Tình huống chưa có tiền lệ khi Thủ tướng Thái Lan bị tạm đình chỉ chức vụ
Văn phòng Tổng Thư ký Nội các Thái Lan bày tỏ lo ngại trước tình huống chưa từng có tiền lệ khi lần đầu tiên trong lịch sử nước này có một Thủ tướng bị đình chỉ trong khi nội các mới chuẩn bị tuyên thệ nhậm chức. Tuy nhiên, họ đã có một phương án khẩn cấp.
Bà Paetongtarn xuất hiện trong cuộc họp báo sau phán quyết của tòa Hiến pháp ngày 1/7. Ảnh: Reuters
The Nation Thailand ngày 1/7 đưa tin, văn phòng Tổng thư ký Nội các Thái Lan đã chuẩn bị một phương án khẩn cấp trong bối cảnh tòa Hiến pháp tiếp nhận đơn kiện của Thượng viện và ra lệnh đình chỉ tạm thời chức vụ Thủ tướng của bà Paetongtarn Shinawatra.
Nguồn tin của The Nation Thailand cho biết, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giao thông Suriya Jungrungreangkit đã được chỉ định làm quyền Thủ tướng, tạm thay thế bà Paetongtarn.
Quyền Thủ tướng sẽ dẫn đầu nội các mới tuyên thệ trước quốc vương Thái Lan vào ngày 3/7, thay cho Thủ tướng đang bị đình chỉ. Vấn đề này đã được tham vấn với Văn phòng Hội đồng Nhà nước.
Nguồn tin của The Nation Thailand cũng cho biết văn phòng Tổng Thư ký Nội các bày tỏ lo ngại trước tình huống chưa từng có tiền lệ này: Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Thái Lan có một Thủ tướng bị đình chỉ trong khi nội các mới chuẩn bị tuyên thệ nhậm chức.
Khi được yêu cầu bình luận về việc Thủ tướng Thái Lan bị tạm đình chỉ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tuyên bố: "Đây là vấn đề nội bộ của Thái Lan và tôi sẽ không đưa ra bình luận. Nhưng với tư cách là một nước láng giềng hữu nghị, chúng tôi hy vọng Thái Lan sẽ duy trì ổn định và phát triển".
Theo Bangkok Post, tòa Hiến pháp Thái Lan ngày 1/7 đã ra lệnh tạm đình chỉ nhiệm vụ của Thủ tướng Paetongtarn trong khi chờ xem xét đơn kiện liên quan đến một đoạn ghi âm gây tranh cãi về cuộc điện đàm giữa bà và Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen.
Cả 9 thẩm phán của tòa Hiến pháp nhất trí tiếp nhận kiến nghị của nhóm thượng nghị sĩ về việc xem xét tư cách tiếp tục giữ chức thủ tướng của bà Paetongtarn. Sau đó, với tỷ lệ 7 phiếu thuận và 2 phiếu chống, tòa đã ra quyết định tạm đình chỉ chức vụ của bà Paetongtarn.
Nhóm thượng nghị sĩ đã yêu cầu tòa Hiến pháp cách chức bà Paetongtarn với cáo buộc gây ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia, liên quan đến cuộc nói chuyện của bà Paetongtarn và ông Hun Sen bị rò rỉ. Bà Paetongtarn bị cho là đã sử dụng ngôn từ mang tính nhún nhường, gọi ông Hun Sen là “chú” và hứa sẽ “sắp xếp” mọi thứ theo yêu cầu của ông.
Tòa Hiến pháp yêu cầu bà Paetongtarn nộp văn bản giải trình trong vòng 15 ngày, kể từ ngày ra thông báo hôm 30/6.
Lên tiếng sau quyết định của tòa Hiến pháp, bà Paetongtarn cho biết bà đã gọi điện cho ông Hun Sen với mục đích ngăn chặn nguy cơ xảy ra xung đột với Campuchia.
“Tôi chỉ nghĩ đến cách ngăn chặn đụng độ và thương vong. Tôi khẳng định mình không có ý đồ xấu", bà Paetongtarn nói. “Tôi thành thật xin lỗi nếu cách xử lý của tôi là chưa phù hợp".