Không cần "tàng hình", oanh tạc cơ chiến lược Trung Quốc vẫn khiến hạm đội Mỹ dè chừng
Không sở hữu những "pháo đài bay" khổng lồ và đắt đỏ như của Mỹ hay Nga, Trung Quốc lựa chọn hướng đi riêng khi cải tiến một thiết kế cũ thời Liên Xô thành H-6N - mẫu máy bay ném bom khiến đối thủ phải dè chừng.
Máy bay ném bom H-6N của Trung Quốc. Ảnh: Military Watch Magazines
Hướng đi khác biệt
Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt tại châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc đang đẩy mạnh hiện đại hóa lực lượng không quân, với máy bay ném bom H-6N nổi bật như một biểu tượng mới. Được mệnh danh là "sát thủ diệt hạm", máy bay ném bom chiến lược này cho thấy cách tiếp cận khác biệt của Bắc Kinh so với các cường quốc như Mỹ hay Nga.
Thay vì đầu tư vào những máy bay ném bom tầm xa liên lục địa như B-2 Spirit (Mỹ) hay Tu-160 (Nga), Trung Quốc tập trung phát triển máy bay ném bom tầm trung phục vụ mục tiêu kiểm soát khu vực, đặc biệt trong chiến lược "Chống tiếp cận/ngăn chặn xâm nhập" (mật danh A2/AD). Hình ảnh H-6N mang theo tên lửa chống hạm siêu thanh YJ-12 dưới bụng đã trở thành dấu ấn đặc trưng của mẫu oanh tạc cơ này.
H-6N cũng được trang bị khả năng tiếp nhiên liệu trên không và có thể mang theo tên lửa đạn đạo phóng từ không trung (ALBM), giúp mở rộng đáng kể tầm đánh và linh hoạt trong tác chiến. Trong khi các máy bay ném bom của Mỹ và Nga được thiết kế cho răn đe hạt nhân toàn cầu, H-6N lại được tối ưu hóa cho nhiệm vụ kiểm soát các vùng biển quan trọng như eo biển Đài Loan.
Tái sinh từ di sản cũ
H-6N được cho là có nguồn gốc từ Tu-16 của Liên Xô. Ảnh: Ryan Dorling
Theo The Diplomat, lịch sử của dòng máy bay H-6 bắt đầu từ thập niên 50, khi Liên Xô chuyển giao công nghệ và bản vẽ của máy bay ném bom phản lực tầm trung Tu-16 cho Trung Quốc.
Tu-16, còn được NATO gọi là 'Badger', là một trong những máy bay ném bom phản lực đầu tiên của Liên Xô, bay lần đầu vào năm 1952. Năm 1959, Trung Quốc bắt đầu sản xuất phiên bản của riêng mình với tên gọi H-6 tại Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Tây An.
Quá trình "nội địa hóa" gặp nhiều khó khăn. Trong thập niên 60-70, Trung Quốc chủ yếu lắp ráp từ các bộ phận do Liên Xô cung cấp, và chất lượng sản xuất ban đầu không ổn định, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng văn hóa. Qua nhiều phiên bản như H-6A (dành cho ném bom hạt nhân) và H-6D (mang tên lửa chống hạm), dòng máy bay này dần được cải tiến.
Một bước nhảy vọt quan trọng xảy ra vào năm 2007 với sự ra đời của phiên bản H-6K. Phiên bản này được trang bị động cơ Soloviev D-30-KP2 mới của Nga, có hiệu suất cao hơn, cùng với mũi kính cho radar hiện đại, buồng lái kỹ thuật số, và khả năng mang tới 6 tên lửa hành trình CJ-10.
Đến khoảng năm 2019, phiên bản H-6N xuất hiện với những cải tiến đặc biệt. H-6N được trang bị đầu tiếp nhiên liệu trên không, tháo bỏ tháp pháo đuôi và hệ thống ném bom để giảm trọng lượng, và tối ưu hóa cho vai trò phóng tên lửa. Điểm nổi bật nhất là khả năng mang một tên lửa chống hạm siêu thanh YJ-12 hoặc tên lửa hành trình CJ-20 dưới thân, thông qua một giá treo khổng lồ.
"Sát thủ diệt hạm"
H-6N được mệnh danh là "sát thủ diệt hạm" . Ảnh: China Defense Blogspot
Chiến lược "Chống tiếp cận/ngăn chặn xâm nhập" (A2/AD) của Trung Quốc đặt mục tiêu chính: Khóa chặt các khu vực chiến lược, ngăn không cho lực lượng đối phương – đặc biệt là các hạm đội hùng mạnh của Mỹ – tiếp cận và hoạt động tự do.
Trong bối cảnh đó, oanh tạc cơ H-6N nổi lên như một "sát thủ diệt hạm" đáng gờm, thực sự là "cơn ác mộng" đối với hải quân đối phương. Sức mạnh của nó nằm ở khả năng phát hiện và trút đòn chính xác vào các tàu chiến từ khoảng cách cực xa, ngoài tầm với của hệ thống phòng thủ đối phương.
H-6N được vũ trang tối tân, nổi bật nhất là tên lửa chống hạm siêu thanh YJ-12 và tên lửa hành trình CJ-20. Theo đánh giá của Missile Defense Advocacy Alliance, YJ-12 là một trong những vũ khí lợi hại của kho vũ khí Trung Quốc: Tầm bắn 400 km, tốc độ Mach 3 (hơn 3.000 km/h), kết hợp khả năng cơ động né tránh tinh vi ngay trước khi đâm vào mục tiêu.
Sự kết hợp này khiến YJ-12 rất khó bị đánh chặn. Đặc biệt khi được phóng từ H-6N – một oanh tạc cơ có khả năng tiếp nhiên liệu trên không, mở rộng tầm hoạt động – mối đe dọa càng trở nên rõ rệt. Không ngạc nhiên khi trang War on the Rocks mô tả YJ-12 là "tên lửa chống hạm nguy hiểm nhất mà Trung Quốc từng chế tạo", có sức uy hiếp cực lớn đối với cả tàu sân bay lẫn các tàu chiến mặt nước hạng nặng.
Bên cạnh YJ-12, H-6N còn mang trong mình mối đe dọa tầm xa CJ-20 (KD-20) với tầm bắn từ 1.500 đến 2.000 km. Missile Defense Advocacy Alliance cho biết, CJ-20 có khả năng mang cả đầu đạn thông thường lẫn hạt nhân (dù một báo cáo năm 2017 từ National Air and Space Intelligence Center phủ nhận khả năng hạt nhân). Dù vậy, CJ-20 vẫn là thanh gươm treo lơ lửng trên đầu các căn cứ quân sự xa xôi của Mỹ và đồng minh.
Bước tiến đáng chú ý gần đây là sự xuất hiện của tên lửa đạn đạo phóng từ không trung (ALBM), được cho là CH-AS-X-13, dưới thân H-6N. The Aviationist nhận định CH-AS-X-13 có thể chính là "vũ khí chủ lực" của H-6N, có khả năng mang đầu đạn siêu thanh cơ động linh hoạt.
Sự bổ sung này nâng tầm hủy diệt của H-6N lên một đẳng cấp mới, đặc biệt trong đối đầu hải quân. ALBM cho phép H-6N "xuất quỷ nhập thần" – phóng tên lửa từ ngoài tầm đánh chặn, vượt qua mạng lưới phòng thủ dày đặc để tiêu diệt mục tiêu hải quân với độ chính xác đáng nể.
Khả năng tiếp dầu trên không là "đôi cánh" vô hình giúp H-6N vươn xa hơn nữa, mở rộng bán kính uy hiếp của Trung Quốc ra khắp khu vực chiến lược.
Theo đánh giá của Lầu Năm Góc năm 2024, Không quân Trung Quốc hiện duy trì khoảng 120 phi cơ H-6 các phiên bản, trong đó đội hình H-6N ước tính có khoảng 20-30 chiếc.
Khác biệt hoàn toàn với những "quái vật" răn đe toàn cầu như Tu-95MS (Nga) hay "sát thủ tàng hình" B-2 (Mỹ), H-6N được tôi luyện cho vai trò khu vực. Nó chính là "cánh tay nối dài" hùng mạnh của hạm đội tàu chiến và hệ thống tên lửa bờ biển Trung Quốc, tập trung vào hai mục tiêu lớn: Thống trị không gian biển và săn lùng tàu chiến đối phương.
Lợi thế sống còn và gánh nặng di sản
H-6N bị đánh giá là vẫn thua xa các oanh tạc cơ hiện đại về tốc độ. Ảnh: China Defense Blogspot
Tuy nhiên, H-6N vẫn chưa thể khắc phục những hạn chế từ cốt lõi thiết kế Tu-16 có từ thập niên 50.
Dù được khoác áo mới, H-6N vẫn thua kém xa các oanh tạc cơ hiện đại về tốc độ, trần bay tối đa và đặc biệt là khả năng cơ động linh hoạt trên không.
Thiết kế hoàn toàn không tàng hình khiến nó rất dễ bị radar đối phương phát hiện. Mối đe dọa này càng trầm trọng hơn khi nó mang theo những tên lửa chống hạm cồng kềnh bên ngoài thân.
Với tầm bay khoảng 6.000 km, H-6N bị bỏ xa bởi B-2 (vươn tới 11.000 km) và nhất là Tu-95MS (đạt ngưỡng 15.000 km). Trọng tải vũ khí cũng chỉ tập trung vào 1-2 tên lửa lớn, trong khi B-2 có thể mang tới 18 tấn bom, còn Tu-95MS có thể mang bom hạt nhân.
Một điểm yếu khác là sự phụ thuộc vào động cơ D-30-KP2 nhập từ Nga, có thể bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt hoặc gián đoạn nguồn cung. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2024, H-6N dễ bị tấn công trên mặt đất, và các chiến lược đối phó có thể tập trung vào việc tung đòn vào các máy bay này trước khi chúng cất cánh.
"Bàn đạp" cho thế hệ vũ khí hiện đại kế cận
Ngay cả khi "cú đấm thép" của Trung Quốc hiện diện, H-6N - "sát thủ diệt hạm" giá rẻ - vẫn không dễ bị thay thế. Ảnh: China Defense Blogspot
Để vươn tới vị thế cường quốc quân sự toàn cầu và tạo ra sức răn đe thực sự với các đối thủ, Trung Quốc hiểu rõ, nước này cần một "sát thủ tàng hình" tầm xa. Đó chính là lý do dự án H-20 ra đời - được quân đội Trung Quốc xác định là "dự án chiến lược đỉnh cao".
Theo Air and Space Forces, H-20 được kỳ vọng sở hữu thiết kế cánh bay tàng hình đẳng cấp, tương tự B-2 Spirit hay "tân binh" B-21 Raider của Mỹ.
Tầm bay tối thiểu của H-20 được cho là vào khoảng 8.500 km, sức mang vũ khí ít nhất 10 tấn. Nếu thành hiện thực, H-20 sẽ là cú đấm thép, cho phép Trung Quốc nhắm tới những mục tiêu xa xôi, kể cả sâu trong lòng nước Mỹ.
Dù PLA công bố dự án H-20 từ 2016 và khẳng định có "tiến bộ lớn" năm 2018, bức màn bí mật về oanh tạc cơ này vẫn dày đặc. Thông tin cụ thể về "sát thủ tàng hình" này là không nhiều.
Các nhà phân tích Mỹ dự báo H-20 khó lòng ra mắt trước thập niên 2030. Một số quan chức Mỹ còn thẳng thừng nhận định nó "không thực sự đáng gờm" do những thách thức kỹ thuật khổng lồ trong công nghệ tàng hình.
Tuy nhiên, một khi cất cánh, H-20 sẽ chính thức đưa Trung Quốc bước vào "câu lạc bộ" những quốc gia sở hữu máy bay ném bom tàng hình - bước ngoặt lịch sử cho sức mạnh không quân.
Ngay cả khi H-20 hiện diện, H-6N - "sát thủ diệt hạm" giá rẻ - vẫn không dễ bị thay thế. Chi phí cực rẻ so với "sát thủ tàng hình" tương lai, kết hợp khả năng mang tên lửa chống hạm siêu thanh, tên lửa hành trình tầm trung vẫn khiến nó hữu dụng.
Máy bay Tu-95MS, một trong những trụ cột của lực lượng răn đe hạt nhân Nga, đang đứng trước phép thử sinh tồn nghiệt ngã...