Chia sẻ

20 phiên bản tượng Phật bảo vật quốc gia ở TP HCM

0:00
0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Các phiên bản tượng Phật từ thời Lý đến thời Nguyễn được phỏng dựng chi tiết, trưng bày trong Đại lễ Vesak 2025.

20 phiên bản tượng Phật bảo vật quốc gia ở TP HCM - 1

87 phiên bản và hình ảnh bảo vật quốc gia Phật giáo Việt Nam được trưng bày tại một góc Học viện Phật giáo Việt Nam, huyện Bình Chánh, ngày 5/5. Trong đó, có 20 phiên bản là tượng Phật còn lại là hình ảnh được giới thiệu tới công chúng.

Hoạt động nằm trong chương trình triển lãm Văn hóa Phật giáo Việt Nam tại Đại lễ Vesak 2025. Triển lãm nhằm giới thiệu khái quát về văn hóa Phật giáo Việt Nam trên các khía cạnh ngôn ngữ, pháp phục, kiến trúc, di sản.

Kiến trúc sư Đinh Việt Phương, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, mất hai năm để hoàn thành những tượng Phật này. "Chúng tôi chọn các bảo vật quốc gia Phật giáo phổ quát nhưng có giá trị nghệ thuật và lịch sử để phỏng dựng và phục chế lại", ông Phương nói.

20 phiên bản tượng Phật bảo vật quốc gia ở TP HCM - 2

Nổi bật là bức tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông - bản duy nhất tại triển lãm có tỷ lệ đúng bản gốc. Các phiên bản khác tỷ lệ nhỏ hơn từ 50% đến 70%.

Bản gốc bài trí trong chùa Hoa Yên thuộc khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh) tuổi đời hơn 300 năm. Tượng tạc bằng đá xanh, gồm hai phần: bệ và thân, chiều cao 83 cm, ở tư thế thiền, kiểu ngồi bán kiết già. Tượng được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2020.

Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308) là vua thứ ba triều Trần, lãnh đạo quân dân Đại Việt hai lần đánh bại quân Nguyên - Mông. Sau khi nhường ngôi, ông xuất gia tu hành trên núi Yên Tử, sáng lập Thiền phái Trúc Lâm - dòng thiền thuần Việt đầu tiên, kết hợp tinh thần Phật giáo với tư tưởng yêu nước và trị quốc.

20 phiên bản tượng Phật bảo vật quốc gia ở TP HCM - 3

Phiên bản tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích (tỉnh Bắc Ninh) có kích thước nhỏ hơn một nửa so với bản gốc.

Bảo vật được tạc bằng đá năm 1057 dưới thời Lý Thánh Tông, cao khoảng 2 mét. Tượng thể hiện Đức Phật ngồi thiền trên tòa sen, với gương mặt từ bi và dáng vẻ thanh thoát. Các họa tiết được chạm tinh xảo, thể hiện sự mở đầu của nghệ thuật Phật giáo thời kỳ độc lập, tự chủ của Đại Việt. Đây là kiệt tác nghệ thuật thời Lý, được công nhận Bảo vật quốc gia năm 2012.

20 phiên bản tượng Phật bảo vật quốc gia ở TP HCM - 4

Phiên bản tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay chùa Bút Tháp (tỉnh Bắc Ninh), có niên đại khoảng thế kỷ 17.

Bản gốc tượng làm bằng gỗ, cao 235 cm, ngồi trong tư thế thiền định, có 11 mặt chính nhìn ra phía trước và hai mặt phụ ở hai bên. Đầu tượng tạo thành nhiều lớp, trên cùng là tượng A Di Đà ngồi trên tòa sen trong tư thế thiền định.

Tượng có 42 cánh tay lớn, cánh tay để trần, bàn tay trong tư thế ấn quyết và thiền định. Các vòng cánh tay phụ tạo thành một vòng tròn lớn đặt rời phía sau tượng (gồm 789 cánh tay) trong mỗi bàn tay có một con mắt. Bức tượng được công nhận Bảo vật quốc gia năm 2012.

20 phiên bản tượng Phật bảo vật quốc gia ở TP HCM - 5

Cạnh đó là phiên bản tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn chùa Mễ Sở (Hưng Yên), chế tác thế kỷ 19, công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2018.

Tượng làm bằng gỗ mít ngồi trên tòa sen trong tư thế thiền định, tính cả bệ cao 280 cm. Khuôn mặt tượng thanh thoát, đôn hậu với đôi tai dài, trán nở, lông mày cong, mắt khép hờ nhìn xuống. Tượng có 1.014 tay, mắt khác nhau, trong đó có 42 tay lớn xếp thành từng đôi một đăng đối nhau. Điểm độc đáo của pho tượng là có thêm một đôi tay ở sau lưng.

20 phiên bản tượng Phật bảo vật quốc gia ở TP HCM - 6

Bản phỏng dựng tượng Phật Pháp Vân chùa Dâu (Bắc Ninh), niên đại thế kỷ 16, được công nhận Bảo vật quốc gia năm 2017.

Tượng trưng bày thuộc hệ thống tượng Phật Tứ pháp gồm: Pháp Vân (thần mây), Pháp Vũ (thần mưa), Pháp Lôi (thần sấm), Pháp Điện (thần chớp). Hệ thống tượng Phật Tứ pháp là những hiện vật có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa của Phật giáo Việt Nam.

20 phiên bản tượng Phật bảo vật quốc gia ở TP HCM - 7

Tượng Tuyết Sơn chùa Mía (Hà Nội) chế tác trong thế kỷ 17-18.

Bảo vật điêu khắc tái hiện giai đoạn tu khổ hạnh của Thái tử Tất Đạt Đa trước khi giác ngộ thành Phật. Hình tượng Đức Phật được khắc họa gầy gò, hiện rõ các đường nét xương và cơ thể khắc khổ. Trang phục chỉ là mảnh áo khoác hờ, làm lộ rõ sự tiều tụy của thể xác, thể hiện tinh thần dấn thân tu hành của Đức Phật.

20 phiên bản tượng Phật bảo vật quốc gia ở TP HCM - 8

Bấm để lật
20 phiên bản tượng Phật bảo vật quốc gia ở TP HCM - 9

Hai phiên bản tượng Quan Âm Tống Tử và Quan Âm Tọa Sơn của chùa Mía (Hà Nội). Hai pho tượng bản gốc niên đại thế kỷ 17,18 làm bằng gỗ, sơn son thếp vàng.

Quan Âm Tống Tử thể hiện hình ảnh một phụ nữ hiền từ ôm bồng đứa trẻ. Pho tượng còn hiện lòng thương yêu của Bồ tát với chúng sinh như mẹ thương con và thể hiện tình mẫu tử mà dân gian hằng kính ngưỡng.

Quan Âm Tọa Sơn là một biểu tượng cao quý trong Phật giáo, thể hiện tinh thần từ bi, hy sinh và hướng thiện vì lợi ích của chúng sinh. Việc thờ phụng ngài không chỉ là hành động tôn kính một vị Bồ tát mà còn giúp con người giữ gìn bản tâm giữa những cám dỗ.

20 phiên bản tượng Phật bảo vật quốc gia ở TP HCM - 10

Phiên bản Bộ tượng Tam Thế ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh).

Bản gốc gồm ba pho biểu trưng cho ba thế hệ: Phật A Di Đà - chủ trì quá khứ, Phật Thích ca Mâu ni - chủ trì hiện tại và Phật Di lặc - chủ trì tương lai. Ba bức tượng có dáng ngồi theo tư thế nhập thiền trên tòa sen, hình thức thể hiện dung dị, khoáng đạt. Bộ tượng có niên đại thế kỷ 17, được công nhân bảo vật Quốc gia năm 2020.

20 phiên bản tượng Phật bảo vật quốc gia ở TP HCM - 11

Ba pho tượng Tam Thế ở chùa Linh Ứng (Bắc Ninh), thế kỷ 17, công nhận bảo vật Quốc gia năm 2013.

Các tượng được tạo tác cùng chất liệu bằng đá xanh, nặng khoảng vài tấn. Sự độc đáo thể hiện ở phần bệ tượng với kiểu dáng và những mô típ hoa văn trang trí kế thừa nghệ thuật thời Trần và thời Lê Sơ và Mạc.

20 phiên bản tượng Phật bảo vật quốc gia ở TP HCM - 12

Bên cạnh các phiên bản trưng bày là nhiều hình ảnh, tư liệu và trích đoạn giới thiệu về giá trị của các bảo vật quốc gia Phật giáo Việt Nam.

Tại không gian triển lãm còn trưng bày họa đồ lịch sử Đức Phật và quy trình tạo tượng theo truyền thống dân tộc, không gian thiền trà, những bức tranh họa vàng, tranh chùa Việt, kinh sách, mộc bản, pháp khí, nhạc cụ...

Đây là lần thứ tư Việt Nam đăng cai tổ chức đại lễ Vesak, sau ba kỳ diễn ra vào các năm 2008 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, năm 2014 tại chùa Bái Đính, Ninh Bình, năm 2019 tại chùa Tam Chúc, Hà Nam. Ban tổ chức dự kiến đại biểu từ 80 quốc gia cùng hơn 10.000 phật tử tham gia ngày hội lớn nhất của tín đồ Phật giáo trên thế giới.

Dòng người xếp hàng rước tượng Đức Phật sơ sinh trên chặng đường 4 km từ chùa Ấn Quang đến Việt Nam Quốc Tự mừng lễ Phật...

Theo Quỳnh Trần ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Đại lễ Phật đản Vesak 2025

Xem Thêm