Tổng thống bị ông Trump chất vấn tại Nhà Trắng, người Nam Phi nói sao?
Nhiều người Nam Phi bày tỏ thất vọng trước những tuyên bố có phần không đúng sự thật của Tổng thống Mỹ Donald Trump, rằng người da trắng ở Nam Phi đang bị phân biệt đối xử và bị tịch thu đất đai một cách vô lý.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Phòng Bầu dục (ảnh: Reuters)
Hôm 21/5, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tới Washington và có cuộc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Phòng Bầu dục với kỳ vọng đây sẽ là cơ hội khôi phục mối quan hệ đang “đi xuống” với Mỹ.
Trái với kỳ vọng của ông Ramaphosa, trong hầu hết thời gian cuộc gặp, ông Trump liên tục chỉ trích về cách chính phủ Nam Phi đối xử với người da trắng. Tổng thống Mỹ cáo buộc người da trắng ở Nam Phi đang bị sát hại một cách có hệ thống và bị tịch thu đất đai.
Tổng thống Mỹ thậm chí còn yêu cầu tắt bớt đèn trong Phòng Bầu dục để phát các đoạn video và đưa ra một chồng tài liệu mà ông gọi là “bằng chứng” cho các tuyên bố của mình.
“Chúng tôi sẵn sàng thảo luận với ngài về những mối quan ngại này”, ông Ramaphosa trả lời một cách bình tĩnh.
Và đó là thái độ của Tổng thống Nam Phi trong suốt cuộc trò chuyện ở Phòng Bầu dục.
“Ông Ramaphosa không bị ‘hiệu ứng Zelensky’. Đó là điều chúng ta cần. Ông ấy không bị mất bình tĩnh khi bị (Tổng thống Mỹ) bắt nạt”, Rebecca Davis – biên tập viên của tờ Daily Maverick (Nam Phi) – bình luận, so sánh thái độ của ông Ramaphosa với Tổng thống Ukraine Zelensky.
Hồi cuối tháng 2, ông Zelensky đã mất bình tĩnh và tranh cãi “nảy lửa” với ông Trump trong Phòng Bầu dục.
Ông Chrispin Phiri – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nam Phi – cho rằng, điều quan trọng là hai nhà lãnh đạo cần tìm được tiếng nói chung.
“Bản chất của Tổng thống Ramaphosa không phải thích gây hấn. Ông ấy luôn nhìn nhận vấn đề một cách bình tĩnh và thực tế. Tôi nghĩ đó là điều chúng ta mong đợi ở Tổng thống của mình”, ông Ramaphosa nói.
Tuy nhiên, một số người tỏ ra không mấy hài lòng khi ông Ramaphosa tỏ ra “mềm mỏng” trước ông Trump.
“Tôi không nghĩ đó là lựa chọn đúng đắn. Tôi không nghĩ chúng ta cần phải giải trình với Mỹ”, Sobelo Motha, 40 tuổi, cư dân ở Johannesburg (thành phố lớn nhất Nam Phi) nói.
“Chúng tôi biết rằng không có cuộc diệt chủng người da trắng nào cả. Vì vậy, đối với tôi, những lời công kích đó thật vô nghĩa”, Motha nói.
Theo Reuters, hơn 3 thập kỷ kể từ khi chế độ phân biệt chủng tộc (Apartheid) ở Nam Phi chấm dứt, người da trắng (chiếm gần 8% dân số Nam Phi) vẫn là nhóm giàu có nhất và kiểm soát 3/4 diện tích đất tư nhân.
Nam Phi là một trong những nước có tỷ lệ tội phạm bạo lực cao nhất thế giới, khoảng 20.000 vụ án giết người/năm, nhưng nạn nhân hầu hết là người da đen.
Johann Rupert – tỷ phú giàu nhất Nam Phi, chủ sở hữu tập đoàn Richemont – là người da trắng. Trong cuộc gặp với ông Trump hôm 21/5, ông Rupert cho rằng tội phạm là “vấn đề chung” của Nam Phi, chứ không nhắm vào riêng sắc tộc nào.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa vừa có cuộc gặp căng thẳng với Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng, khi nhà lãnh...