.
Điều đáng mừng là, nền kinh tế Ả Rập Xê-út vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 2,7% trong quý I/2025, được hỗ trợ bởi hoạt động trong lĩnh vực phi dầu mỏ khi vương quốc này đẩy mạnh đa dạng hóa nền kinh tế khỏi hydrocarbon.
Thỏa thuận đất hiếm mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump khẳng định sẽ dẫn đến việc Mỹ đầu tư vào quốc phòng của...