Chia sẻ

Vị thế ngày càng tăng của Việt Nam

0:00
0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS năm 2025 với tư cách quốc gia đối tác - nước đối tác thứ 10 của BRICS

Sau hơn 25 giờ bay (kể cả thời gian dừng kỹ thuật tại Paris - Pháp), chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân cùng đoàn đại biểu Việt Nam đã tới sân bay quân sự Galeao ở TP Rio de Janeiro vào rạng sáng 5-7 (giờ địa phương, tức chiều cùng ngày giờ Việt Nam), bắt đầu tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng và hoạt động song phương tại Cộng hòa Liên bang Brazil.

Với chủ đề "Tăng cường hợp tác phương Nam nhằm thúc đẩy quản trị bao trùm và bền vững hơn", Hội nghị Thượng đỉnh BRICS năm 2025 là một trong những sự kiện đa phương quan trọng, có sự tham dự của khoảng 20 lãnh đạo cấp cao các nước, Tổng Thư ký Liên hợp quốc và lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế.

Đại diện cho Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS năm 2025 với tư cách quốc gia đối tác - nước đối tác thứ 10 của BRICS, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự và phát biểu tại các phiên họp cấp cao về các chủ đề: Tăng cường chủ nghĩa đa phương, các vấn đề kinh tế - tài chính, trí tuệ nhân tạo, môi trường, biến đổi khí hậu, y tế toàn cầu…

Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân tới Rio de Janeiro, bắt đầu chuyến công tác tại Brazil Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân tới Rio de Janeiro, bắt đầu chuyến công tác tại Brazil Ảnh: VGP

Nhân dịp này, Thủ tướng sẽ có các cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước, tổ chức tham dự hội nghị, qua đó khẳng định vai trò, mong muốn và đóng góp trách nhiệm của Việt Nam trong cơ chế đa phương này; đồng thời làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước thành viên BRICS và các tổ chức quốc tế.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Brazil Bùi Văn Nghị, việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS theo lời mời của Tổng thống Brazil Lula da Silva là minh chứng cho vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trên trường quốc tế. Là một trong 10 quốc gia đối tác của BRICS - cùng với Belarus, Bolivia, Kazakhstan, Cuba, Malaysia, Nigeria, Thái Lan, Uganda và Uzbekistan - Việt Nam được công nhận là nền kinh tế năng động với gần 100 triệu dân và vai trò địa chiến lược quan trọng tại châu Á.

Đây cũng là lần thứ 3 trong 3 năm liên tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Brazil. Cùng với việc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng năm 2025, Thủ tướng cũng có hoạt động song phương nhằm thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với Brazil, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Trong chuyến công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ hội kiến Tổng thống Brazil Lula da Silva; thăm các cơ sở văn hóa, thể thao; dự tọa đàm doanh nghiệp và làm việc với các tập đoàn kinh tế lớn của Brazil.

Brazil hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Mỹ Latin, trong khi Việt Nam cũng là đối tác quan trọng của Brazil tại Đông Nam Á. Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Brazil tăng nhanh, đạt gần 8 tỉ USD năm 2024. Hai nước phấn đấu nâng kim ngạch song phương lên 10 tỉ USD năm 2025 và 15 tỉ USD năm 2030. Đặc biệt, Việt Nam mong muốn sớm khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) mà Brazil đang là thành viên. FTA giữa Việt Nam và Mercosur được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Brazil, mang lại kết quả thực chất cho doanh nghiệp và người dân hai nước.

Đại sứ Brazil tại Việt Nam Marco Farani nhận định hai nước có triển vọng hợp tác tốt trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, an ninh mạng, chất bán dẫn, số hóa... "Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo, kinh tế xanh và công nghệ cao phát triển nhanh chóng, việc tích hợp đổi mới sáng tạo vào hợp tác kinh tế - thương mại là vô cùng cần thiết" - Đại sứ Farani nhấn mạnh. 

Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ đã đạt được thỏa thuận thương mại với Việt Nam sau nhiều tuần thương lượng, trước...

Theo HẢI NGỌC ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Thời sự thế giới

Xem Thêm