Sự kiện chấn động ở Iran khiến nước Mỹ bàng hoàng
Khi hàng triệu người Iran đổ xuống đường đón giáo sĩ Ruhollah Khomeini trở về vào tháng 2/1979 sau quá trình sống lưu vong, không ai ngờ rằng sự trở về này sẽ góp phần tạo ra một trong những vết đứt gãy địa chính trị dai dẳng nhất thế kỷ XX.
Giáo sĩ Ruhollah Khomeini trở về Iran năm 1979 sau thời gian sống lưu vong ở nước ngoài. Ảnh: Britannica
Mầm mống của sự phẫn nộ
Năm 1979, Tehran rung chuyển bởi những tiếng hô vang của hàng triệu người dân đòi lật đổ chế độ quân chủ của vua Mohammad Reza Pahlavi.
Theo trang Britannica, để hiểu được tâm lý chống Mỹ của người Iran năm 1979, cần quay lại năm 1953, khi Cơ quan tình báo trung ương CIA Mỹ và Cục tình báo mật MI6 Anh dàn dựng một cuộc đảo chính lật đổ Thủ tướng Iran Mohammad Mosaddegh, người muốn quốc hữu hóa ngành dầu mỏ của Iran.
Ông Pahlavi được đưa trở lại ngai vàng, trở thành đồng minh thân cận của Mỹ. Trang Britannica cho rằng sự kiện này để lại "vết thương sâu sắc" trong lòng người dân Iran, khi họ cảm thấy chủ quyền quốc gia bị phương Tây thao túng.
Trong những thập kỷ tiếp theo, vua Pahlavi thực hiện “Cách mạng Trắng”, một chương trình hiện đại hóa nhằm đưa Iran tiến gần hơn với phương Tây. Tuy nhiên, theo trang History, các cải cách này chủ yếu mang lại lợi ích cho tầng lớp thượng lưu đô thị và các công ty nước ngoài, trong khi người dân nông thôn và tầng lớp lao động bị bỏ lại phía sau.
Chế độ của vua Pahlavi, được Mỹ hỗ trợ, sử dụng cảnh sát mật SAVAK để đàn áp phe đối lập, gây ra sự bất mãn lan rộng. Quan hệ thân thiết của vua Pahlavi với Mỹ và Israel càng làm gia tăng sự phẫn nộ, đặc biệt trong giới giáo sĩ Hồi giáo và những người theo chủ nghĩa dân tộc.
Sự kiện chấn động
Một cuộc biểu tình ở Iran phản đối vua Pahlavi vào thập niên 70. Ảnh: Foundsf
Đến cuối thập niên 70, Iran như một nồi áp suất sẵn sàng bùng nổ. Theo trang History, lạm phát cao, thất nghiệp và bất bình đẳng kinh tế đã đẩy người dân đến giới hạn. Giáo sĩ Ayatollah Khomeini, bị lưu đày từ năm 1964 vì chỉ trích vua Pahlavi, trở thành ngọn cờ đầu của phong trào đối lập. Từ Iraq và sau đó là Pháp, ông Khomeini truyền tải những bài giảng qua băng cát sét, kêu gọi lật đổ chế độ quân chủ và thiết lập một nhà nước Hồi giáo độc lập.
Năm 1978, làn sóng biểu tình lan rộng khắp Iran. Một bài báo bôi nhọ ông Khomeini trên tờ báo nhà nước đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình bị trấn áp thẳng tay ở tỉnh Qom, dẫn đến chu kỳ biểu tình tưởng niệm cứ mỗi 40 ngày.
Theo trang History, những sự kiện như vụ cháy rạp chiếu phim Abadan, khiến hàng trăm người thiệt mạng, và “Thứ sáu Đen” tại quảng trường Jaleh ở thủ đô Tehran, nơi lực lượng an ninh bắn vào đám đông, đã làm bùng lên cơn thịnh nộ của người dân Iran. Các cuộc đình công, đặc biệt trong ngành dầu mỏ, làm tê liệt nền kinh tế.
Đến tháng 1/1979, vua Pahlavi, ốm yếu vì bệnh ung thư và chịu áp lực lớn từ các cuộc biểu tình, rời Iran với lý do “đi nghỉ”. Ngày 1/2, ông Khomeini trở về Tehran, được chào đón bởi hàng triệu người. Theo trang Britannica, chỉ vài ngày sau, quân đội tuyên bố trung lập, đánh dấu sự sụp đổ của chế độ quân chủ. Đến tháng 4, một cuộc trưng cầu dân ý tuyên bố Iran là Cộng hòa Hồi giáo, với ông Khomeini là lãnh đạo tối cao theo nguyên tắc "velāyat-e faqīh" (quyền cai trị của giáo sĩ).
Tâm lý chống Mỹ
Tháng 1/1979, Tehran rung chuyển bởi làn sóng biểu tình ủng hộ giáo sĩ Ruhollah Khomeini. Ảnh: Getty
Tư tưởng chống Mỹ là động lực chính của Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979. Theo ABC, ông Khomeini gọi Mỹ là “Quỷ dữ lớn” và kêu gọi “thanh trừng những bộ óc yêu Mỹ”.
Giáo sĩ này cáo buộc Mỹ hậu thuẫn chế độ áp bức của vua Pahlavi và khai thác tài nguyên của Iran. Lời kêu gọi này được cho là chất keo gắn kết các tầng lớp xã hội, từ trí thức thế tục đến người lao động nghèo, trong một mục tiêu chung: Thoát khỏi sự chi phối của phương Tây.
Theo Viện Brookings (Mỹ), một nhà khoa học chính trị Iran vào tháng 3/1979 đã nói với một phóng viên phương Tây: “Rõ ràng điều này không thể kéo dài mãi mãi”, ám chỉ căng thẳng không thể hòa giải giữa chế độ mới và Mỹ.
Một nhà báo của New York Times đã mô tả sự bối rối của phương Tây trước sự sụp đổ của chế độ vua Pahlavi: “Làm sao Iran, với dầu mỏ và vị trí chiến lược, lại rơi vào tay một giáo sĩ như bước ra từ thế kỷ 13?”. Sự chuyển đổi của Iran, từ một đồng minh an ninh của Mỹ sang một chế độ chống Mỹ gay gắt, đã khiến Washington bàng hoàng.
Bùng nổ thù địch và thảm họa giải cứu
Một nhóm người Iran đốt cờ Mỹ sau khi xông vào chiếm Đại sứ quán Mỹ tại Tehran năm 1979. Ảnh: Getty
Sự phẫn nộ chống Mỹ bùng nổ vào ngày 4/11/1979, khi 500 sinh viên Iran, được ông Khomeini ủng hộ, chiếm Đại sứ quán Mỹ ở Tehran, bắt giữ 66 người Mỹ làm con tin.
Theo The Collector, hành động này được châm ngòi bởi quyết định của Tổng thống Mỹ Jimmy Carter khi đó cho phép vua Pahlavi nhập cảnh Mỹ để điều trị ung thư, một động thái bị xem là nỗ lực khôi phục quyền lực cho vị vua này.
Ban đầu, các sinh viên Iran chỉ định chiếm đóng 3 ngày, nhưng sau đó tình hình leo thang khi ông Khomeini tuyên bố Đại sứ quán Mỹ tại Tehran là "sào huyệt gián điệp" và kêu gọi thực hiện cuộc "cách mạng lần hai".
Theo ABC, các con tin, giảm xuống còn 52 người, phải chịu điều kiện giam giữ khắc nghiệt.
Robert C. Ode, một nhân viên lãnh sự 65 tuổi, viết trong nhật ký: “Tôi phản đối mạnh mẽ việc vi phạm quyền miễn trừ ngoại giao của mình, nhưng đều bị phớt lờ”. Ông Ode mô tả việc bị trói tay suốt ngày đêm (chỉ được cởi khi đi ăn hoặc đi vệ sinh) và bị cấm nói chuyện với các con tin khác.
David Roeder, một con tin khác, kể lại việc bị đe dọa rằng con trai ông sẽ bị bắt cóc và hành hạ. Các con tin bị bịt mắt, nhốt trong phòng kín và bị buộc quỳ gối trước ống kính truyền hình.
Viện Brookings nhận định, việc chiếm Đại sứ quán Mỹ giúp ông Khomeini dẹp tan phe ôn hòa ở Iran, biến "chống Mỹ" thành cốt lõi của cuộc cách mạng. "Chúng tôi từng thống trị đất nước này" – một nhà ngoại giao Mỹ thừa nhận trong cay đắng tháng 2/1979. "Nhưng giờ thì chẳng kiểm soát nổi cả tòa đại sứ".
Cuộc khủng hoảng kéo dài 444 ngày, làm tê liệt chính quyền Mỹ của Tổng thống Carter. Theo ABC, ông Carter mô tả đây là “giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời tôi”.
Theo History, Tổng thống Carter áp lệnh trừng phạt kinh tế: đóng băng tài sản Iran, cấm nhập khẩu dầu, trục xuất 183 nhà ngoại giao. Nhưng giáo sĩ Khomeini xem đây là "bằng chứng Mỹ muốn bóp nghẹt Iran", biến con tin thành lá bài vận động người dân Iran giữ tinh thần chống Mỹ.
Washington năm 1980 mở một chiến dịch giải cứu các con tin. Trang ABC thuật lại chiến dịch "Móng vuốt Đại bàng”: Đêm 24/4/1980, 8 trực thăng hải quân Mỹ âm thầm tiếp cận sa mạc Iran. Nhưng kế hoạch đổ vỡ thảm khốc.
Ba trực thăng hỏng động cơ giữa bão cát. Khi rút lui, một chiếc CH-53 đâm trực diện vào máy bay vận tải C-130, khiến 8 lính Mỹ thiệt mạng.
Ông Carter tuyên bố nhận trách nhiệm toàn bộ, nhưng hình ảnh Tổng thống Mỹ "bất lực" được phóng đại qua màn hình TV. "Đài ABC và NBC mỗi tối đều hiển thị số ngày con tin bị giam giữ", Theo Stephen Loosley, chuyên gia tại Đại học Sydney (Úc).
Ngày 19/1/1981, Mỹ và Iran ký hiệp định Algiers - một thỏa thuận ngoại giao do chính phủ Algeria làm trung gian - chấm dứt cuộc khủng hoảng con tin tại đại sứ quán Mỹ ở Tehran, kéo dài 444 ngày.
Theo hiệp định, Iran thả toàn bộ con tin sau khi ông Ronald Reagan nhậm chức Tổng thống Mỹ. Trong khi đó, Washington phải bồi thường cho Tehran 8 tỷ USD do các lệnh trừng phạt trước đó và cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ của Iran.
Vết cắt không lành
Một số lính thủy đánh bộ Mỹ bị bắt làm con tin trong cuộc khủng hoảng con tin năm 1979 ở Iran. Ảnh: Wikipedia
Cuộc cách mạng Hồi giáo và khủng hoảng con tin năm 1979 đã kết thúc mối quan hệ ngoại giao Mỹ - Iran, từng có thời kỳ vàng son.
Theo trang History, Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế và cắt đứt quan hệ vào năm 1980. Trong cuộc chiến Iran-Iraq (1980-1988), Mỹ hỗ trợ Iraq, cung cấp tình báo và viện trợ quân sự, làm sâu sắc thêm sự thù địch.
Theo The Collector, ở Iran, ông Khomeini củng cố quyền lực, dập tắt phe đối lập ôn hòa và định hình lập trường chống Mỹ của chế độ.
Đại sứ quán Mỹ cũ ở Tehran giờ là một bảo tàng, được gọi là “Sào huyệt gián điệp Mỹ”, biểu tượng cho sự thách thức phương Tây của Tehran.
Sự thù địch Mỹ - Iran đã định hình chính sách đối ngoại của cả hai quốc gia, với các lệnh trừng phạt và xung đột lợi ích tiếp tục cản trở đối thoại kể từ thập niên 80 đến hiện tại.
------------------------
Một sai lầm tai hại của tàu chiến Mỹ đã gây ra thảm kịch tàn khốc, khiến toàn bộ 290 người, phần lớn là công dân Iran, thiệt mạng. Bi kịch ấy không chỉ gây chấn động thế giới, mà còn khoét sâu vết nứt địa chính trị kéo dài hơn 4 thập kỷ, đẩy Mỹ và Iran vào vòng xoáy trả đũa không lối thoát. Mời độc giả cùng theo dõi toàn cảnh quá trình đầy nghẹt thở ấy trong bài tiếp theo, đăng tối 14/7.
Trước năm 1979, hình ảnh phụ nữ Iran mặc bikini, lái xe tự do ở Tehran có thể khiến nhiều người ngày nay sửng sốt. Những...