Loại đạn tên lửa phòng không được săn lùng nhất thế giới hiện nay
Trong bối cảnh các đợt tập kích đường không của Nga nhằm vào Ukraine ngày càng gia tăng, căng thẳng tại Trung Đông vẫn âm ỉ, có một loại vũ khí phòng thủ đang trở nên đặc biệt khan hiếm trên toàn cầu. Đó là tên lửa đánh chặn Patriot PAC-3.
Xe phóng Patriot khai hỏa tên lửa đánh chặn trong một cuộc tập trận ở đảo Đài Loan (Trung Quốc) vào năm 2024. Ảnh: AFP.
Vũ khí phòng không được săn đón khắp thế giới
Hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất là một trong số rất ít hệ thống trên thế giới có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo – loại vũ khí mà Nga liên tục sử dụng tại Ukraine, và cũng là công cụ trong các đòn đáp trả giữa Israel và Iran gần đây.
Theo tờ New York Times (NYT), tính đến năm 2025, Ukraine đã tiếp nhận khoảng 8 tổ hợp Patriot – chỉ đủ bảo vệ một phần nhỏ lãnh thổ. Trong khi đó, nhu cầu toàn cầu với loại tên lửa đánh chặn mà hệ thống này sử dụng đang tăng nhanh, khiến nguồn cung cho Ukraine càng thêm eo hẹp.
Vì sao tên lửa đạn đạo khó đánh chặn?
Thủ đô Kiev ở Ukraine rực lửa trong một cuộc tập kích tầm xa của Nga vào ngày 4/7/2025. Ảnh: AFP.
Không giống tên lửa hành trình có đường bay thấp nhờ động cơ phản lực, tên lửa đạn đạo được phóng theo quỹ đạo cao, vươn lên tầng khí quyển trước khi lao xuống mục tiêu với tốc độ có thể vượt quá 3.200 km/h. Tốc độ cao là lý do tên lửa đạn đạo rất khó bị đánh chặn. Một số mẫu tên lửa đạn đạo mới của Nga còn có khả năng thay đổi hành trình, khiến nỗ lực ngăn chặn càng trở nên khó khăn hơn.
Thiếu hụt tên lửa đánh chặn khiến các vụ tập kích của Nga ngày càng gây thiệt hại lớn hơn cho Ukraine, theo tờ Kyiv Independent.
Điều gì khiến đạn tên lửa Patriot đặc biệt?
Tập đoàn Lockheed Martin – nhà sản xuất tên lửa cho hệ thống Patriot – khẳng định PAC-3 là “đạn tên lửa phòng không tiên tiến nhất thế giới” hiện nay. Một khẩu đội Patriot thường được trang bị nhiều loại tên lửa, có khả năng đánh chặn tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và cả máy bay.
Hệ thống Patriot có hai loại tên lửa chủ yếu: PAC-2 GEM-T và PAC-3. PAC-2 có tầm bắn khoảng 160 km, chủ yếu dùng để đánh chặn máy bay và tên lửa hành trình. Nó sử dụng đầu đạn phân mảnh, phát nổ gần mục tiêu để tạo sát thương.
PAC-3 được thiết kế dành riêng cho các mối đe dọa tốc độ cao như tên lửa đạn đạo. Không sử dụng đầu đạn nổ, PAC-3 phá hủy mục tiêu bằng cú va chạm trực tiếp (hit-to-kill), nhờ vậy đạt độ chính xác cao hơn dù tầm bắn chỉ từ 35–50 km.
Patriot là hệ thống phòng không mà Ukraine muốn sở hữu thêm từ phương Tây. Ảnh: Picture Alliance.
Phiên bản hiện đại nhất là PAC-3 MSE (Missile Segment Enhancement), được trang bị động cơ và khả năng cơ động vượt trội, giúp đánh chặn hiệu quả các loại tên lửa hiện đại như Iskander và Kinzhal của Nga.
“Đây là loại vũ khí đã chứng minh hiệu quả cao”, Dmytro Zhmailo, giám đốc Trung tâm An ninh và Hợp tác Ukraine, nhận định. “Vì vậy Ukraine sẵn sàng mua hoặc thậm chí tìm mọi cách để sở hữu – chúng tôi xem đó là vấn đề an ninh quốc gia”.
Vì sao khan hiếm?
Ngoài nhu cầu tăng cao, tốc độ bổ sung tên lửa đánh chặn của Mỹ dành cho Ukraine diễn ra khá chậm. Đầu tháng 7, một số chuyến hàng Patriot gửi đến Ukraine thậm chí bị tạm dừng do Lầu Năm Góc rà soát kho vũ khí trong nước.
Sau các cuộc thương lượng kéo dài, Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đã đồng ý chuyển cho Ukraine 10 đạn tên lửa đánh chặn Patriot, mỗi quả có giá khoảng 4 triệu USD. Tuy nhiên, theo ông Kharuk, số lượng này chỉ là “muối bỏ bể”.
“Để đánh chặn một mục tiêu đạn đạo, thường phải phóng cùng lúc hai tên lửa Patriot”, ông nói. Chỉ riêng ngày 9/7, Nga được cho là đã phóng 6 tên lửa Kinzhal vào Ukraine – điều này có thể đã khiến Ukraine phải sử dụng tới 12 quả PAC-3 chỉ trong một đợt tập kích mà chưa chắc đã ngăn chặn được toàn bộ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 14/7 thông báo sẽ gửi thêm 17 tổ hợp phòng không Patriot cho Ukraine. Ảnh: Bloomberg.
Tổng thống Volodymyr Zelensky đã nhiều lần kêu gọi các nước phương Tây cung cấp thêm hệ thống Patriot. Ông cũng tuyên bố Ukraine sẵn sàng mua hoặc tự sản xuất loại tên lửa này nếu được Mỹ cấp phép.
Tuy vậy, quá trình tiếp cận nguồn cung vẫn rất chậm chạp. Các quốc gia đối tác đều dè dặt vì chính họ cũng đang thiếu hệ thống phòng không, trong khi việc mở rộng sản xuất cả hệ thống lẫn tên lửa yêu cầu thời gian và chi phí lớn.
Phương Tây thiếu hụt lâu dài
Frank Ledwidge, chuyên gia chiến lược quân sự tại Đại học Portsmouth (Anh), cho rằng nguyên nhân sâu xa là do phương Tây đã cắt giảm ngân sách quốc phòng trong nhiều thập niên, khiến dây chuyền sản xuất vũ khí không thể đáp ứng tình hình hiện tại.
Tờ Guardian cho biết, Mỹ hiện chỉ còn khoảng 25% số lượng tên lửa đánh chặn Patriot cần thiết để đáp ứng kế hoạch của Lầu Năm Góc. Nhiều tên lửa đã được sử dụng ở Trung Đông, trong khi Mỹ chỉ sản xuất khoảng 600 quả mỗi năm.
Trong khi đó, Iran – một đối thủ tiềm tàng – được cho là đã tích trữ hơn 1.000 tên lửa đạn đạo. Điều này khiến Mỹ phải cân nhắc việc cung cấp tên lửa cho Ukraine, vì ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phòng thủ của chính họ, nhất là ở Thái Bình Dương.
“Không ai biết chính xác Mỹ còn lại bao nhiêu đạn tên lửa Patriot – và họ cũng không nên công bố”, Ledwidge nói. “Nhưng rõ ràng họ đang ở thế bất lợi”.
“Washington có thể không cố tình trì hoãn việc viện trợ, mà đơn giản là họ cũng đang gặp khó khăn về nguồn lực”, ông nhấn mạnh.
Hôm 8/7, Phó Chủ tịch chương trình PAC-3 của Lockheed Martin, Brian Kubik tuyên bố tập đoàn đang “liên tục nâng cấp” tên lửa nhằm thích ứng với bối cảnh thế giới ngày càng phúc tạp.
“Các sự kiện gần đây cho thấy vai trò thiết yếu của PAC-3 trong việc bảo vệ cơ sở hạ tầng và tài sản chiến lược”, ông nói. Nhưng trong ngắn hạn, bài toán thiếu hụt vẫn chưa có lời giải, theo tờ Kyiv Independent.
Tổng tham mưu trưởng các Lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov đã thị sát cụm quân trung tâm của nước này đang chiến...