Vì sao tên lửa bay có thể tạo ra vệt sáng lạ như trên bầu trời Đà Nẵng, Quảng Ngãi sáng nay?
Theo các trang chuyên về khoa học, vệt sáng lạ mà nhiều người ở Việt Nam trông thấy vào sáng sớm 15/7 là kết quả của nhiều hiện tượng kết hợp lại.
Video: Trung Quốc phóng thành công tên lửa đẩy, đưa tàu Thiên Châu 9 vào không gian ngày 15/7/2025. Nguồn: Space.
Sáng sớm 15/7, người dân ở các tỉnh của Việt Nam như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã quan sát thấy vệt sáng lạ di chuyển trên bầu trời. Nhiều video, hình ảnh về vệt sáng này được lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều người tò mò về nguồn gốc của nó.
Trên fanpage của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Việt Nam thông tin: "Hiện tượng này nhiều khả năng là do Trung Quốc đã phóng thành công tàu chở hàng vũ trụ Thiên Châu-9 từ bãi phóng Văn Xương, tỉnh Hải Nam bằng tên lửa đẩy Trường Chinh-7. Thời điểm phóng là lúc 5h34 sáng giờ Bắc Kinh (tức 4h34 sáng giờ Hà Nội)".
"Hiện tượng này xảy ra khi tên lửa được phóng lên ở độ cao lớn, qua tầng bình lưu hoặc cao hơn. Khi đó, các luồng khí thải từ động cơ tên lửa (gồm hơi nước, khí đẩy và các chất hóa học) bị ánh sáng mặt trời chiếu từ phía dưới đường chân trời. Các hạt này sẽ phản xạ ánh sáng, tạo thành vệt sáng trắng hoặc màu sắc rực rỡ, kéo dài và lan tỏa giữa trời đêm", fanpage thông tin thêm.
Vệt sáng lạ xuất hiện trên bầu trời Quảng Ngãi sáng 15/7/2025. Ảnh: Người Lao Động Online
Hiện tượng vệt sáng từ tên lửa tương tự như vậy đã được nhiều người quan sát thấy và được giải thích theo các nguồn tin quốc tế và nghiên cứu khoa học.
Theo tạp chí Spacecraft & Rockets, khi tên lửa lao lên bầu trời, động cơ tạo ra một luồng khí siêu nóng cùng hàng tấn hạt bụi phun ra.
Ở độ cao vài chục km, luồng khí nóng không thể hòa ngay vào môi trường xung quanh, mà “phình” ra thành những đám khí thải khổng lồ, với nhiều hình dạng tùy theo giai đoạn bay.
Ngay tại thời điểm động cơ tắt, đám khí thải di chuyển với vận tốc lên tới vài km/s. Điều này khiến khí thải bị nén rồi giãn nở đột ngột. Cơ chế giống như quả bóng bay căng quá mức rồi vỡ: Tạo ra các sóng xung kích, phá vỡ đám khí thải thành hàng triệu mảnh nhỏ.
Theo trang Geophysica, ở độ cao từ khoảng 80km đến 200km (tầng trung lưu và tầng nhiệt), hơi nước mang theo trong đám khí thải gặp nhiệt độ cực thấp sẽ ngưng tụ rồi đóng băng thành những tinh thể li ti. Khi ánh sáng mặt trời chiếu xuyên qua, các tinh thể ấy sẽ bị khúc xạ và tán xạ, phân tách thành những mảng màu xanh, tím, vàng… tạo nên “mây phát quang” hoặc mây nhiều màu sắc trên nền trời sẫm.
Thêm vào đó, các lớp gió tầng cao khiến đám khí thải bị xoắn thành những dải xoắn ốc hoặc hình thù kỳ lạ. Sự kết hợp các hiện tượng trên đã tạo ra hình ảnh tương tự với hình ảnh mà nhiều người ở Việt Nam quan sát được sáng 15/7.
Trong các năm 2002 và 2005, hiện tượng tương tự xảy ra trên bầu trời nước Mỹ khi vệt sáng xuất hiện từ các vụ phóng tên lửa ở bang California.
Các vệt sáng huyền ảo sau vụ phóng tên lửa ở Mỹ năm 2002 và 2005. Ảnh: Dennis Fisher – Nick Hilton
Theo giới chức bang Alaska - Mỹ, đội cứu hộ đã được cử đến núi Lazy để tìm kiếm vật thể bị rơi sau khi đám mây lạ được...