Tòa án Hiến pháp - trọng tài quyền lực ở Thái Lan
Giữa biến động chính trị, Tòa án Hiến pháp Thái Lan nổi lên như trọng tài quyền lực có thể định đoạt số phận của cả một chính phủ.
Tòa án Hiến pháp Thái Lan ngày 1/7 quyết định đình chỉ chức vụ của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra để điều tra về cuộc điện đàm gây tranh cãi giữa bà với Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen tháng trước. Điều này đã gây nhiều xáo trộn trên chính trường Thái Lan, bởi bà Paetongtarn, người nhậm chức năm ngoái, sẽ không thể điều hành chính phủ trong khoảng 1-2 tháng, cho tới khi tòa ra phán quyết.
Chưa đầy một năm trước, Tòa Hiến pháp Thái Lan đã ra phán quyết bãi nhiệm thủ tướng Srettha Thavisin sau khi các thượng nghị sĩ cáo buộc ông vi phạm các tiêu chuẩn đạo đức khi bổ nhiệm luật sư của gia đình Shinawatra là Pichit Chuenban vào nội các.
Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra trong cuộc họp báo tại Bangkok ngày 19/6. Ảnh: AFP
Tòa Hiến pháp Thái Lan là tòa án độc lập, có thẩm quyền xem xét tính hợp hiến của các sắc lệnh hoàng gia, các đạo luật của quốc hội, quyết định bổ nhiệm hoặc bãi nhiệm quan chức nhà nước và tất cả vấn đề liên quan tới đảng phái chính trị ở Thái Lan.
Việc thành lập Tòa Hiến pháp từng là chủ đề gây nhiều tranh luận trong quá trình soạn thảo Hiến pháp Thái Lan sửa đổi năm 1997.
Các thẩm phán cấp cao phản đối việc thành lập tòa này, cho rằng các quyền trên phải thuộc về Tòa án Tối cao. Họ cũng cho rằng Tòa Hiến pháp ra đời sẽ tạo thêm một nhánh của chính phủ với quyền lực mạnh hơn cả nhánh tư pháp, lập pháp và hành pháp hiện có.
Các thẩm phán cũng bày tỏ lo ngại sự can thiệp chính trị trong việc lựa chọn hoặc luận tội các thẩm phán của tòa. Hội đồng Soạn thảo Hiến pháp (CDA) cuối cùng đã nhượng bộ một số quan điểm liên quan đến thành phần và quyền hạn của Tòa Hiến pháp.
Bên bị ảnh hưởng hoặc tòa án cấp dưới có thể đệ trình kiến nghị lên Tòa Hiến pháp nếu tin rằng một vụ án có liên quan đến vấn đề hiến pháp. Tòa án thụ lý vụ kiện ban đầu sẽ phải tạm dừng các thủ tục tố tụng cho đến khi Tòa Hiến pháp ra quyết định.
Tất cả các phán quyết và lệnh của Tòa Hiến pháp đều không thể kháng cáo và có tính ràng buộc với tất cả cơ quan, tổ chức chính phủ, gồm cả các tòa án khác, Hội đồng Bộ trưởng và Quốc hội.
Tuy nhiên, nếu các tòa án khác đã ra phán quyết về vụ án, Tòa Hiến pháp sẽ không có quyền hồi tố. Hiến pháp Thái Lan cũng không trao cho tòa này quyền bác bỏ phán quyết cuối cùng của Tòa án Tối cao.
Theo Hiến pháp, nhánh tư pháp đóng vai trò lớn về thành phần của Tòa Hiến pháp. Ban đầu, tòa dự kiến có 9 thẩm phán, gồm 6 chuyên gia pháp lý và ba chuyên gia khoa học chính trị.
Quốc hội sẽ bầu 9 thẩm phán dựa trên danh sách 18 người do một hội đồng 17 thành viên đề cử. Chủ tịch hội đồng chính là chánh án Tòa án Tối cao, và hội đồng cũng có 4 đại diện từ các đảng phái chính trị ở Thái Lan.
Tuy nhiên, CDA sau đó quyết định mở rộng quy mô Tòa Hiến pháp lên 15 thẩm phán, gồm 7 người trong lĩnh vực tư pháp và 8 người còn lại được Thượng viện lựa chọn từ danh sách ứng viên Tòa án Tối cao.
Đến năm 2006, bản Hiến pháp sửa đổi đã thay đổi quy định về số thẩm phán của Tòa Hiến pháp từ 15 xuống còn 9 người. Trong đó, chủ tịch tòa là chủ tịch Tòa án Tư pháp Tối cao (SCJ), phó chủ tịch là chủ tịch Tòa án Hành chính Tối cao (SAC), 5 thẩm phán SCJ và 2 thẩm phán SAC.
Tòa Hiến pháp sau đó tiếp tục có những thay đổi về thành phần. Tòa có 9 thành viên đều phục vụ nhiệm kỳ 9 năm và được quốc vương bổ nhiệm theo đề nghị của Thượng viện. Theo đó, thành viên của tòa gồm 3 thẩm phán SCJ, 2 thẩm phán SAC, hai chuyên gia pháp luật cùng hai chuyên gia khoa học chính trị, hành chính công hoặc lĩnh vực khoa học khác.
Hội đồng thẩm phán Tòa Hiến pháp Thái Lan trong bức ảnh đăng hồi cuối tháng 1/2024. Ảnh: Bangkok Post
Cho đến nay, Tòa Hiến pháp Thái Lan vẫn giữ mô hình 9 thành viên. Chủ tịch của tòa kể từ năm 2024 là ông Nakarin Mektrairat.
Kể từ khi thành lập, Tòa Hiến pháp Thái Lan đã ra một số phán quyết đáng chú ý. Năm 2001, tòa quyết định tha bổng cho thủ tướng Thaksin Shinawatra về tội nộp bản kê khai tài sản không đầy đủ cho Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia.
Tòa ra lệnh giải thể đảng chính trị Thai Rak Thai năm 2007 và cách chức thủ tướng Yingluck Shinawatra năm 2014. Đảng Thai Raksa Chart cũng từng bị giải thể theo lệnh của tòa trước cuộc bầu cử tháng 3/2019.
Năm 2020, Tòa Hiến pháp yêu cầu giải thể đảng Future Forward và sau đó là đảng kế nhiệm Move Forward năm 2024. Hai quyết định gần đây nhất của tòa là bãi nhiệm thủ tướng Srettha và đình chỉ chức vụ Thủ tướng Paetongtarn.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Phumtham Wechayachai ngày 3/7 tuyên thệ nhậm chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ,...