Mỹ rơi vào thế khó khi Houthi bắn rơi hàng loạt UAV Reaper
Mỹ chưa thể chuyển sang giai đoạn mới trong chiến dịch chống Houthi, do chưa làm chủ được bầu trời và nhóm vũ trang vẫn là mối đe dọa lớn.
Quan chức Mỹ giấu tên hôm 28/4 tiết lộ 7 máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper, mỗi chiếc có giá xuất xưởng khoảng 30 triệu USD, đã bị rơi tại khu vực Yemen trong vòng một tháng rưỡi kể từ khi Washington phát động chiến dịch không kích dữ dội nhằm vào nhóm vũ trang Houthi.
Hàng loạt quan chức Mỹ am hiểu vấn đề thừa nhận với CNN rằng tình hình này đã "cản trở Washington bước sang giai đoạn hai của chiến dịch".
"Quân đội Mỹ hy vọng sẽ làm chủ bầu trời Yemen trong vòng 30 ngày và làm suy yếu năng lực phòng không Houthi đến mức có thể bắt đầu giai đoạn tập trung vào thu thập tin tức tình báo, trinh sát và do thám, nhằm truy tìm các lãnh đạo cấp cao của nhóm vũ trang rồi hạ sát họ", một người nói.
Tuy nhiên, loại máy bay phù hợp nhất để thực hiện nhiệm vụ này là UAV MQ-9 lại liên tục bị Houthi bắn hạ khi hoạt động trên bầu trời của Yemen. Một số quan chức Mỹ chỉ ra rằng Houthi ngày càng thành công hơn trong nỗ lực tiêu diệt các trinh sát cơ của Washington.
Xác UAV MQ-9 bị Houthi bắn hạ ngày 9/4. Video: Houthi
Nhóm vũ trang Yemen tuần trước tuyên bố đã hạ tổng cộng 22 chiếc Reaper của Mỹ từ tháng 10/2023, thời điểm họ phát động chiến dịch tập kích Biển Đỏ nhằm thể hiện ủng hộ người dân Palestine ở Dải Gaza, trong đó 7 chiếc bị tiêu diệt chỉ trong tháng này.
Mỹ không triển khai lực lượng trên bộ tại Yemen, nên họ phải dựa vào hoạt động giám sát trên không, phần lớn do phi đội MQ-9 đảm nhận, để theo dõi đối phương và đánh giá thiệt hại sau các đòn không kích. Việc liên tục mất UAV MQ-9 khiến quân đội Mỹ khó xác định rõ ràng sức mạnh và mức độ suy yếu của đối phương.
Bộ tư lệnh Trung tâm (CENTCOM), cơ quan đặc trách hoạt động của quân đội Mỹ tại Trung Đông, hôm 27/4 tuyên bố đã tấn công hơn 800 mục tiêu của Houthi, hạ sát hàng trăm tay súng và nhiều thủ lĩnh của nhóm vũ trang trong một tháng rưỡi không kích.
Dù vậy, truyền thông Mỹ nói rằng những thủ lĩnh bị hạ sát chỉ là thành viên cấp trung của Houthi, không phải lãnh đạo cấp cao.
Bất chấp các đợt không kích của Mỹ, lực lượng Houthi trong 6 tuần qua đã triển khai tổng cộng 77 UAV tự sát, 30 tên lửa hành trình, 24 tên lửa đạn đạo tầm trung, 23 tên lửa phòng không nhằm vào lực lượng Mỹ ở Biển Đỏ và lãnh thổ Israel, theo hai quan chức giấu tên.
Phòng không Houthi vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng với máy bay Mỹ, thể hiện khi Washington phải huy động nhiều loại vũ khí đắt tiền trong chiến dịch không kích.
CENTCOM hôm 22/4 công bố hình ảnh tiêm kích tác chiến điện tử EA-18G Growler mang theo 4 tên lửa diệt radar dòng AGM-88, gấp đôi cấu hình vũ khí thông thường, khi làm nhiệm vụ ngoài khơi Yemen. Tiêm kích hạm tàng hình F-35C cũng bắt đầu đánh chặn UAV và nhiều khả năng làm cả nhiệm vụ trinh sát, nhằm hạn chế nguy cơ từ radar và tên lửa phòng không của Houthi.
Không quân Mỹ hồi tháng 3 cũng điều động 6 oanh tạc cơ tàng hình B-2, tương đương gần 50% phi đội sẵn sàng chiến đấu của nước này, đến tiền đồn Diego Garcia ở Ấn Độ Dương để tham gia chiến dịch.
UAV MQ-9 của không quân Mỹ trong cuộc thử nghiệm ở bang Nevada tháng 8/2023. Ảnh: USAF
Cộng đồng tình báo Mỹ gần đây đánh giá năng lực và quyết tâm của Houthi nhằm tập kích tàu thuyền đi qua Biển Đỏ hầu như không suy suyển, bộ máy chỉ huy và điều hành của lực lượng này vẫn gần như nguyên vẹn. "Đánh giá này được đưa ra dựa trên phân tích tín hiệu chặn thu từ thực địa", một quan chức tiết lộ.
Khi được hỏi liệu tình trạng Houthi liên tiếp bắn rơi UAV MQ-9 có ảnh hưởng tiêu cực tới chiến dịch của Mỹ hay không, một quan chức quốc phòng nước này cho biết Lầu Năm Góc "đang điều tra về hoàn cảnh của từng sự việc".
"Chúng tôi biết Houthi thường xuyên tuyên bố bắn hạ UAV Mỹ. Hỏa lực của đối phương có thể là một trong những nguyên nhân khiến chúng rơi tại Yemen, song những yếu tố khác như tần suất hoạt động cao hơn cũng có thể làm tăng rủi ro. Mỹ sẽ thực hiện mọi biện pháp có thể để bảo vệ binh sĩ, thiết bị và lợi ích trong khu vực", người này nói thêm.
Phát ngôn viên CENTCOM Dave Eastburn cho biết không thể tiết lộ thông tin chi tiết về hoạt động của quân đội Mỹ trong khu vực để bảo đảm bí mật tác chiến. Tuy nhiên, ông khẳng định các cuộc không kích "đã phá hủy nhiều sở chỉ huy, hệ thống phòng không, cơ sở chế tạo và cất giữ vũ khí tiên tiến".
Giới chức Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục tấn công Houthi tới khi nào lực lượng này không thể tập kích tàu thuyền đi qua Biển Đỏ. Tuy nhiên, nhóm vũ trang Yemen từ lâu đã chứng minh khả năng chống chọi chiến dịch quân sự kéo dài nhiều năm do Arab Saudi dẫn đầu, cũng như các đợt không kích trong hơn một năm dưới thời chính quyền cựu tổng thống Joe Biden.
Khu vực Houthi kiểm soát tại Yemen. Đồ họa: AFP
Trong khi đó, chi phí cho các cuộc không kích của Mỹ tại Yemen ngày càng tăng. Giới chức Mỹ không công bố con số cụ thể, nhưng các nguồn tin am hiểu tình hình cho biết quân đội Mỹ đã tốn gần một tỷ USD chỉ trong 3 tuần đầu tiên.
Chiến dịch tấn công quy mô lớn nhằm vào Houthi cũng khiến một số chỉ huy thuộc Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (PACOM) của Mỹ lo ngại.
Họ phàn nàn về tốc độ tiêu hao của CENTCOM đối với những vũ khí tầm xa có vai trò quan trọng trong trường hợp bùng phát xung đột tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như việc điều động nhiều khí tài quan trọng như tàu sân bay hạt nhân và hệ thống phòng không Patriot đến Trung Đông.
"Chúng tôi phải duy trì trạng thái cảnh giác cao độ để có thể đưa các khí tài đó quay lại nếu xảy ra khủng hoảng mang tính cấp bách hơn những gì đang diễn ra tại khu vực do CENTCOM phụ trách", chỉ huy PACOM Sam Paparo cho biết.
Lực lượng Houthi tuyên bố phóng tên lửa vào hai tàu sân bay Mỹ sau khi Mỹ không kích một cảng nhiên liệu ở Yemen khiến...