Chia sẻ

Thế giới 24h: Báo Mỹ nêu tên người nghi gạt công tắc gây thảm kịch máy bay 260 người chết ở Ấn Độ

0:00
0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Một đoạn ghi âm trong buồng lái cho thấy cơ trưởng chuyến bay Air India gặp nạn hồi tháng trước có thể đã cắt nguồn cấp nhiên liệu cho động cơ máy bay, theo báo Wall Street Journal (WSJ).

Một sĩ quan cảnh sát đứng trước đống đổ nát của chiếc máy bay Air India đã gặp nạn trong lúc cất cánh từ sân bay ở Ahmedabad, Ấn Độ, ngày 12/6/2025. Ảnh: Reuters

Một sĩ quan cảnh sát đứng trước đống đổ nát của chiếc máy bay Air India đã gặp nạn trong lúc cất cánh từ sân bay ở Ahmedabad, Ấn Độ, ngày 12/6/2025. Ảnh: Reuters

Báo Mỹ chỉ ra người có thể ngắt công tắc nhiên liệu máy bay Ấn Độ

Tờ báo dẫn lời những người am hiểu đánh giá ban đầu của giới chức Mỹ đối với bằng chứng trong cuộc điều tra tai nạn ngày 12/6 liên quan đến chiếc Boeing 787 Dreamliner tại Ahmedabad, Ấn Độ — vụ việc khiến 260 người thiệt mạng.

Theo báo cáo sơ bộ do Cục điều tra tai nạn hàng không Ấn Độ (AAIB) công bố ngày 12/6, một phi công được nghe thấy hỏi đồng nghiệp của mình trên máy ghi âm buồng lái rằng tại sao lại ngắt công tắc nhiên liệu, và người kia đáp rằng “tôi không làm thế".

Báo cáo không xác định cụ thể phát ngôn đó là của ông Sumeet Sabharwal – cơ trưởng, hay ông Clive Kunder – cơ phó. Hai người có tổng số giờ bay lần lượt là 15.638 và 3.403.

Theo báo Wall Street Journal, cơ phó Kunder – người đang trực tiếp điều khiển máy bay – đã hỏi cơ trưởng Sabharwal tại sao lại đưa công tắc nhiên liệu về vị trí “ngắt” chỉ vài giây sau khi máy bay cất cánh khỏi đường băng.

Tuy nhiên, WSJ không cho biết có bằng chứng nào xác nhận cơ trưởng Sabharwal đã thực sự ngắt công tắc, ngoài đoạn đối thoại được ghi âm. 

Dù vậy, tờ báo dẫn lời một số phi công Mỹ đã đọc báo cáo của giới chức Ấn Độ, cho rằng tại thời điểm đó, cơ phó Kunder – người đang kiểm soát máy bay – hẳn đã phải dồn toàn bộ sự chú ý để kéo cần điều khiển của chiếc Dreamliner, nên khó có khả năng ông Kunder thực hiện việc chuyển công tắc.

Cục điều tra tai nạn hàng không Ấn Độ, Tổng cục Hàng không Dân dụng Ấn Độ, Bộ Hàng không Dân dụng, hãng Air India cùng 2 công đoàn đại diện cho phi công nước này đều chưa phản hồi đề nghị bình luận của Reuters về thông tin từ báo WSJ. Boeing cũng từ chối đưa ra bình luận.

Báo cáo sơ bộ của AAIB xác nhận rằng 2 công tắc nhiên liệu đã được chuyển từ chế độ “bật” sang “ngắt” cách nhau đúng một giây, ngay sau khi máy bay cất cánh. Tuy nhiên, báo cáo không nêu rõ hành động này do ai thực hiện hoặc bằng cách nào.

Chỉ vài giây sau khi máy bay rời mặt đất, hình ảnh từ camera an ninh cho thấy có dấu hiệu chứng tỏ động cơ máy bay đã mất công suất.

Chiếc máy bay hành trình đến London bắt đầu mất lực đẩy, và sau khi lên tới độ cao gần 200 mét, nó bắt đầu hạ độ cao.

Theo báo cáo, các công tắc nhiên liệu cho cả hai động cơ sau đó đã được đưa về chế độ “bật”, và hệ thống của máy bay tự động kích hoạt quy trình khởi động lại động cơ. Tuy nhiên, lúc này máy bay đã bay quá thấp và tốc độ quá chậm để có thể phục hồi, chuyên gia an toàn hàng không John Nance nói với Reuters.

Chiếc máy bay đã va vào một số ngọn cây và một ống khói trước khi lao xuống một toà nhà trong khuôn viên ký túc xá một trường y gần đó, tạo thành một quả cầu lửa. Vụ tai nạn khiến 19 người dưới mặt đất và 241 trong số 242 người trên máy bay thiệt mạng.

Ông Rutte cảnh báo Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ

Tổng thư ký NATO – ông Mark Rutte (ảnh: Reuters)

Tổng thư ký NATO – ông Mark Rutte (ảnh: Reuters)

Phát biểu trong cuộc gặp với các thượng nghị sĩ Mỹ, ông Rutte cho rằng 3 quốc gia lớn thuộc BRICS (Nhóm các nền kinh tế mới nổi), đặc biệt là Trung Quốc, sẽ “mang lại hiệu quả” khi gây sức ép đối với Nga, DW hôm 16/7 đưa tin.

“Thông điệp của tôi dành cho 3 quốc gia này, đặc biệt là nếu các vị đang sống ở Bắc Kinh, ở New Delhi, hoặc Tổng thống Brazil, các vị nên xem xét nghiêm túc điều này, vì nó có thể ảnh hưởng rất lớn đến các vị”, ông Rutte nói.

“Hãy gọi điện cho ông Putin và nói với ông ấy rằng, ông ấy cần nghiêm túc về các cuộc đàm phán hòa bình. Nếu không, điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến Brazil, Ấn Độ và Trung Quốc”, ông Rutte nói thêm.

Nga chưa phản ứng về thông điệp của ông Rutte.

Trước đó, hôm 14/7, trong cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Rutte tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông có thể áp đặt “mức thuế rất nghiêm khắc”, lên tới 100% đối với các nước nhập khẩu năng lượng của Nga nếu Moscow không đạt được thỏa thuận chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine trong vòng 50 ngày.

Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil là các nền kinh tế lớn trong nhóm BRICS và chiếm phần lớn tỷ trọng xuất khẩu năng lượng của Nga. Cùng với Nga và Nam Phi, 3 quốc gia này cũng là cốt lõi của liên minh kinh tế BRICS.

Ông Zelensky nêu hiệu quả khi đặc phái viên Mỹ tới thăm

Tổng thống Ukraine Zelensky cho rằng Nga đang e ngại Mỹ và không tiến hành bất cứ cuộc tập kích quy mô lớn nào kể từ khi ông Keith Kellogg – đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump –  tới thăm Kiev (14/7).

Cơ sở hạ tầng ở Ukraine thiệt hại đáng kể do các đòn tập kích của quân đội Nga (ảnh: Getty)

Cơ sở hạ tầng ở Ukraine thiệt hại đáng kể do các đòn tập kích của quân đội Nga (ảnh: Getty)

“Ông Kellogg đã tới thăm Ukraine, và không có vụ tấn công lớn nào xảy ra trong 2 đêm liên tiếp. Đây là một hiện tượng rất thú vị. Thậm chí một số người nói đùa rằng chúng ta nên cấp hộ chiếu Ukraine cho Kellogg và giữ ông ấy ở lại. Và các quan chức Mỹ nên đến thăm chúng ta thường xuyên hơn. Điều này có nghĩa là gì? Khi người Mỹ ở đây, Nga không tấn công”, ông Zelensky trả lời phỏng vấn của Newsmax (hãng tin Mỹ).

Đêm 15/7, rạng sáng ngày 16/7, quân đội Nga phóng 400 máy bay không người lái (UAV) và một tên lửa vào nhiều khu vực ở Ukraine, không quân Ukraine cho hay.

Bộ Nội vụ Ukraine thông báo, 3 thành phố Kharkiv, Kryvyi Rih và Vinnytsia bị tập kích dữ dội. Ở Vinnytsia và các khu vực xung quanh, ít nhất 8 người bị thương.

DTEK (công ty năng lượng tư nhân lớn nhất Ukraine) cho hay, khoảng 80.000 gia đình ở Kryvyi Rih và một số địa điểm khác ở vùng Dnipropetrovsk bị cắt điện.

Hỗn loạn tại điểm cứu trợ ở Gaza, 20 người chết

19 người thiệt mạng do giẫm đạp và một người tử vong do bị đâm tại một địa điểm phân phối hàng cứu trợ ở Khan Younis, Quỹ Nhân đạo Gaza (GHF) – tổ chức do Mỹ và Israel hậu thuẫn, hôm 16/7 cho biết.

Người dân Dải Gaza khiêng thi thể nạn nhân khỏi hiện trường vụ giẫm đạp ở Khan Younis (ảnh: Reuters)

Người dân Dải Gaza khiêng thi thể nạn nhân khỏi hiện trường vụ giẫm đạp ở Khan Younis (ảnh: Reuters)

Cơ quan Y tế Dải Gaza tuyên bố có 21 người thiệt mạng, nhưng không phải do giẫm đạp mà bị ngạt thở bởi đạn hơi cay bắn vào đám đông.

Guardian dẫn lời một số nhân chứng đưa tin, lực lượng bảo vệ điểm phân phối của GHF đóng cổng và xịt hơi cay vào đám đông đang chen lấn, khiến tình hình trở nên hỗn loạn.

“Mọi người xô đẩy nhau, khiến nhiều người ngã xuống và bị đè bẹp”, Mahmoud Fojo, một người bị thương trong vụ giẫm đạp, nói.

Trong tuyên bố hôm 16/7, GHF cáo buộc “các phần tử mang vũ khí liên quan tới Hamas” trong đám đông đã cố tình kích động và gây bất ổn.

Ít nhất 58.000 người Palestine đã thiệt mạng kể từ khi Israel mở chiến dịch quân sự ở Dải Gaza, theo Guardian.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 15/7 trực tiếp bác bỏ thông tin báo Anh đăng tải về việc ông Trump khuyến khích Ukraine...

Theo Vương Nam – DW, Ukrainska Pravda, Guardian ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Thế giới 24h

Xem Thêm